NGUY CƠ CAO BỊ LỪA ĐẢO
Rầm rộ, ngang nhiên là thế, song theo một số người mua, chất lượng khóa học "chui" không hề giống những gì các đối tượng chào mời hứa hẹn. Chẳng hạn, P.N, sinh viên (SV) Trường ĐH Kinh tế TP.HCM phân hiệu Vĩnh Long, cho biết khi đến vài tuần gần thi, khóa học "chui" đột nhiên ngừng cập nhật. Hay N.M, SV Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, kể lại một trường hợp từng mua khóa học "chui" nhưng tài liệu nhận được lại "xuất xưởng" từ... 10 năm trước.
Một rủi ro khác là bị lừa đảo, theo thạc sĩ Bùi Văn Công, GV luyện thi đánh giá năng lực trực tuyến. Hiện, các khóa học, bài giảng của thầy Công cũng bị nhiều đối tượng bán "chui" với chi phí thấp hơn nhiều so với giá gốc. "Tôi cũng từng mua thử một lần để so sánh và phát hiện khóa học "chui" chỉ có lèo tèo vài video, trong khi tôi đang có đến 600 video mỗi khóa, chưa tính những lần dạy live", thầy Công khẳng định.
"Khi mua khóa học "chui", học sinh (HS) sẽ mất cơ hội tương tác trực tiếp với GV và cũng không được hỗ trợ khi gặp vấn đề, trong khi đây là những yếu tố quan trọng giúp nâng cao hiệu quả học tập. HS cũng bị gạt bỏ khỏi các quyền lợi của khóa học gốc và khó có thể cầu cứu ai nếu bị lừa đảo. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến thời gian lẫn công sức của các em và sẽ rất nguy hiểm nếu đó là năm cuối cấp", thạc sĩ Công nói.
Nhiều rủi ro như thế, nhưng sao thị trường khóa học "chui" vẫn phát triển? Một mặt, đó là do nhiều HS có kinh tế eo hẹp, khó đáp ứng được những khóa học gốc với chi phí bạc triệu. "Mặt khác, các đối tượng bán "chui" thường chào mời trên mạng nên khó truy ra danh tính thật. Để hạn chế, tôi chỉ có thể khuyên HS chọn khóa gốc để nhận đủ quyền lợi, cũng như đính kèm nguồn chính thống trong video để HS biết mà tìm đến", nam GV giãi bày.
ĐỪNG "ĐẶT NIỀM TIN SAI CHỖ"
Đồng tình, thạc sĩ Hà Văn Tú, giảng viên bộ môn quản lý giáo dục Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng các khóa học "chui" tiềm ẩn nhiều tiêu cực, đặc biệt về tính pháp lý và chuyên môn. "Cần đặt câu hỏi, những người cung cấp khóa học "chui" không đủ chuyên môn mà chỉ lượm lặt bài giảng từ nhiều nơi lại để bán với giá rẻ thì liệu những tri thức đó có khoa học, chính xác hay không? Có phù hợp với chương trình mà HS đang theo đuổi?", thầy Tú lo lắng.
Thạc sĩ Tú cho biết thêm luật Giáo dục quy định rằng hành vi sao chép khóa học để bán lại với giá rẻ có thể xem là trục lợi từ hoạt động giáo dục. Nam giảng viên cũng khẳng định những khóa học không đảm bảo về tính pháp lý thế này có thể tác động tiêu cực đến hoạt động học tập tại các cơ sở giáo dục phổ thông cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến HS.
"Nội dung khóa học không kiểm soát chặt chẽ có khả năng mang đến người học hiểu biết sai lầm, gây mất thời gian, công sức và tiền bạc. Riêng HS, việc tiếp cận sai kiến thức sẽ ảnh hưởng đến các kỳ thi quan trọng. Thế nên, mua khóa học trực tuyến cũng tương tự mua hàng trực tuyến, không nên tin quảng cáo mà đặt niềm tin sai chỗ", thầy Tú nói.
Có thể thấy, các khóa học "chui" trên không gian mạng hiện rất tràn lan và khó kiểm soát. Tuy nhiên, việc kiểm duyệt các khóa học diễn ra còn chậm, trong khi việc đăng tải khóa học "chui" thì rất nhanh. Vì thế, người học hiện nay bị "bủa vây" bởi nhiều khóa học không chính thống.
