Đề nghị bỏ chức năng “thu tiền” của ban đại diện cha mẹ học sinh
Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT có quy định ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học: Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện; Các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng…
Tuy nhiên như thế nào là “không theo nguyên tắc tự nguyện”? Chính khái niệm “không theo nguyên tắc tự nguyện” này là nguyên nhân dẫn đến lạm thu vì thực chất tự nguyện chỉ là hình thức mà chính xác là “buộc tự nguyện”.
Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ nên làm cầu nối giữa nhà trường với phụ huynh trong việc giáo dục học sinh, chứ không phải là ban “phụ thu tiền” đầu năm.
Chính vì vậy có thể bỏ hẳn chức năng “thu tiền” của ban đại diện cha mẹ học sinh.
Để có nguồn lực ủng hộ nhà trường thực hiện nhiệm vụ dạy – học trong điều kiện kinh phí đầu tư cho giáo dục nói chung còn thấp, kinh phí cho nhà trường còn hạn chế, rất cần sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, các nhà tài trợ… Thiết nghĩ nhà trường mạnh dạn kêu gọi những tấm lòng vàng tài trợ kinh phí tạo thuận lợi cho trường. Việc làm này thể hiện tính nhân văn, nhân ái sẽ được ủng hộ đồng tình hơn việc huy động sự đóng góp “tự nguyện” của ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc lập quỹ hội dễ dẫn đến lạm thu.
“Quy định hóa” chính sách xã hội hóa giáo dục
Xã hội hóa giáo dục là giải pháp hữu hiệu để cải thiện cơ sở vật chất trường lớp, hỗ trợ nhà trường thực hiện nhiệm vụ dạy học một cách chất lượng, hiệu quả trong điều kiện kinh phí dành cho giáo dục còn hạn chế. Nhưng chính sách xã hội hóa đang bị lợi dụng để biến thành tấm áo giáp che chắn cho những khoản thu cao ngất ngưởng ở một số trường học khiến chính sách nhân văn này “chệch khỏi đường ray” và bị phản ứng kịch liệt.
Học phí trường công không bao nhiêu mà phụ phí muôn hình vạn trạng góp thành tiền triệu, chục triệu. Ngoài các khoản khiêm tốn như tiền điện nước, tiền vệ sinh, tiền giữ xe thì vô số khoản thu “nặng ký” từ tiền học thêm, tiền vận động cải tạo cơ sở vật chất, tiền quỹ hội phụ huynh trường và lớp, tiền hỗ trợ chi phí bán trú…
Vỏ bọc “tự nguyện” cùng các hình thức vận động phụ huynh ký cam kết, giơ tay biểu quyết đồng thuận và cả viết đơn xin… tự nguyện đóng góp tạo nên vô số câu chuyện bi hài mỗi mùa họp phụ huynh đầu năm học. Đã đến lúc câu chuyện xã hội hóa giáo dục cần được tường minh và cụ thể bằng những quy định sát sao.
Xử phạt nghiêm minh người đứng đầu
Về mặt quản lý, tất cả các khoản thu trong nhà trường hiệu trưởng là người phải chịu trách nhiệm cao nhất vì là chủ tài khoản. Việc thu chi các khoản đầu năm học đều có trong kế hoạch chi tiêu nội bộ được thông qua trong hội nghị công chức viên chức đầu năm học. Nếu việc thu chi không rõ ràng, công khai minh bạch, hiệu trưởng bị xử lý theo pháp luật quy định.
Mỗi khi có dấu hiệu lạm thu như phản ánh của phụ huynh, cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật. Tránh tình trạng cả nể và xử phạt theo kiểu “giơ cao đánh khẽ” không đủ sức răn đe như lâu nay khiến vấn nạn lạm thu cứ âm thầm diễn ra.
Thu đúng, thu đủ và hài hòa lợi ích giữa nhà trường – gia đình, vận dụng linh hoạt và nhân văn quy định xã hội hóa giáo dục là yêu cầu cấp thiết để ngăn chặn lạm thu.