Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông - chủ đầu tư dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa) cho biết ngay khi nhận được thông tin tuyến đường ùn tắc, ban đã cho kiểm tra và ghi nhận gói thầu xây hầm hiện vẫn giữ đúng các vị trí rào chắn, không phát sinh rào chắn mới.
Theo ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ - Sở GTVT TP.HCM, khu vực cửa ngõ sân bay TSN là một trong những điểm nóng giao thông được thành phố quan tâm và tập trung rất nhiều giải pháp kiểm soát tình trạng ùn tắc. Sở GTVT kết hợp cùng Cảng hàng không quốc tế TSN và lực lượng CSGT đã thường xuyên rà soát, điều chỉnh tổ chức giao thông hợp lý như: Cải tạo điểm quay đầu xe dưới dạ cầu thép Trường Sơn cho phép ô tô con quay đầu; điều chỉnh từ một chiều ô tô 24/24 giờ thành hai chiều ô tô từ 22 giờ đến 6 giờ ngày hôm sau trên đường Hồng Hà và Yên Thế; lắp đặt hàng rào kéo di động tại các giao lộ Trường Chinh - Tân Sơn Nhì, Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý; đưa vào khai thác bãi đậu xe taxi tạm tại khu đất tiếp giáp đường Trường Sơn - Bạch Đằng - Hồng Hà phục vụ hoạt động vận chuyển hành khách tại sân bay trong các đợt cao điểm lễ, tết…
Quá tải lắm rồi!
"Nói thật, mỗi lần đi máy bay là tôi phải chịu khó từ nhà xuất phát trước giờ bay 3 tiếng đồng hồ, dù nhà tôi không xa sân bay lắm. Việc này để nếu có kẹt xe một chút thì mình cũng kịp giờ tới sân bay. Nhiều lúc rất sốt ruột, ngồi trên taxi mà cứ sợ trễ chuyến bay. Có lần khi cũng gần đến sân bay rồi mà kẹt xe rất lâu, tôi phải bỏ taxi, xách vali chạy vào sân bay cho kịp. Đường sá quá tải lắm rồi!", bạn đọc (BĐ) Nguyen Van Hung kể nỗi lòng của mình.
Đồng tình về chuyện quá tải xe cộ, BĐ Quan Minh nhận xét: "Kẹt xe một phần do lượng phương tiện quá đông, một phần do quy hoạch đường sá. Thử mở bản đồ ra xem khu vực Q.1, Q.3... từ xưa đường sá ngay hàng thẳng lối, còn những khu vực phát triển sau này như Q.Bình Tân, Q.Tân Phú... đường như rễ cây, nhỏ hẹp, uốn lượn…".
BĐ Hoang Luu Linh cho biết: "Quá nhiều ô tô lưu thông trên đường. Thử qua Q.7 xem, chung cư vẫn mọc lên ầm ầm, đường Nguyễn Tất Thành và Khánh Hội không thể mở rộng mà lượng xe thì tăng gấp nhiều lần, sáng đi ùn ứ, chiều tối về ùn ứ, xe 4 bánh tràn hết sang phần đường xe hai bánh, đẩy xe hai bánh chạy lên vỉa hè".
Làm sao để không còn ùn tắc cửa ngõ sân bay
Đó là vấn đề được đặt ra lâu nay và mặc dù TP.HCM đã rất nỗ lực nhưng vẫn chưa giải quyết được rốt ráo bài toán khó này.
BĐ Sanh Pham cho biết: "Cán cân cung - cầu quá chênh lệch khi tốc độ đô thị hóa và phát triển kinh tế tăng chóng mặt. Làm thêm đường hay mở rộng đường ngày càng khó và chậm chạp do giải tỏa đền bù. Tổ chức giao thông chỉ cục bộ, nhất thời, chuyển kẹt xe từ chỗ này sang chỗ khác. TP có nhiều giải pháp đồng bộ nhưng chỉ thiên về cung, ít chú trọng kiểm soát cầu… Có lẽ đến lúc nhờ các chuyên gia tư vấn kinh nghiệm nước ngoài rồi".
BĐ Vinh Le thì nhận xét: "Cách giải quyết kiểu kẹt đâu mở đường đó thì mãi mãi vẫn sẽ kẹt xe, hết kẹt chỗ này thì kẹt chỗ khác thôi".
Để góp phần giảm ùn tắc cửa ngõ sân bay, nhiều BĐ tham gia góp ý. BĐ Duc Tri Nguyen nêu ý kiến: "Ngay vị trí đài nước chặn lại không cho xe cắt ngang qua đường, tại vị trí tam giác giữa đường Hoàng Văn Thụ và Nguyễn Văn Trỗi mở rộng ra làm vòng xoay, chặn đường Út Tịch không cho cắt ngang qua Hoàng Văn Thụ, là hết kẹt!".
BĐ Văn nêu thắc mắc: "Thứ nhất, trục chính Cộng Hòa mà chỉnh có 18 giây đèn xanh nên kẹt xe kéo dài tính bằng ki lô mét. Thứ nhì, làm cầu vượt là để giảm kẹt xe, tại sao có cầu vượt vẫn kẹt xe? Thứ ba, nút giao Cộng Hòa - Trường Chinh sao không cho xe đi thẳng như Út Tịch - Cộng Hòa?".
"Theo tôi, TP cần dồn lực hơn nữa để giảm kẹt xe ở cửa ngõ sân bay TSN. Sân bay là bộ mặt của TP, du khách đến TP, vừa ra khỏi sân bay là được nếm ngay "đặc sản" kẹt xe thì quá khổ. Thiệt hại do kẹt xe là rất lớn. Mong các ban ngành nỗ lực hơn nữa để giải quyết vấn nạn này", BĐ Tien Long ý kiến.