Để hạn chế tình trạng này, luật sư Nguyễn Duy Anh, Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH A+, khuyên HS khi mua khóa học phải yêu cầu đơn vị phát hành cung cấp các thông tin về pháp lý, trường hợp đã đưa giấy phép nhưng có yếu tố làm giả thì cần trình báo cơ quan chức năng. "Nhà nước cũng cần đầu tư hệ thống kiểm duyệt tự động hoặc làm việc trực tiếp với các đơn vị về kiểm duyệt nội dung đăng tải nhằm hạn chế sự phát triển của các khóa học không chính thống", ông Duy Anh nêu giải pháp.
Các khóa học "chui" không có giấy phép sẽ bị xử phạt hành chính
Về mặt pháp lý, luật sư Nguyễn Duy Anh cho biết muốn cung ứng dịch vụ liên quan đến dạy học phải xin phép cơ quan có thẩm quyền. Các khóa học "chui" không có giấy phép sẽ bị xử phạt hành chính và có thể bị buộc trả lại kinh phí đã thu cho người học. "Hành vi sao chép, lấy tài liệu, bài giảng từ các khóa học chính thống để bán lại với giá rẻ là xâm phạm quyền tác giả. Người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính và buộc gỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng", ông Duy Anh lưu ý.
GV VÀ NHÀ TRƯỜNG CẦN "NÂNG CẤP" CÁCH TRUYỀN ĐẠT ĐỂ THU HÚT HS
Bên cạnh đó, luật sư Nguyễn Duy Anh nhận định: "HS ngày nay có xu hướng sử dụng một môi trường mạng tập trung điển hình như Facebook để có thể vừa lướt web, vừa tham gia các lớp học trực tuyến. Đôi khi chúng ta phải thừa nhận, các lớp livestream có nội dung và cách truyền đạt thu hút, dễ nhớ bài hơn. Vì vậy, việc hạn chế sự phát triển của khóa học "chui" không chỉ phụ thuộc vào cơ chế quản lý tốt mà chính các GV và cơ sở giáo dục chính thống cũng cần "nâng cấp" cách truyền đạt để thu hút HS".
Đưa ra lời khuyên về nguồn ôn tập hiệu quả, thạc sĩ Hà Văn Tú khẳng định các hoạt động học tập, ôn luyện do nhà trường tổ chức chính thức là kênh ôn tập hiệu quả, đáng tin cậy. "Muốn luyện thi trực tuyến, HS cần sự định hướng từ gia đình, thầy cô và nhà trường, những người có chuyên môn để lựa chọn đúng đắn. Phụ huynh cần tìm hiểu rõ cả tính pháp lý và chuyên môn của khóa học rồi mới đóng tiền cho con".
Có xảy ra thi hộ ở bậc phổ thông?
Không chỉ có khóa học "chui", các dịch vụ thi hộ trực tuyến gắn mác "hỗ trợ học tập" cũng nhận được nhiều quan tâm từ phía HS, đặc biệt vào mùa thi cử ở thời điểm hiện tại. "Thực tế, việc thi hộ trực tuyến thông qua các thiết bị di động có diễn ra ở bậc phổ thông, nhưng tất nhiên không phổ biến bằng cách truyền thống là dùng tài liệu giấy. Hiện tượng này cũng đặc biệt phổ biến với HS thành phố", lãnh đạo một trường THPT tại TP.HCM cho hay.
Cũng theo người này, hiện nhà trường chưa đề ra hướng tiếp cận cụ thể đối với những hình thức gian lận theo kiểu mới như thi hộ trực tuyến. Ghi nhận thực tế ở các kỳ thi gần đây, tất cả trường hợp phát hiện gian lận tại trường đều dùng "phao" giấy in nhỏ hoặc đề cương ôn tập. "Nhìn chung, quy định không cho phép mang điện thoại, đồng hồ thông minh vào phòng thi nên HS sẽ rất dễ bị phát hiện nếu vi phạm, trừ khi chính giám thị ngó lơ hoặc không sâu sát", người này cho hay.
Cũng theo vị lãnh đạo nhà trường, để hạn chế các hình thức gian lận theo kiểu mới, ưu tiên hàng đầu nên là "phòng bệnh hơn chữa bệnh". Theo đó, nhà trường cần sinh hoạt kỹ nội quy vào đầu năm học cũng như trước những buổi thi. Đồng thời, cần có hình thức kỷ luật phù hợp như hủy kết quả thi, hạ hạnh kiểm... nếu phát hiện vi phạm.