Trong tổng số 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam hiện đang thi công, chỉ 5/12 dự án thành phần đáp ứng kế hoạch, 7 dự án thành phần còn lại bị chậm so với kế hoạch.
Cập nhật tiến độ các dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, về mặt bằng, diện tích mặt bằng đã bàn giao đến nay đạt 682,6/721,2km (94,6%); tổ chức thi công được trên phạm vi khoảng 656,9/721,2km (91,1%).
Ngoài 3 khu tái định cư đã có sẵn, đến nay mới hoàn thành 76/147 khu, các địa phương đang lập dự án và triển khai thi công 71/147 khu tái định cư.
Mặc dù Bộ GTVT có nhiều công điện, văn bản gửi UBND các tỉnh đề nghị đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng các khu tái định cư, tuy nhiên, việc triển khai vẫn chậm do chủ yếu là đất ở, ảnh hưởng đến đời sống, sinh kế của người dân, cần bố trí tái định cư trong khi các khu tái định cư chưa hoàn thành; các công trình hạ tầng kỹ thuật đặc biệt là đường điện cao thế có thủ tục triển khai liên quan đến nhiều cơ quan nên mất nhiều thời gian.
7/12 dự án thành phần chậm tiến độ
Về tiến độ, sản lượng thực hiện của 12 dự án được khoảng 18.548/98.372 tỷ đồng, đạt 18,85% hợp đồng, chậm 3,89% so với kế hoạch.
Trong đó, chỉ 5/12 dự án thành phần đáp ứng kế hoạch (gồm Vũng Áng-Bùng, Bùng-Vạn Ninh, Vạn Ninh-Cam Lộ, Quảng Ngãi-Hoài Nhơn, Vân Phong-Nha Trang vượt trên 1,5% so với kế hoạch).
7 dự án thành phần còn lại chậm so với kế hoạch (gồm Bãi Vọt-Hàm Nghi chậm 1%; Hàm Nghi-Vũng Áng chậm 2%; Hoài Nhơn-Quy Nhơn chậm 1,2%; Quy Nhơn-Chí Thạnh chậm 1,5%; Chí Thạnh-Vân Phong chậm 6,3%; Cần Thơ-Hậu Giang chậm 12,76%; Hậu Giang-Cà Mau chậm 19,76%).
Hết năm 2023, tổng vốn đầu tư dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 đã giải ngân 41.637,92/47.856,07 tỷ đồng, đạt 87%.
Thiếu mặt bằng, thời tiết không thuận lợi, nguồn cung vật liệu còn bấp bênh...
Nguyên nhân chậm tiến độ các dự án cao tốc trên được Bộ GTVT xác định do các địa phương chưa thực hiện chuyển đổi rừng với các diện tích tăng thêm; công tác triển khai xây dựng các khu tái định cư chậm so với tiến độ đề ra; chưa di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật phức tạp (nhất là hệ thống điện cao thế).
Nhiều nhà thầu gặp khó khăn trong việc thỏa thuận với các chủ sở hữu đất khu vực mỏ về chi phí chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất; thiếu nguồn cát để thi công nền đường (công suất chưa đáp ứng đủ, thủ tục mở các mỏ cát mới chậm).
Để cùng địa phương tháo gỡ khó khăn này, Bộ GTVT đã yêu cầu các Ban Quản lý dự án chỉ đạo thầu lập, cập nhật tiến độ triển khai chi tiết, rút ngắn thời gian thực hiện để chủ động, có phương án, giải pháp quản lý, điều hành hiệu quả cho từng dự án, đáp ứng tiến độ theo yêu cầu của Chính phủ.
Sẽ có thêm 2 đoạn tuyến cao tốc hoàn thành trong năm 2024
Đối với các dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đến nay, Bộ GTVT đã đưa 9 dự án thành phần với tổng chiều dài 526km thông xe đưa vào khai thác gồm: Cao Bồ-Mai Sơn (dài 15,2km) và Cam Lộ-La Sơn (98,3km) đã đưa vào khai thác năm 2022; Mai Sơn-Quốc lộ 45 (63,37km), Nha Trang-Cam Lâm (49,1km), Vĩnh Hảo-Phan Thiết (108,8km) và Phan Thiết-Dầu Giây (99km) đã đưa vào khai thác trong quý 2/2023; Quốc lộ 45-Nghi Sơn (43,28km); Nghi Sơn-Diễn Châu (50km) đã đưa vào khai thác 1/9/2023); Cầu Mỹ Thuận 2 (6,61km) đưa vào khai thác ngày 24/12/2023.
Trong đó, 7 dự án thông xe đưa vào khai thác trong năm 2023 sản lượng trung bình đạt 99,1% giá trị hợp đồng.
Còn lại 2 dự án thành phần là Diễn Châu-Bãi Vọt và Cam Lâm-Vĩnh Hảo với tổng chiều dài là 128km đang tiếp tục triển khai thi công và sẽ hoàn thành trong năm 2024 này. 2 dự án này có sản lượng trung bình đạt 76% giá trị hợp đồng, chậm 3,5% so với kế hoạch xây dựng.
Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu tập trung triển khai thi công đảm bảo hoàn thành các hạng mục còn lại. Riêng các hạng mục mới bổ sung theo kiến nghị của địa phương tại Dự án Vĩnh Hảo-Phan Thiết và Phan Thiết-Dầu Giây phải hoàn thành trước ngày 30/6/2024.
Đồng thời, thực hiện hoàn trả các tuyến đường của địa phương sử dụng làm đường công vụ phục vụ thi công theo đúng cam kết với địa phương và quy định của hợp đồng; phối hợp với chính quyền địa phương, đơn vị bảo hiểm để giải quyết việc bồi thường các hộ dân bị ảnh hưởng trong quá trình thi công…
Các chủ đầu tư chủ động làm việc với Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng để hoàn tất thủ tục kiểm tra điều kiện hoàn thành công trình và hoàn thành các thủ tục bàn giao công trình cho đơn vị quản lý khai thác.
Bốn tuyến cao tốc tăng phí từ ngày 1/2/2024
Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) về việc điều chỉnh mức giá dịch vụ sử dụng các tuyến đường cao tốc do VEC quản lý, khai thác.
Cụ thể, Bộ GTVT thống nhất việc tăng phí tại 4 tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây do VEC quản lý, khai thác như đề nghị của VEC.
Bộ GTVT yêu cầu VEC có trách nhiệm kiểm tra, rà soát, quyết định mức giá, thời điểm điều chỉnh giá 4 tuyến cao tốc theo thẩm quyền, bảo đảm không vượt quá mức giá tối đa quy định tại Thông tư số 28/2021 của Bộ GTVT và khả năng chi trả của người sử dụng, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
VEC có trách nhiệm hoàn tất các thủ tục điều chỉnh giá vé theo đúng quy định pháp luật. Kịp thời công khai, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để tạo sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp.
Trước đó, trong văn bản đề xuất gửi Bộ GTVT, VEC cho biết theo phương án tài chính hòa chung dòng tiền 5 dự án đường cao tốc do VEC làm chủ đầu tư, lộ trình tăng phí là định kỳ 3 năm tăng 1 lần, mỗi lần tăng 12%.
Tuy nhiên, các dự án đường cao tốc của VEC chưa được tăng phí từ khi đưa vào khai thác. Ngược lại có thời điểm còn giảm phí để hỗ trợ doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ.
Từ năm 2024, chi phí trả nợ vay làm đường của VEC sẽ tăng liên tục trong khi các đường cao tốc đã đến thời hạn trung tu, đại tu. Nếu vẫn giữ nguyên mức phí sẽ ảnh hưởng phương án tài chính các dự án.
Do vậy, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) dự kiến tăng phí 4 tuyến cao tốc do doanh nghiệp này đầu tư, khai thác từ 0h ngày 1/2/2024.
Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và Đà Nẵng - Quảng Ngãi tăng từ 1.500 đồng/km lên 1.680 đồng/CPU (đơn vị xe con quy đổi)/km (tăng 12%).
Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây tăng từ 2.000 đồng/CPU/km lên 2.100 đồng/CPU/km (tăng 5%, bằng giá tối đa do Bộ GTVT quy định).
Với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đoạn Nội Bài - Yên Bái (4 làn xe đầy đủ, tốc độ 100km/h) tăng từ 1.500 đồng/CPU/km lên 1.680 đồng/CPU/km (tăng 12%); đoạn Yên Bái - Lào Cai (chủ yếu 2 làn xe, tốc độ 80km/h) từ 1.000 đồng/CPU/km lên 1.120 đồng/CPU/km (tăng 12%).
41 dự án BOT đã tăng phí
Trước đó, Bộ GTVT đã chấp thuận tăng phí tại 41 dự án BOT giao thông từ ngày 29/12/2023.
Với các dự án BOT thu phí lượt, phần lớn tăng từ 11% đến 18% theo các nhóm xe. Tương ứng với mức tăng phổ biến (đã bao gồm 10% VAT) từ 35.000 đồng lên 41.000 đồng với xe nhóm 1, từ 50.000 đồng lên 59.000 đồng với xe nhóm 2, từ 75.000 đồng lên 87.000 đồng với xe nhóm 3, từ 120.000 đồng lên 140.000 đồng với xe nhóm 4 và từ 180.000 đồng lên 200.000 đồng với xe nhóm 5.
Hầu hết các dự án BOT thu vé lượt này đều áp dụng mức tăng kịch mức tối đa với xe nhóm 3, nhóm 4 và nhóm 5. Còn xe nhóm 1 và nhóm 2 mức phí tăng lên cách mức tối đa 11.000 đồng.
Với dự án đường cao tốc thu phí theo km, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (Hà Nội) mức tăng phí bình quân 18%. Còn đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng mức phí gần 5% đến gần 20% theo các nhóm xe.
Nguồn: congan.com.vn
Đang gửi...