Vòng đàm phán mới diễn ra từ ngày 29/5-2/6 tại Paris (Pháp) diễn ra sau vòng đàm phán kỹ thuật tại Uruguay vào tháng 11/2022, đánh dấu giai đoạn thứ hai trong năm giai đoạn đàm phán.
Trước tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa đang diễn ra trên toàn cầu, gây ra những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến môi trường và sức khỏe cộng đồng, thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa sẽ hướng đến việc chấm dứt ô nhiễm nhựa, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường khỏi những tác động bất lợi trong suốt vòng đời của nhựa; giảm sản xuất, sử dụng và thải bỏ nhựa, thúc đẩy nền kinh tế nhựa tuần hoàn.
Các nước thành viên Liên hợp quốc có kế hoạch nối lại đàm phán về một hiệp ước toàn cầu để chấm dứt tình trạng ô nhiễm nhựa.
Vòng đàm phán mới diễn ra từ ngày 29/5-2/6 tại Paris (Pháp) nhằm đưa ra kế hoạch hành động sơ bộ có thể tạo cơ sở cho một dự thảo văn bản đàm phán.
Nước chủ nhà Pháp đã lên kế hoạch tổ chức một hội nghị cấp cao vào ngày 27/5, với thành phần tham dự gồm khoảng 40 bộ trưởng môi trường và nhà ngoại giao để trình bày các khuyến nghị của Liên minh châu Âu (EU). Khu vực này là một trong những nơi tiêu thụ nhựa nhiều nhất trên thế giới.
Năm ngoái, khoảng 175 quốc gia cam kết sẽ thông qua một thỏa thuận quốc tế có tính ràng buộc pháp lý vào năm 2024 nhằm chấm dứt tình trạng ô nhiễm nhựa.
Các nước đang xem xét một loạt biện pháp như ban hành một lệnh cấm quy mô toàn cầu đối với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và áp dụng nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền.”
Trước đây, G7 đã đưa ra các tuyên bố về ô nhiễm nhựa, bao gồm các điều lệ về nhựa đại dương vào năm 2018, tuy nhiên vào thời điểm đó không đạt được sự đồng thuận của Hoa Kỳ và Nhật Bản. Nhưng tuyên bố lần này đã đạt sự đồng thuận của tất cả 7 nước trong nhóm G7 và các nước Châu Âu tham dự. Thông báo được đưa ra vào ngày làm việc cuối cùng của Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng và Môi trường nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới tại thành phố Sapporo, Nhật Bản.
Mặc dù các tuyên bố của G7 không mang tính ràng buộc nhưng tuyên bố cũng cho biết các quốc gia sẽ “đẩy mạnh hành động dựa trên các phương thức tiếp cận toàn diện, thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất nhựa bền vững, nâng cao tính tuần hoàn trong nền kinh tế và quản lý chất thải thân thiện với môi trường.”
Liên quan đến hiệp ước, G7 cho biết họ mong muốn các nhà đàm phán xem xét “tác động tiêu cực của ô nhiễm nhựa đối với môi trường và nền kinh tế cũng như các rủi ro liên quan đến sức khỏe con người, và tầm quan trọng của nhựa trong xã hội”, đồng thời cho biết họ muốn đi đến kết quả và kết thúc đàm phán vào cuối năm 2024.
Tuyên bố của các Bộ trưởng khí hậu, năng lượng và môi trường G7 được đưa ra trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G7 diễn ra từ ngày 19 – 21/5/2023 tại Hiroshima.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), năm 2019, thế giới sản xuất tổng cộng 460 triệu tấn nhựa và con số này có thể tăng gấp 3 lần vào năm 2060 nếu cộng đồng quốc tế không hành động.
Trong khi đó, khoảng 70% số sản phẩm nhựa bị thải ra môi trường sau khi được sử dụng một hoặc vài lần và chưa đến 10% được tái chế.
Trong báo cáo công bố vào giữa tháng 5 này, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã kêu gọi thực hiện một sự thay đổi có hệ thống để tăng cường triển khai các biện pháp tái sử dụng và tái chế nhựa, đồng thời thúc đẩy việc sử dụng các vật liệu thay thế.
Theo UNEP, điều này sẽ giúp giảm 80% mức ô nhiễm nhựa hằng năm vào năm 2040 và giảm 50% lượng nhựa sử dụng một lần.
Nguồn: moitruongvadothi.vn
Đang gửi...