CẦN CÓ CAM KẾT RÀNG BUỘC VỀ VIỆC SỬ DỤNG ĐỒNG VỐN
Anh K.B, phụ huynh Trường Quốc tế Canada (CIS), TP.HCM, cho biết: “Cách đây 10 năm, tôi đã thực hiện hợp đồng thỏa thuận tham gia chương trình hỗ trợ tài chính cho 2 con của mình theo học đến lớp 11. Hiện một cháu đã học ĐH và tôi đã được thanh toán khoản tiền đã ký, còn một bé đang học năm cuối theo hợp đồng có áp dụng gói trên”.
Vị phụ huynh này cho biết hợp đồng thực hiện là sự thỏa thuận theo hình thức song vụ, tức quyền lợi của bên này là nghĩa vụ của bên kia. Trường mong muốn có khoản vốn tức thì và phụ huynh được cung cấp dịch vụ trong khoảng thời gian hợp đồng có hiệu lực. Hợp đồng là những điều khoản căn bản, mang tính chất công bằng về quyền lợi của 2 bên.
Sở GD-ĐT TP.HCM có văn bản chấn chỉnh
Ngày 25.9, Sở GD-ĐT TP.HCM có văn bản chấn chỉnh tình hình hoạt động của các trường ngoài công lập sau sự việc phụ huynh đòi nợ AISVN hàng chục tỉ đồng.
Sở GD-ĐT TP.HCM ra văn bản yêu cầu các trường phổ thông có nhiều cấp học loại hình tư thục (có vốn trong nước) cần tách biệt giữa hoạt động của doanh nghiệp và nhà trường về huy động vốn, phát hành trái phiếu, ký hợp tác đầu tư tài chính…
Đồng thời, những cơ sở này không tổ chức quảng cáo và tuyển sinh tại địa điểm chưa được cấp phép hoạt động giáo dục; phải tuyển sinh đúng với số lượng Sở GD-ĐT giao chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm.
Về học phí, các trường tư thục cần thực hiện theo quy định tại Nghị định số 81 năm 2021 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Tuy vậy, chính phụ huynh này cũng nhìn nhận trong những ngày gần đây, khi xảy ra sự việc phụ huynh Trường AISVN đòi trường hoàn trả số tiền trong hợp đồng thì thấy đúng là không có những cam kết ràng buộc về việc sử dụng đồng vốn đóng góp như thế nào để bảo đảm an toàn nguồn tiền.
“Cách đây 10 năm rất ít đơn vị hoạt động trong lĩnh vực giáo dục sử dụng nguồn tiền đầu tư các lĩnh vực khác. Cho nên hợp đồng theo hình thức này vào thời điểm đó là hợp lý và thỏa mãn nhu cầu của các bên”, vị phụ huynh trên nói.
Tuy nhiên, vị phụ huynh này cũng nhấn mạnh trong giai đoạn hiện nay, ngày càng có nhiều phát sinh thì các nội dung trong hợp đồng cần chặt chẽ hơn, cần sự quy chuẩn, rõ ràng, càng minh bạch càng tốt để tránh những hệ lụy về sau.
KÝ HỢP ĐỒNG 3 BÊN
Là một trong những trường đầu tiên triển khai gói tài chính trong lĩnh vực giáo dục, đại diện một trường có yếu tố quốc tế tại Q.7, TP.HCM, nhìn nhận phải cẩn trọng bởi hình thức này ẩn giấu những hiểm họa.
Vị này cho hay khi hệ thống giáo dục của mình đưa ra gói tài chính này vào năm 2009, thời điểm ngân hàng đóng băng các gói tín dụng, việc vay vốn gặp khó khăn, không được giải ngân trong khi đang chuẩn bị xây dựng trường học. “Do vậy nhà trường tính đến phương án cùng phụ huynh xây trường. Mình đã có đất trong tay, giờ vay vốn phụ huynh. Thay vì tiền lãi ngân hàng thì phụ huynh được miễn học phí khi con em theo học. Quyền lợi học phí hấp dẫn hơn, cao hơn lãi ngân hàng và cũng không gặp áp lực học phí tăng mỗi năm”, đại diện hệ thống này phân tích.
Trường học có được thực hiện hợp đồng huy động vốn ?
Hiện nay, không có bất cứ quy định nào cấm trường dân lập huy động vốn.
Ở một góc độ khác, tại khoản 2 điều 16 Nghị định 16/2015 còn cho phép cả trường công lập tự chủ về tài chính được vay vốn, huy động vốn thì không có lý do để cấm trường ngoài công lập huy động vốn.
