CÓ TRƯỜNG HƠN 50% GIÁO VIÊN TRÌNH ĐỘ THẠC SĨ
PGS-TS Nguyễn Thành Vinh, Trưởng phòng Sau ĐH Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết: Vài năm gần đây, số lượng học viên học cao học lấy bằng thạc sĩ các ngành thuộc lĩnh vực khoa học giáo dục và đào tạo GV tại trường tăng lên đáng kể. Chẳng hạn, năm 2023 là 383 thạc sĩ, tăng 35 - 37% so với năm 2022 (277 học viên), năm 2024 chỉ tiêu trường đặt ra cho các ngành đào tạo GV là 443, tăng 15% so với năm trước.
"GV đi học thạc sĩ trải dài từ bậc mầm non, tiểu học, THCS cho tới THPT. Những GV trực tiếp đứng lớp thì tập trung vào các ngành về lý luận và phương pháp dạy học, các ngành liên quan đến chuyên môn giảng dạy. Thầy cô muốn có kiến thức về quản lý thì học ngành quản lý giáo dục", PGS-TS Nguyễn Thành Vinh thông tin.
Tiến sĩ Trần Hữu Duy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Đà Lạt, cho hay số lượng GV phổ thông đi học thạc sĩ tại trường ở các ngành khoa học cơ bản và ngành liên quan chuyên môn giảng dạy chiếm tỷ lệ rất cao, như toán giải tích, vật lý kỹ thuật, hóa phân tích, văn học VN, lịch sử VN, ngôn ngữ Anh...
Chia sẻ về vấn đề này, bà Phạm Thị Bé Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), thông tin: "Trường có tổng số 140 GV thì có 1 tiến sĩ, 1 đang là nghiên cứu sinh và tỷ lệ có trình độ thạc sĩ là hơn 50%. Đặc biệt, các thầy cô trẻ rất có tinh thần học tập nâng cao trình độ. Trường luôn tạo điều kiện về thời gian để thầy cô đi học". Theo bà Hiền, trong môi trường giáo dục, dù ở bối cảnh nào thì GV cũng cần nâng cao trình độ và môn học nào cũng cần để nâng cao chất lượng giảng dạy, nên việc GV có ý thức đi học là điều rất đáng quý.
Thạc sĩ Nguyễn Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (Tiền Giang), cho biết hiện nay trường có 90 GV thì hơn 35% thầy cô có bằng thạc sĩ. "Tỷ lệ này tăng lên hằng năm, chẳng hạn năm 2023 tăng 30% so với năm 2022. GV tự giác nâng cao trình độ chuyên môn để đáp ứng yêu cầu, thích nghi với sự thay đổi, phát triển của giáo dục là điều rất cần thiết. Lãnh đạo trường luôn khuyến khích, động viên các thầy cô đi học, đồng thời hỗ trợ, tạo điều kiện về mặt thời gian", thạc sĩ Hải cho hay.
Tại Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM), tỷ lệ GV có trình độ thạc sĩ là 40% trên tổng số hơn 100 GV. Ông Nguyễn Duy Tâm, Phó hiệu trưởng nhà trường, thông tin: "Không chỉ GV trẻ mà thầy cô công tác nhiều năm tại trường cũng đi học thạc sĩ. Hiện nay có một số GV làm nghiên cứu sinh tiến sĩ. Bên cạnh việc hỗ trợ về thời gian, trường cũng hỗ trợ thầy cô một khoản kinh phí".
Ông Trần Tâm, Hiệu trưởng Trường tiểu học Bành Văn Trân (Q.Tân Bình, TP.HCM), cho biết trường hiện có 2 GV trình độ thạc sĩ. "Mặc dù đi học tốn tiền mà lương thạc sĩ, cử nhân không có gì khác nhau, nhưng các GV tự giác đi học vì muốn đáp ứng yêu cầu thực tế, mở rộng kiến thức phục vụ ngành giáo dục. Vì thế, trường rất khuyến khích và hỗ trợ thời gian, tạo điều kiện cho GV đi học", ông Tâm chia sẻ.
MUỐN PHÁT TRIỂN KIẾN THỨC VÀ TƯ DUY PHỤC VỤ GIẢNG DẠY
Thầy Cao Hữu Hạnh, GV môn vật lý Trường THPT Trương Định (Tiền Giang), tốt nghiệp thủ khoa ngành sư phạm vật lý - công nghệ Trường ĐH Cần Thơ năm 2017, cho biết bắt đầu học thạc sĩ ngành vật lý nguyên tử hạt nhân của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM từ tháng 11.2022, hết năm nay thì tốt nghiệp.
