Tưởng chừng phải khép lại ước mơ học tập ở tuổi 18 để đi làm phụ giúp gia đình, Nguyễn Thị Thương (21 tuổi, sinh viên ngành tiếng Anh thương mại, Trường CĐ Công thương TP.HCM) giờ đây đang chuẩn bị tốt nghiệp bước vào hành trình mới.
Tại buổi lễ trao học bổng SAL vào ngày 18.10 của Công ty CP Tổ chức Nhà Quốc gia (N.H.O), Nguyễn Thị Thương đã có những chia sẻ về hành trình nhiều khó khăn để được tiếp tục việc học của mình.
Nhớ lại khoảng 3 năm trước, vào thời điểm chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT, Thương kể rằng em từng đối diện với nguy cơ phải dừng việc học, đi làm công nhân để phụ giúp gia đình.
Cha và mẹ của Thương đã ly thân khoảng 10 năm nay, Thương sống cùng mẹ và em gái. Nguồn sống của gia đình phụ thuộc vào thu nhập bấp bênh, ít ỏi từ việc làm nương rẫy của mẹ. Vì vậy, việc Thương tiếp tục đi học vào thời điểm đó như gánh nặng đè lên đôi vai của mẹ Thương. Dù vậy, em vẫn nuôi ước mơ được tiếp tục đi học.
Thương kể lại, khi em quyết tâm nộp hồ sơ xét tuyển đại học, em và mẹ đều áp lực, cả hai đã “chiến tranh lạnh” trong khoảng thời gian khá dài.
Sau khi thi tốt nghiệp THPT và kết quả không như mong đợi, không đủ điểm vào trường em yêu thích, Thương thất vọng, dự định không tiếp tục đi học và sẽ đi làm thuê theo đúng mong muốn của gia đình. Thế nhưng, giữa lúc tuyệt vọng, Thương biết đến Chương trình học bổng SAL thông qua một người đồng hương.
Thương kể, chị Bích Ngọc, thành viên trong ban học bổng SAL, thời điểm đó đã gọi điện thoại chia sẻ rằng: “Nếu không đỗ trường này thì em xem điểm rồi xét học trường khác, miễn sao vẫn tiếp tục đi học là được. Vì chỉ có tiếp tục đi học thì mới có cơ hội thay đổi được tương lai, giúp đỡ gia đình và được làm những điều mà mình thực sự yêu thích”.
Ngay sau đó, Thương chọn xét tuyển vào ngành tiếng Anh thương mại của Trường CĐ Công thương TP.HCM. Khoảng 2 tuần sau, em lại nhận được tin mình được nhận học bổng SAL.
Chương trình học bổng SAL đã hỗ trợ học phí cho Thương trong suốt 3 năm qua, giúp gia đình em phần nào bớt đi những gánh nặng. “Học bổng chính là chiếc phao cứu vớt những ước mơ sắp chìm nghỉm của em”, Thương xúc động chia sẻ.
Sau 3 năm nhiều khó khăn, giờ đây, cô sinh viên Nguyễn Thị Thương đang chuẩn bị tốt nghiệp, bước vào hành trình mới. Thương cũng là sinh viên đầu tiên trong số các sinh viên trong Chương trình học bổng SAL tốt nghiệp.
Những chia sẻ của Thương đã góp phần truyền cảm hứng, động lực cho 6 sinh viên được nhận học bổng vào sáng 18.10 đến từ Trường ĐH Bách Khoa, Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn, Trường CĐ Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường ĐH Kinh tế - Luật.
Vừa được nhận học bổng, vừa được chuyên gia đồng hành
Bắt đầu từ năm 2020, Chương trình học bổng SAL đã mang đến nhiều quyền lợi cho các sinh viên đang theo học tại các trường ĐH, CĐ trên địa bàn TP.HCM.
Không chỉ hỗ trợ về tài chính, học bổng còn mở ra những cơ hội để sinh viên được học hỏi và trưởng thành. Mỗi sinh viên được hỗ trợ học phí trong suốt thời gian học ĐH, CĐ (tối đa là 5 năm) và còn được đồng hành với một chuyên gia trong suốt thời gian nhận học bổng. Hằng tháng, sinh viên đều được gặp gỡ chuyên gia giàu kinh nghiệm để trao đổi, được tư vấn về nhiều vấn đề trong học tập và cuộc sống. Bên cạnh đó, sinh viên còn được tham gia các khóa đào tạo kỹ năng sống và nghề nghiệp tương lai thông qua các hoạt động xã hội, hội thảo và các chuyến đi thực tế.
Cũng tại buổi lễ, ông Yang Myung Chul Paul, đại diện Ban giám đốc N.H.O, cho biết dù có nhiều khó khăn, công ty vẫn duy trì Chương trình học bổng SAL. "Các bạn là niềm hy vọng của chúng tôi. Mong rằng trong thời gian tới, các bạn sẽ tiếp tục phát triển. Khi các bạn gặp khó khăn thì ở đây luôn có chúng tôi đồng hành cùng các bạn", ông Yang nhắn nhủ.
Đối tượng ứng tuyển học bổng:
Học sinh chuẩn bị tốt nghiệp THPT và có dự định học tập tại các trường ĐH, CĐ ở TP.HCM.
Tiêu chí xét học bổng SAL:
- Điểm trung bình học tập lớp 12 từ 7,0 trở lên.
- Tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện.
- Có tư cách đạo đức vững vàng.
- Mức thu nhập hằng năm của gia đình.
- Ưu tiên những hoàn cảnh đặc biệt (gia đình đơn thân, mồ côi, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số…).