Phát biểu tại buổi lễ, anh Phan Thanh Lâm, Bí thư Đoàn thanh niên, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế, đã khái quát quá trình hình thành, phát triển tự hào của Hội Sinh viên Việt Nam qua nhiều giai đoạn. Hội Sinh viên Việt Nam đã tham gia các phong trào đấu tranh rộng lớn vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.
Anh Lâm nhấn mạnh, trong dòng chảy lịch sử của phong trào học sinh, sinh viên và tổ chức Hội Sinh viên Việt Nam, sinh viên Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế có quyền tự hào về truyền thống vẻ vang.
"Chính tại ngôi trường thân yêu của chúng ta đã diễn ra những cuộc bãi khóa, xuống đường, những đêm không ngủ, những buổi "Hát cho đồng bào tôi nghe", phong trào đòi thi hành Hiệp định Genève, Hiệp định Paris... đến phong trào cứu đói, phong trào đòi dân sinh dân chủ, đòi độc lập dân tộc và hạnh phúc cho nhân dân", anh Lâm nói.
Tại chương trình, sinh viên Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế đã nghe nhà giáo Phan Hữu Lượng, một nhân chứng lịch sử, người đã từng sống và tranh đấu trong những ngày tháng hào hùng đó, chia sẻ hồi ức về truyền thống đấu tranh của học sinh, sinh viên Huế trước năm 1975.
Nhà giáo Phan Hữu Lượng từng là Phó chủ tịch Ngoại vụ Ủy ban phối hợp, đồng thời là Đoàn trưởng Đoàn văn nghệ sinh viên - học sinh tranh đấu tại Huế giai đoạn kháng chiến chống Mỹ.
Mở đầu câu chuyện, nhà giáo Phan Hữu Lượng kể về những buổi "Hát cho đồng bào tôi nghe" ở chợ Đông Ba, nhà thờ Phủ Cam Huế... hay phong trào đấu tranh, sự hy sinh dũng cảm của học sinh, sinh viên Huế năm 1966 với cuộc giải phóng, phá những con đường bị lính Mỹ rào kẽm gai trong lòng thành phố.
"Năm 1966, sau cuộc hội thảo trên giảng đường Trường ĐH Sư phạm Huế, sinh viên Huế đã cùng nhau giải phóng con đường kẽm gai mà Mỹ đặt giữa trái tim của Huế. Điều chúng ta tự hào về sinh viên Huế còn là cuộc nổi dậy, chiếm thành phố và đài phát thanh suốt 96 ngày đêm, không một nơi nào làm được điều đó. Từ năm 1957 đến sau đó, máu của bao thế hệ sinh viên đã đổ trên đường phố… Chúng tôi đã sống một thời như thế", ông Lượng kể.
Vị nhà giáo nhân chứng này còn kể về sự hy sinh của anh hùng Trần Văn Ơn khi ra đi vào năm 19 tuổi với 2 câu thơ "Ai chết vinh buồn chăng? Ai sống nhục thẹn chăng?" để nói lên tinh thần yêu nước, không sợ hy sinh của những thanh niên thời bấy giờ.
Qua những câu chuyện về sự hy sinh anh dũng của bao thế hệ đi trước, nhà giáo Phan Hữu Lượng căn dặn những người trẻ hãy trân trọng quá khứ. Bởi vì, dù vết thương chiến tranh đã được hàn gắn, tất cả hố bom đã được lấp, cỏ mọc xanh tươi... nhưng những vết thương trên da thịt của những cựu chiến binh hay trong lòng người thân của những liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt… vẫn còn nguyên đó.
Dịp này, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế cũng đã tổ chức vinh danh và trao tặng phần thưởng cho các sinh viên, học sinh đạt giải thưởng Sao tháng Giêng, Sinh viên 5 tốt và Học sinh 3 tốt cấp trường. Đồng thời, trao quà cho sinh viên hoàn cảnh khó khăn; trao 12 suất học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt.