Những ngày gần đây, hơn 100 hộ dân tại khu An Khang (TT.Mãn Đức, H.Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) sống trong sợ hãi bởi con suối Cơi, một trong 2 con suối huyết mạch chảy qua H.Tân Lạc bị "bức tử", nước suối chuyển màu đen kèm theo mùi hôi thối nồng nặc.
Theo người dân địa phương, tình trạng này không phải lần đầu xuất hiện mà đã kéo dài nhiều năm qua. Người dân không ít lần phản ánh tới các cấp chính quyền nhưng chẳng hiểu sao con suối vẫn bị ô nhiễm và ngày càng nghiêm trọng hơn, đặc biệt là vào mùa mưa.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Bùi Văn Mẫn, Tổ trưởng khu An Khang, cho biết cách đây gần 10 năm, trên khu Chiềng Khến - nằm trên ngọn đồi cách thượng nguồn suối Cơi khoảng 200 m xuất hiện một bãi rác. Một thời gian sau, nước từ bãi rác thẩm thấu xuống đất rồi chảy vào nguồn nước suối Cơi khiến nó chuyển màu đen và bốc mùi.
Theo ông Mẫn, trước khi có bãi rác, nước suối Cơi rất trong, cả làng đều ra đây lấy về ăn, uống, sinh hoạt. Mùa hè, con suối trở thành nơi tắm mát cho trẻ con, nơi đánh bắt cá của người lớn. Đến vụ mùa, suối cũng là nguồn nước chính cho bà con cấy cày, tưới tiêu đồng ruộng. Nhưng từ ngày bị ô nhiễm, hầu như chẳng ai dám đến gần, người dân không còn cách nào khác phải dùng nước làm ruộng, mỗi lần lội xuống nước chân tay lại ngứa ngáy khó chịu.
"Suối Cơi là một trong 2 con suối chính của H.Tân Lạc, suối này chảy qua trung tâm huyện và hòa vào những dòng nước khác. Nếu tình trạng này không được khắc phục, phạm vi ảnh hưởng từ nguồn nước ô nhiễm này có khả năng sẽ lan rộng xuống những khu khác", ông Mẫn nói.
Một số khu vực khác gần suối Cơi cũng bị ô nhiễm
ĐÌNH HUY
Ngoài việc gây ô nhiễm nguồn nước, người dân địa phương cho biết, mỗi khi rác được đốt ở bãi, khói đen bao phủ ngôi làng và có mùi rất khó chịu.
"Đã có hộ dân bị nước suối ô nhiễm chảy vào ao khiến cá chết nên chúng tôi rất lo lắng cho sức khỏe của mình", ông Bùi Văn Thương, người dân địa phương, nói và cho hay, sự việc đã được phản ánh nhiều lần lên các cấp chính quyền TT.Mãn Đức nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Chính quyền địa phương bất lực
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, thủ phạm gây ô nhiễm nguồn nước suối Cơi là khu xử lý rác thải TT.Mãn Đức (người dân địa phương gọi là bãi rác - PV) do Công ty CP đầu tư Kim Đạt Việt vận hành quản lý. Khu xử lý rác thải này rộng khoảng 2 ha, đi vào hoạt động từ năm 2017, chuyên tập kết, xử lý rác thải cho H.Tân Lạc.
Vào tháng 6.2023, UBND H.Tân Lạc đã có buổi làm việc với Công ty CP đầu tư Kim Đạt Việt để thống nhất phương án giải quyết về vấn đề ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới đời sống người dân nhưng đến nay vẫn đâu vào đấy.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Quách Văn Thạo, Phó chủ tịch UBND TT.Mãn Đức, xác nhận, ngay sau khi nhận được phản ánh của người dân, đơn vị đã có báo cáo lên cấp trên, chỉ đạo Công ty CP đầu tư Kim Đạt Việt xử lý cho tốt, giảm thiểu mức độ thẩm thấu xuống nước ngầm suối Cơi, gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Khi được PV cung cấp những hình ảnh gây ô nhiễm nguồn nước tại khu xử lý rác thải trên, ông Thạo ngỡ ngàng vì cách đây 10 ngày, Công ty CP đầu tư Kim Đạt Việt hứa với chính quyền sẽ phủ bạt để giảm thiểu ô nhiễm nhưng vẫn chưa thực hiện.
Lượng rác khổng lồ được đổ trực tiếp xuống đất
ĐÌNH HUY
Theo ông Thạo, khu xử lý rác trước đây chỉ chứa riêng rác của TT.Mường Hến, sau này là của cả H.Tân Lạc. "Rác chuyển về đây sẽ được đốt một nửa, nửa còn là tập kết. Tuy nhiên, cả huyện mỗi ngày phát sinh mấy chục tấn rác trong khi lò đốt thì bé thì sẽ gây tràn ra môi trường", ông Thạo nói
Trước những câu hỏi về giải pháp để ngăn chặn việc ô nhiễm, ông Thạo tỏ ra ngao ngán và bất lực. "Bây giờ chúng tôi chưa biết làm thế nào. Chúng tôi chỉ thông báo cho UBND huyện tìm cách xử lý thôi. Trên thực tế, Công ty Kim Đạt Việt họ ký hợp đồng với huyện nên chúng tôi không nắm được quy trình xử lý", ông Thạo nói.
Vị phó chủ tịch xã cũng tỏ ra lo lắng khi mùa mưa đang đến, trong khi dòng suối Cơi bị ô nhiễm đều chảy qua nơi tập trung đông đúc dân cư. Đặc biệt là khu đô thị Mường Hến.
"Nước suối ngày càng ô nhiễm thì không biết ảnh hưởng đến bao nhiêu người. Tôi cũng rất lo dòng nước đang lan rộng, nhà máy nước sạch của huyện còn cách 6 - 7 km, nếu ô nhiễm đến đấy thì rất nguy hiểm", ông nói.