“Khoản thu này phục vụ hoạt động của cháu hay quà cáp cho thầy cô?”
Nhiệm vụ thu tiền học sinh đầu năm hoàn toàn không liên quan đến chuyên môn giảng dạy và giáo dục học sinh. Vào mỗi dịp họp phụ huynh đầu năm học, giáo viên lại trăn trở, muộn phiền chẳng dứt với nhiệm vụ công khai các khoản thu.
Những sự việc nhà trường lạm thu được phản ánh trên báo đài đã tạo thêm định kiến đối với giáo viên chủ trì cuộc họp phụ huynh học sinh đầu năm học.
Giáo viên chỉ mong cuộc họp đầu năm tạo ra sự kết nối giữa gia đình và nhà trường. Tuy nhiên, vòng tròn luẩn quẩn vẫn lặp lại: Sau khi giáo viên thông báo định hướng năm học, phần lớn thời gian còn lại của cuộc họp xoay quanh các khoản thu. Khoảnh khắc ngán ngẩm của phụ huynh bắt đầu từ đây.
Giáo viên chủ nhiệm phải phổ biến trực tiếp nhiều khoản thu theo quy định và cả những khoản thu hộ, thu giúp, thu theo hình thức vận động, quyên góp đã được nhà trường và hội phụ huynh trường thống nhất. Điều này khiến giáo viên trở thành người “đứng mũi chịu sào” trước hàng loạt phản biện, chất vấn từ nhẹ nhàng đến gay gắt của phụ huynh lớp.
Tôi xin kể 3 tình huống khiến đồng nghiệp của tôi rất khó xử:
Giáo viên thót tim khi phụ huynh cất tiếng hỏi: “Khoản thu này phục vụ hoạt động của cháu hay chi riêng quà cáp cho thầy cô?”.
Giáo viên đỏ bừng khuôn mặt vì phụ huynh lớn tiếng chất vấn: “Sao năm nào tôi cũng đóng tiền nâng cấp sân vận động trường nhưng đến giờ con tôi sắp ra trường vẫn chưa khởi công?”.
Giáo viên tủi thân khi phụ huynh nói: “Nuôi một đứa con ăn học sao tốn kém quá, nhà trường cứ móc ví cha mẹ miết”.
Chưa kể, nhà trường đôi khi cập nhật đột xuất các khoản thu cho giáo viên ngay trước cuộc họp. Thầy cô cũng phải cố gắng ghi nhớ, tìm lời lẽ biện giải, ra sức thuyết phục phụ huynh nhất trí.
Thầy cô mang theo “giáo án thu chi”
Chỉ khi biên bản họp phụ huynh của lớp nào có dòng chữ “100% phụ huynh lớp nhất trí với các khoản thu”, giáo viên chủ nhiệm mới cảm thấy an lòng.
Nếu phụ huynh có ý kiến trái chiều trong biên bản thì giáo viên ngay lập tức sẽ bị quy kết chưa làm tốt công tác kết nối với cha mẹ học sinh, chưa hoàn thành nhiệm vụ vận động các khoản thu, phải giải trình và bị nhắc nhở suốt.
Do đó, mỗi khi năm học mới bắt đầu, dư luận xôn xao và phụ huynh lo lắng về các khoản thu thì đội ngũ giáo viên chủ nhiệm cũng đang canh cánh nỗi muộn phiền.
Nhà trường thì cho rằng không ai gần gũi và tiếp xúc nhiều với học sinh bằng giáo viên chủ nhiệm nên nhiệm vụ nhắc nhở, đốc thúc tiến độ thu cứ đẩy về phía người thầy. Do vậy, giáo viên chủ nhiệm còn phải mang theo “giáo án thu chi” bên mình để kịp thời đánh dấu học sinh nộp tiền bất ngờ.
Giờ học bắt đầu, thầy cô còn phải tranh thủ thu tiền, đếm tiền, phân loại. Bài học đang thăng hoa buộc phải dừng lại để nhắc nhở học sinh nộp tiền bởi tên thầy cô cũng vừa bị nhà trường nhắc trong tốp nộp chậm…
Đến bao giờ người thầy có thể tâm an yên, lòng tĩnh tại đối diện với phụ huynh trong các cuộc họp kết nối, trải lòng chia sẻ những vướng mắc về chuyện học chuyện chơi của học sinh? Đến bao giờ đồng nghiệp của tôi thoát cái mác “cánh tay nối dài của phòng tài vụ nhà trường” với áp lực vô hình từ chi chít con số thu chi?
Năm học bứt phá đổi mới giáo dục như kỳ vọng của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nên chăng bắt đầu thay đổi những nền nếp xưa cũ để nhà giáo thật sự có thời gian trau dồi chuyên môn, chăm chút nghề nghiệp, toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp trồng người. Xin hãy cởi trói cho người thầy khỏi gánh nặng thu tiền học sinh.