Những người thổi hồn vào sách giáo khoa ngày ấy

08:53 - 15/02/2024

Mái nhà phủ rơm mộc mạc, hàng rào gỗ, cây xoài trước hiên nhà sai trĩu, bé gái cùng mẹ trỏ lên tán cây đầy những trái căng mọng đang treolúc lỉu. Bức tranh hai màu, minh họa bài Cây xoài của ông em trong sách giáo khoa Tiếng Việt ngày ấy đủ khiến bao thế hệ học sinh bồi hồi.

 

Những trang sách giáo khoa từ hơn 40 năm về trước vẫn có sức sống mãnh liệt, lâu bền qua thời gian. Dẫu chỉ có hai màu, màu đen là chủ đạo và một màu nữa (xanh, đỏ, lá cây…) làm màu đệm. Nhưng mỗi bức vẽ minh họa đều khiến người xem hình dung ra những màu sắc sống động của chúng ngoài đời thật.

Những người thổi hồn vào sách giáo khoa ngày ấy

Những cuốn sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam qua các thời kỳ, trong một triển lãm sách giáo khoa năm 2022 diễn ra tại Hà Nội

Một giàn mướp sai trĩu, xen lẫn đó là những bông hoa hé nở, hai cô bé háo hức bên rổ mướp đầy. Một cây sim trĩu quả, nhìn mà tưởng tượng cắn được hương vị quả ngọt ngào của mùa hè. Hay một ngôi nhà gỗ tre mộc mạc, phía trước là khoảng sân thoáng đãng, có những cây xoan vừa cao vừa thẳng, hoa nở tim tím ngát trời… Dẫu nhiều điều có đổi thay, nhưng một lần được "chạm" lại những hình ảnh giản dị trong sách xưa, người ta vẫn bị đánh thức bằng tất cả giác quan.

Nhân ngày xuân, Phóng viên Báo Thanh Niên tìm gặp lại một trong những người tham gia biên tập mỹ thuật cho sách giáo khoa, đặc biệt là sách giáo khoa Tiếng Việt, từ những năm đổi mới sách giáo khoa lần thứ 2, giai đoạn 1980 - 2000, họa sĩ Tào Thanh Huyền, nguyên Trưởng ban Biên tập mỹ thuật, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

"XÚC ĐỘNG LẮM…"

Đã ngoài 70 tuổi, lật mở từng trang sách giáo khoa Tiếng Việt của học trò lớp 1, lớp 2, lớp 3 trong những năm 1980 - 2000, cô Tào Thanh Huyền rưng rưng: "Nay bất chợt được mở lại những trang sách mà một thời tôi và các đồng nghiệp vất vả, say mê làm việc, tôi xúc động lắm". Cô Tào Thanh Huyền hồi tưởng: "Giai đoạn đó bắt đầu cải cách sách giáo khoa. Khi ấy tôi 27 tuổi, được chuyển về Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Để chuẩn bị cho việc thay sách, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã tuyển chọn rất nhiều giáo viên ở các tỉnh về, bởi làm biên tập sách giáo khoa cần những người vừa giỏi về chuyên môn vừa có nghiệp vụ sư phạm. Những hình vẽ trong sách cũng phải mang tinh thần giáo dục, mang tới nhiều giá trị cho trẻ nhỏ…".

Những người thổi hồn vào sách giáo khoa ngày ấy

 

Những người thổi hồn vào sách giáo khoa ngày ấy

 

Những người thổi hồn vào sách giáo khoa ngày ấy

 

Những người thổi hồn vào sách giáo khoa ngày ấy

Những trang sách giáo khoa Tiếng Việt, Tập đọc với hình minh họa dễ thương in sâu trong ký ức nhiều thế hệ học sinh

Vẽ minh họa là một nghệ thuật. Song minh họa sách giáo khoa khó hơn và có nhiều quy tắc mà người họa sĩ cần nhớ. Không chỉ cần bám sát nội dung một cách sinh động, có hồn, với hình ảnh minh họa trong sách giáo khoa thì học sinh không thể nào đi chân đất, mái tóc chưa gọn gàng, quần áo xộc xệch được.

Một trong những họa sĩ gạo cội, cây đa cây đề trong giới vẽ minh họa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam với rất nhiều tranh minh họa trong sách giáo khoa ngày ấy, nhất là sách Tập đọc, Tiếng Việt lớp 1, 2, 3 là họa sĩ Hồng Kỳ (đã qua đời). Họa sĩ Hồng Kỳ vẽ rất chắc tay, trong trí nhớ của họa sĩ Tào Thanh Huyền, khi cô mới về làm việc tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thì chú Hồng Kỳ đã sắp nghỉ hưu. Tranh minh họa của chú Hồng Kỳ duyên dáng, dễ thương, vẽ lần nào là "ăn chắc" lần đó, không cần phải sửa đi sửa lại và có nét đặc trưng, khiến người biên tập mỹ thuật "nhìn một cái nhận ra ngay".

NHỮNG KÝ ỨC KHÔNG THỂ PHAI MỜ

Khi phóng viên Báo Thanh Niên thực hiện các cuộc phỏng vấn với những phụ huynh - từng được học sách giáo khoa này ngày trước - về lý do vì sao họ luôn yêu quý những trang sách giáo khoa ngày ấy, thì câu trả lời thật thú vị. Không chỉ là những câu thơ, bài tập đọc hay, dung dị. Lý do để người ta xao xuyến, nhớ mãi, bồi hồi khi xem lại là những hình vẽ minh họa trong sách giáo khoa.

Anh Lê Hải Đoàn, 32 tuổi, giáo viên tiếng Anh tại Hà Nội, người có đủ bộ sưu tập sách giáo khoa cũ qua các thời kỳ nói với phóng viên "vẫn thấy tim mình rung rinh khi nhìn lại trang sách Cây xoài của ông em".

Còn chị Di Yên, 25 tuổi, ở Quảng Bình, vẫn thuộc lòng bài thơ Cô giáo lớp em và đọc chính tả bài thơ này cho các cháu học chữ bây giờ. "Cô dạy em tập viết/Gió đưa thoảng hương nhài/Nắng ghé vào cửa lớp/Xem chúng em học bài. Trang sách, bức tranh minh họa như tỏa ra màu sắc và hương thơm. Màu của nắng sớm, hương của hoa nhài thoang thoảng bay", chị Di Yên nói.

Họa sĩ Tào Thanh Huyền cho biết đó chính là cái hay, cái đẹp, cái tài của tranh minh họa sách giáo khoa. Một phần, tranh minh họa là một tư liệu bằng hình ảnh, giúp làm sáng tỏ lời văn, lời thơ trong phần văn bản mà học sinh được học. Tiếp đến, với những đoạn văn, đoạn thơ dài, tranh minh họa của họa sĩ giúp học sinh tưởng tượng ra không gian mà nhà văn, nhà thơ đang mở ra. Bức tranh minh họa có cảm xúc, thổi hồn cho trang sách giáo khoa, từ đó giúp các em học sinh khắc sâu thêm trí nhớ về bài học. Đồng thời, đây cũng là cách để giáo dục giá trị thẩm mỹ đầu đời cho trẻ. Đó là lý do vì sao mà tới bây giờ, mở trang sách giáo khoa xưa với hình cây xoài, cây bàng ở sân trường, hồ sen, cánh đồng lúa, ngôi trường với lá cờ tung bay, con đường làng quanh co… nhiều người như sống lại một tuổi thơ đầy kỷ niệm tươi đẹp của mình.

Họa sĩ Tào Thanh Huyền cho biết việc minh họa sách giáo khoa những năm 1980 rất vất vả trong điều kiện chung đất nước còn nhiều thiếu thốn. Mỗi họa sĩ được chuyển nội dung văn bản để đọc trước, hình dung ý tưởng để thể hiện bằng tranh, sau đó vẽ trên giấy. Ngày trước vẽ hoàn toàn bằng tay, không như bây giờ vẽ trên máy tính dễ dàng trong các thao tác lưu lại hay chỉnh sửa. Ngày ấy, tranh chưa đạt thì họa sĩ phải vẽ lại hoàn toàn. Khối lượng công việc rất nhiều, họa sĩ cơ hữu của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không nhiều, nên để kịp tiến độ xuất bản sách giáo khoa thì nhiều tranh minh họa phải được đặt hàng thêm từ các họa sĩ công tác ở các đơn vị khác. Công nghệ in ngày trước cũng thô sơ, giấy thì màu vàng nâu, không phải trắng tinh như bây giờ. Màu sắc tranh khi in trên trang sách cũng đơn giản để tiết kiệm chi phí, trừ trang bìa với nhiều màu nhất thì các trang nội dung bên trong có màu đen là chủ đạo, một màu nữa làm đệm. Dẫu vậy, tất cả mọi người, ở tất cả các bộ phận đều làm say mê, nhiệt huyết, tận tâm, không nghĩ tới ngày nghỉ để kịp hoàn thành những bộ sách giáo khoa tới tay các thế hệ học trò…

 
 

 

 

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

LỊCH PHÁT SÓNG TRUYỀN HÌNH

Thanh toán hóa đơn SCTV

Trái Tim Bất Hạnh - SCTV14

Không khoan nhượng - SCTV9 độc quyền và đồng thời với TVB

Công công xuất cung - SCTV9

Không gian lạ - SCTV9

 

Cáp nét siêu tốc - Cơn lốc quà tặng từ SCTV

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

Kết quả xổ số

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...