Đề cập đến các khoản tiền mua máy lạnh mà ban đại diện cha mẹ học sinh đề xuất và lấy ý kiến phụ huynh trong lớp, anh Trần Thanh Vân (có con học lớp 6 tại một trường thuộc quận nội thành TP.HCM) cho biết: “Ban đại diện lớp đề nghị lắp đặt 2 máy lạnh trong phòng học của các cháu. Tính trung bình mỗi phụ huynh góp khoảng 500.000 đồng nhưng tùy ai góp bao nhiêu thì góp. Máy lạnh cũng đã được lắp đặt xong nhưng tôi thắc mắc, hết lớp 9 thì máy lạnh này sẽ được xử lý như thế nào, phụ huynh có được lấy lại hay không?”.
Chia sẻ với phóng viên Báo Thanh Niên, ông Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (Q.1, TP.HCM), cho hay máy lạnh không phải là thiết bị nằm trong danh mục được rót ngân sách đầu tư trang thiết bị trường học. Tùy mỗi lớp, học sinh, phụ huynh có nhu cầu thì đề xuất việc lắp đặt phục vụ sinh hoạt cho con em, thực hiện theo hình thức “chìa khóa trao tay”. Nhà trường không đứng ra kêu gọi hay huy động thu tiền thiết bị này. Thiết bị này được các lớp dùng trong suốt thời gian theo học tại trường và không có việc mỗi năm đều huy động tiền lắp đặt máy lạnh.
Theo ông Khoa, sau khi con em hoàn tất việc học tại trường, thông thường có 2 tình huống mà trường nào cũng đều gặp. Đó là phụ huynh nhận lại thiết bị đã lắp đặt cho con em sử dụng. Chính vì vậy, ông Khoa cho hay, vào cuối năm học, tường phòng học có những lỗ tròn cần phải xử lý xuất phát từ việc tháo máy lạnh.
Bên cạnh đó, có ban đại diện cha mẹ học sinh lớp ký giấy trao tặng lại thiết bị cho nhà trường thì vào đầu năm học mới tiếp theo, những lớp được bố trí vào phòng học đó có thể tu sửa để tiếp tục sử dụng. Tuy nhiên, cũng theo ông Khoa, hầu như sau 4-5 năm sử dụng với thời lượng hàng ngày, khấu hao tài sản không còn nhiều, tùy lớp, máy còn có thể sử dụng nhưng có lớp máy cũng đã bị tiêu hao nhiều.
Về thắc mắc máy lạnh ở những lớp cuối cấp sẽ đi về đâu, bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết việc lắp máy điều hòa (máy lạnh) theo nhu cầu của phụ huynh học sinh từng lớp dựa trên cơ sở thống nhất đồng thuận của tất cả cha mẹ học sinh. Đây là hình thức các cơ sở giáo dục thực hiện theo quy định tại Thông tư số 16 năm 2018 của Bộ GD-ĐT về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Cũng theo bà Châu, việc lắp đặt máy điều hòa là nhằm mục đích phục vụ học sinh, nên cơ sở giáo dục phải có trách nhiệm quản lý, theo dõi, bảo trì, bảo dưỡng. Hàng năm, qua công tác kiểm kê đánh giá lại tài sản đang được quản lý sử dụng theo dõi tại từng lớp (bao gồm máy điều hòa), nhà trường có kế hoạch đề xuất sửa chữa, bảo dưỡng, thanh lý (nếu không còn khả năng sử dụng). Đây là cơ sở đề xuất để tiếp tục trang bị cơ sở vật chất phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, học tập của học sinh trong các năm học tiếp theo.