Sáng nay 21.9, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM tổ chức lễ khai giảng năm học 2023-2024 với hơn 3.500 tân sinh viên.
Bí thư Trung ương Đảng-Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; nguyên Phó thủ tướng Trương Hòa Bình; Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cùng tham dự lễ khai giảng.
“Tự học và nghiên cứu là bản chất việc học ĐH”
Phát biểu tại lễ khai giảng, ông Nguyễn Trọng Nghĩa nói: “Các em hãy cảm thấy tự hào khi trở thành sinh viên của nhà trường – nơi chắp cánh cho những ước mơ. Hãy chủ động học tập, nghiên cứu, tận dụng cơ hội này trong sự đồng hành của bạn bè, với sự giúp đỡ của thầy cô và nhà trường cho một tương lai tươi sáng phía trước”.
Theo ông Nghĩa, ở bậc ĐH, nhiệm vụ hàng đầu của sinh viên là học tập và nghiên cứu. “Việc học ở ĐH không dừng lại ở những bài giảng, mà quan trọng hơn là sự tự chủ, tự tin, tính tích cực của sinh viên trong tìm tòi, khám phá và vận dụng kiến thức để giải quyết những vấn đề của thực tiễn. Các em cần ý thức sâu sắc rằng tự học và nghiên cứu là bản chất việc học ở ĐH”, ông nói.
Ông Nghĩa đồng thời lưu ý, trường ĐH còn là môi trường lý tưởng để sinh viên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, hình thành các giá trị nhân văn và chuẩn mực đạo đức của con người mới. Sinh viên cần tích cực tham gia các hoạt động của Đoàn, của Hội sinh viên. Những hoạt động xã hội này sẽ giúp sinh viên có những trải nghiệm quý báu và trưởng thành về nhân cách.
“Sinh viên là tương lai của đất nước. Sinh viên cần là tấm gương sáng về đạo đức, lối sống, tinh thần trách nhiệm để các học sinh noi theo. Hãy dấn thân với nhiệt huyết của tuổi trẻ; hãy sống có lý tưởng, có hoài bão và khát vọng cống hiến để hoàn thiện bản thân, để ‘vì ngày mai lập nghiệp’, để cảm nhận đầy đủ những năm tháng đẹp đẽ nhất của đời sinh viên”, ông Nghĩa nói.
PGS-TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cũng bày tỏ mong muốn rằng những đại diện của thế hệ Z với sự thông minh, tự tin, năng động sẽ dùng sức trẻ và những lợi thế thời đại của mình, không ngừng phấn đấu để đóng góp và lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp của “Người Nhân Văn”, đó là “sáng tạo-dẫn dắt-trách nhiệm”. “Các bạn hãy lạc quan và tự tin, vì luôn có sự đồng hành của gia đình và nhà trường cùng các bạn. Hãy lên tiếng khi các bạn cần một sự chia sẻ”, nữ hiệu trưởng nhấn mạnh.
Hơn 50% cán bộ, giảng viên được đào tạo tại các nước tiên tiến
Bên cạnh đánh giá những thành tựu của nhà trường, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị, thời gian tới Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cần quan tâm thực hiện tốt một số nội dung.
Thứ nhất, nhà trường nhận thức sâu sắc và tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tạo đột phá về chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học để tiếp tục dẫn đầu trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, có kiến thức toàn diện, có trách nhiệm xã hội, có năng lực lãnh đạo, tư duy khởi nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.
“Nhà trường cần đẩy mạnh tự chủ, coi tự chủ ĐH là giải pháp đột phá để phát triển. Có chính sách đủ mạnh để thu hút, trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước tham gia vào các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế. Đổi mới quản trị nhà trường theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế. Đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, sớm thí điểm ĐH số, tạo ra những giá trị mới, cách làm mới, đột phá mới về hiệu quả và chất lượng trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và hoạt động quản trị. Nhà trường cũng cần chủ động, tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội và phục vụ cộng đồng”, ông Nghĩa nói.
Thứ hai, ông Nghĩa đề nghị trường tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả đào tạo của các ngành học nhà trường có thế mạnh. Nghiên cứu, sáng tạo, truyền bá tri thức về khoa học xã hội và nhân văn, góp phần giải quyết những vấn đề thực tiễn của đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội, của đất nước trong từng giai đoạn, cập và phù hợp với xu hướng phát triển chung về khoa học xã hội và nhân văn trên thế giới.
Đặc biệt, ông Nghĩa nhấn mạnh: “Cần coi trọng giáo dục văn hóa, đạo đức, lối sống, giáo dục nhân cách và khát vọng cống hiến cho thế hệ trẻ. Gắn kết mật thiết giữa đào tạo với xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị con người Việt Nam”.
Cũng theo ông Nghĩa, nhà trường cần coi trọng phát triển năng lực tự học, tự làm giàu tri thức, tư duy phản biện, sáng tạo của người học. Đổi mới mạnh mẽ phương pháp, hình thức tổ chức dạy học. Thực hiện tốt nguyên lý học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn. Đẩy mạnh học qua tìm tòi, khám phá; học qua nghiên cứu.
Thứ ba, nhà trường cần thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu khoa học, chủ động hợp tác quốc tế, hội nhập với các trường ĐH, viện nghiên cứu trong khu vực và quốc tế. Tiên phong trong thực hiện các nhiệm vụ để giải quyết những vấn đề lớn, mang tầm quốc gia, khu vực và quốc tế, phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Cụ thể, tập trung vào nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn quá trình đổi mới đất nước và dự báo xu hướng phát triển; làm sáng tỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, phục vụ xây dựng đường lối, chính sách phát triển và bảo vệ đất nước trong giai đoạn mới. Bên cạnh đó là chú trọng các nghiên cứu về mô hình và chiến lược phát triển, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xu thế phát triển của xã hội, văn hóa, dân tộc, tôn giáo và con người Việt Nam. Tăng cường nghiên cứu khoa học lịch sử; dự báo các xu thế phát triển của khu vực và thế giới, hội nhập quốc tế, nâng cao vai trò của Việt Nam trong giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu.
Thứ tư, nhà trường cần đặc biệt quan tâm xây dựng môi trường học tập và nghiên cứu hiện đại, năng động, sáng tạo, phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên. Đây là yếu tố then chốt, là nguồn lực quan trọng nhất quyết định cho sự thành công của nhà trường.