Tuy nhiên, quy định tại khoản 6, điều 27 Nghị định 46/2017 về điều kiện để trường trung học hoạt động giáo dục thì ngoài việc phải được cấp phép, có đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, chương trình, đội ngũ, địa điểm, cơ chế tổ chức thì bắt buộc phải có đủ nguồn lực tài chính theo quy định để bảo đảm duy trì và phát triển hoạt động giáo dục. Do đó, việc huy động vốn dẫn đến mất khả năng chi trả là một dấu hiệu khá rõ ràng cho thấy nguồn lực tài chính của nhà trường đang gặp vấn đề lớn. Các cơ quan quản lý giáo dục cần vào cuộc để thẩm định lại điều kiện hoạt động của trường. Nếu nguồn lực tài chính không bảo đảm duy trì, phát triển hoạt động giáo dục hoặc có hành vi kê khai gian dối về tài chính trong hồ sơ hoạt động thì có thể đình chỉ hoạt động của nhà trường theo Điều 30 Nghị định 46/2017/NĐ-CP.
Luật sư Nguyễn Thành Huân, Đoàn luật sư TP.HCM, Giám đốc Công ty Luật sư 11
Vị này cũng nhìn nhận bản chất hợp đồng này có tính dân sự dựa trên niềm tin, sự tin tưởng với nhau, uy tín của nhà trường và 2 bên cùng có lợi. “Tuy nhiên, để phụ huynh tin tưởng thì chúng tôi đã cùng với ngân hàng ký hợp đồng 3 bên. Trong đó tiền của phụ huynh chuyển vào tài khoản do ngân hàng quản lý và chỉ giải ngân cho các khoản chi liên quan đến xây dựng, đầu tư cơ sở vật chất. Khi đó phụ huynh yên tâm tiền chỉ sử dụng vào mục đích xây dựng trường chứ không mang đi đầu tư lĩnh vực khác”, người này nhấn mạnh.
NHỮNG THÔNG TIN CẦN TÌM HIỂU TRƯỚC KHI KÝ HỢP ĐỒNG
Chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên, người có kinh nghiệm nghiên cứu về các mô hình giáo dục, cho hay tại TP.HCM hiện có dưới 10 trường thực hiện hình thức này và bản chất của “gói đầu tư giáo dục” là một hợp đồng vay vốn hay huy động vốn.
Trong đó, phụ huynh đồng ý đóng trước học phí (cho vay) trong nhiều năm (có thể tới 15 năm), đổi lại học sinh được học miễn phí, hoặc được giảm học phí tới 40% hoặc hơn so với đóng lẻ từng năm.
Mặt tích cực của gói đầu tư này là phụ huynh có tiền nhàn rỗi, hoặc có khả năng đóng phí nhiều năm sẽ được hưởng chiết khấu trên học phí rất cao, không bị ảnh hưởng bởi chính sách tăng học phí từng năm (khoảng 10 – 15%) nếu đóng lẻ.
Ở góc độ kinh tế, theo ông Nguyên, việc trao trước số tiền lớn cho trường học cũng kèm theo rủi ro là nhà trường hoàn toàn có khả năng gặp sự cố, bị thua lỗ, thậm chí phá sản. Món tiền đó không được bảo hiểm và nếu trường phá sản thì cũng chỉ thực hiện theo luật Phá sản của doanh nghiệp vì hầu hết trường tư hoạt động như một công ty, hay doanh nghiệp vì lợi nhuận.
Từ những phân tích nói trên, ông Nguyên khuyên phụ huynh trước khi ký hợp đồng cần yêu cầu chủ trường có cam kết sử dụng nguồn tiền cho các hoạt động chỉ liên quan đến giáo dục của trường, chứ không phải cho bất kỳ các hoạt động kinh doanh nào khác. Đặc biệt, nguồn tiền này tốt nhất không nên được sử dụng chéo sang các đơn vị khác cùng chủ đầu tư.
Ông Bùi Khánh Nguyên tư vấn thêm, khi lựa chọn tham gia gói đầu tư, phụ huynh cần tìm hiểu kỹ ai là chủ trường, uy tín của họ tới đâu, mức độ cam kết của họ với phát triển trường cũng như chất lượng giáo dục tới đâu, tiềm lực tài chính của họ ra sao, “sức khỏe” tài chính lành mạnh hay đáng báo động, họ huy động vốn để làm gì? Nếu việc huy động vốn để phát triển trường, nâng cao chất lượng, xây dựng cơ sở vật chất… với kế hoạch và năng lực quản lý tốt thì phụ huynh có thể cân nhắc tham gia để “cả hai cùng thắng”. Nhưng nếu không có thông tin đáng tin cậy, hoặc biết rõ trường vay tiền phụ huynh để tham gia đầu tư mạo hiểm, đầu tư có rủi ro cao thì phụ huynh cần cân nhắc lại vì khả năng trường mất tiền, mất khả năng trả nợ, không còn tài sản để giữ cam kết với phụ huynh là rất cao.