Đừng mở ngành học 'sớm nở tối tàn'

08:57 - 15/04/2024

Mở ngành học mới ở các trường ĐH và việc chọn ngành của thí sinh hiện nay, dưới góc độ nào đó, cũng tương tự như "trend" (xu hướng) của các bạn trẻ ngoài đời.

Hễ những ngành nào được xem là có nhu cầu nhân lực cao, thu hút nhiều người học thì các trường đua nhau có ngành học này. Còn người học thì bất chấp có phù hợp, đủ năng lực không, cứ ngành "nóng", nhiều người quan tâm là ào ạt đăng ký.

Và cũng giống như "trend", rất dễ xảy ra hiện tượng "sớm nở tối tàn", đặc biệt với những cơ sở giáo dục chưa đánh giá đúng năng lực, điều kiện và những tác động xung quanh.

Trước đây, một trường ĐH muốn mở ngành học phải xin phép Bộ GD-ĐT với các thủ tục theo cơ chế "xin - cho". Ngày nay, khi thực hiện tự chủ, một trong những hoạt động thể hiện tự chủ trong đào tạo, tuyển sinh của các trường ĐH là được mở ngành với những điều kiện nhất định. Đây là một xu hướng tất yếu trong tiến trình phát triển, tạo điều kiện để các trường phát huy thế mạnh của mình.

Khi mở ngành đào tạo, các trường cần phải qua nhiều bước, trong đó có khảo sát, đánh giá của các đơn vị lao động về mức độ phù hợp với nhu cầu nhân lực cho sự phát triển KT-XH; có đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng để tổ chức thực hiện chương trình đào tạo; có cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện, giáo trình đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập, nghiên cứu theo yêu cầu của chương trình đào tạo. Thế nhưng trên thực tế không ít trường đã làm chiếu lệ hoặc tìm cách lách quy định để đủ điều kiện mở ngành; nhưng khi vận hành lại không đáp ứng được thực tiễn.

Kết luận thanh tra của Bộ GD-ĐT về việc thực hiện quy định trong tự chủ mở ngành đào tạo mới đây cho thấy trong vòng gần 3 năm (2021 - 2023) có 639 ngành đào tạo trình độ ĐH được mở mới tại các cơ sở đào tạo được thực hiện tự chủ mở ngành. Số lượng ngành được các trường tự chủ mở mới lớn hơn rất nhiều so với tổng số ngành Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ đào tạo bậc ĐH.

Hệ quả là có nhiều ngành mới mở được vài năm đã phải đóng vì nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là không có người học. Mà một trong những lý do dẫn đến hiện tượng mới mở đã đóng, theo Bộ GD-ĐT là do khảo sát nhu cầu xã hội không đầy đủ. Các trường có nhiều lý lẽ biện minh như do tình hình KT-XH biến động khó lường nên không kiểm soát được sự thay đổi nhu cầu người học… Nhưng vấn đề đặt ra, tại sao cũng những ngành tương tự rất "hot", điểm chuẩn rất cao trường này nhưng vẫn không tuyển được người học ở trường khác? Do đó, vấn đề còn nằm ở chất lượng và niềm tin của người học.

Như vậy, hiện nay các trường được trao nhiều quyền hơn và chủ động hơn trong nhiều hoạt động. Tuy nhiên, khi được trao quyền, các trường phải có trách nhiệm với người học, với xã hội. Trách nhiệm với người học là trung thực trong tuyển sinh, đào tạo và một trong những chỉ dấu là chỉ mở ngành khi đủ tiềm lực, đủ điều kiện và có những khảo sát khoa học. Nghĩa là ngành học mở ra là vì người học chứ không phải để lấp đầy chỉ tiêu tuyển sinh.

Mở ngành, đóng ngành ở một trường có thể không phải là chuyện lớn, nhưng nhìn toàn hệ thống thì đó là vấn đề. Làm sao để các ngành có nhu cầu thật sự trong xã hội, những ngành nền tảng phải có cơ hội phát triển chứ không chỉ là ngành "nóng", ngành thời thượng mở rồi lại đóng.

 

 

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

LỊCH PHÁT SÓNG TRUYỀN HÌNH

Thanh toán hóa đơn SCTV

Cáp nét siêu tốc - Cơn lốc quà tặng từ SCTV

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

sctvonline Trang tin nhịp sống hôm nay
scj-shopping Truyền hình cáp SCTV

 

Nguồn: Vietcombank

Kết quả xổ số

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...