Thầy Hạnh cho biết: "Thông thường GV đi học ngành phương pháp giảng dạy để cập nhật và ứng dụng nhiều phương pháp dạy học mới để phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh, đáp ứng các mục tiêu cần đạt của chương trình GDPT 2018. Tôi yêu thích việc nghiên cứu khoa học nên chọn ngành vật lý nguyên tử hạt nhân. Đây cũng là một ngành học liên quan nhiều đến môn dạy".
Từ kiến thức học thạc sĩ, thầy Hạnh cũng có thể tự tin trong việc giảng dạy các chương liên quan trong sách giáo khoa vật lý THPT nói chung và chương "vật lý lượng tử" nói riêng, cũng như các nội dung khác có liên quan đến ngành học.
"Việc nâng cao kiến thức chuyên ngành này giống như một người leo núi, leo được càng cao thì nhìn xuống sẽ thấy cảnh quan bao la và tổng quát hơn. Nó giúp ích trong việc vận dụng kiến thức từ hàn lâm vào đời sống để làm phong phú thêm tư liệu giảng dạy. Tôi thấy các em có hứng thú hơn khi học và nhớ bài lâu hơn", thầy Hạnh chia sẻ.
Trong khi đó, cô Mai Thị Châu, GV lớp 5 Trường Tiểu học Bành Văn Trân, hiện đã có bằng thạc sĩ, chia sẻ học nâng cao là vì yêu thích việc học và để có thêm kiến thức, kỹ năng, phương pháp phục vụ công tác giảng dạy.
"Quá trình học thạc sĩ giúp tôi có tư duy rộng mở hơn, cho tôi phương pháp tích cực có thể áp dụng vào việc giảng dạy trên lớp, giúp học trò có kỹ năng hợp tác, kỹ năng giao tiếp tốt hơn mà trước đó mình chưa làm được. Chính vì thế, việc học này không chỉ tốt cho bản thân mà còn mang lại nhiều lợi ích cho học sinh", cô Châu cho hay.
PGS-TS Nguyễn Thành Vinh nhận định việc GV đi học trình độ thạc sĩ hay tiến sĩ ngày càng nhiều là một tín hiệu đáng mừng. "Các thầy cô đã nhận thức được việc "đứng yên là tụt hậu, không tiến nghĩa là lùi" nên tự đầu tư thời gian, công sức và tiền bạc để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, phát triển tư duy... Điều này sẽ góp phần cho chất lượng dạy và học ở các bậc học ngày càng được nâng cao", ông Vinh chia sẻ.
Có bằng thạc sĩ, giáo viên có được tăng lương?
Theo luật Giáo dục 2019, trình độ chuẩn của nhà giáo là có bằng tốt nghiệp CĐ sư phạm trở lên đối với GV mầm non, có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo GV trở lên đối với GV tiểu học, THCS, THPT. Chỉ nhà giáo giảng dạy trình độ ĐH mới yêu cầu có bằng thạc sĩ.
Tuy nhiên, đối với GV THPT đã có bằng thạc sĩ mới thi đậu viên chức, thì sẽ được xếp hệ số lương là 2.67. Đây là một ưu điểm cho những sinh viên sư phạm mới ra trường mà học luôn thạc sĩ sau đó mới thi viên chức (quy định tại điều 23 Nghị định 115/2020). Vì nếu sinh viên sư phạm mới ra trường, thi đậu viên chức mà chưa có bằng thạc sĩ, thì hệ số lương chỉ là 2.34 và phải tập sự 12 tháng, đồng thời công tác thêm 3 năm nữa, nghĩa là tổng cộng 4 năm, thì mới được hệ số 2.67.
Như vậy, khi thi tuyển viên chức, nếu GV đã có bằng thạc sĩ, sẽ có lợi thế cho việc xếp hệ số lương. Còn GV đã là viên chức sau đó mới đi học và có bằng thạc sĩ thì mức lương không có gì thay đổi.
"Đây cũng là một thiệt thòi. GV có trình độ thạc sĩ dù học sau khi đã là viên chức, nếu được nâng lương thì vẫn tốt hơn", ông Trần Tâm nhận định.
Tuy nhiên, bằng thạc sĩ còn có giá trị đối với việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Theo đó, GV mới ra trường sau khi thi đậu viên chức có chức danh nghề nghiệp hạng III. Khi công tác lâu năm trong ngành, nếu đủ điều kiện và đủ thâm niên thì sẽ nộp hồ sơ để xét thăng hạng II (hệ số lương 4.0 đến 6.38). Nếu muốn thăng hạng I (hệ số lương 4.40 đến 6.78) thì ngoài điều kiện đủ số năm giữ ngạch hạng II còn phải đảm bảo một số tiêu chí khác, trong đó có tiêu chí bằng thạc sĩ.