Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia còn thấp
Theo báo cáo của Tỉnh ủy An Giang, bên cạnh nhiều kết quả tích cực đạt được qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 thì cơ sở vật chất giáo dục của tỉnh An Giang chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu dạy và học. Nhiều đơn vị chưa đủ phòng học để tổ chức dạy 2 buổi/ngày, ngành học mầm non thiếu cơ sở để mở thêm lớp; phương tiện dạy học, sân chơi, bãi tập ở một số trường chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số điểm trường, vùng khó khăn thiếu nhà vệ sinh đạt chuẩn, trong khi nguồn ngân sách được cấp còn hạn hẹp, thiếu kinh phí đầu tư thiết bị dạy học, xây dựng trường lớp theo kế hoạch. Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia còn thấp và tốc độ tăng khá chậm, chỉ đạt 50,86 %.
Trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, địa phương dự kiến phân kỳ thực hiện đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 – 2025 khoảng 7.201 tỉ đồng. Tuy nhiên, do nhu cầu kinh phí lớn, tỉnh khó có thể cân đối được một lần nên sau khi rà soát các nhu cầu tối thiểu, trước mắt chỉ phân bổ được hơn 996 tỉ đồng. Chất lượng giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn có sự chênh lệch so với vùng có điều kiện thuận lợi, khu vực đô thị. Việc thừa thiếu giáo viên cục bộ vẫn xảy ra ở một số địa phương trên địa bàn.
Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo là khâu quan trọng
Thay mặt đoàn công tác, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao nỗ lực của tỉnh An Giang trong việc thực hiện Nghị quyết 29. Theo ông Sơn, nét nổi bật của tỉnh là chất lượng giáo dục thuộc nhóm dẫn đầu khu vực ĐBSCL. Thời gian tới Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang cần tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục.
Trong đó, tỉnh cần có nghị quyết thu hút đầu tư lĩnh vực giáo dục; chính sách sắp xếp, tinh gọn cơ sở trường lớp. Tỉnh phải có lộ trình đầu tư cụ thể để đẩy nhanh xây dựng hệ thống cơ sở, vật chất giáo dục hiện đại. Quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục cho đồng bào thiểu số và giáo dục mầm non; triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn trường học.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác đã đến tìm hiểu công tác dạy và học tại Trường THCS Định Thành (H.Thoại Sơn) và Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu (TP.Long Xuyên). Tại buổi khảo sát, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo là khâu quan trọng, then chốt nên từng cán bộ giáo viên phải thấy được nhu cầu, định hướng đổi mới. Vai trò giáo viên từ gánh nặng kiến thức chuyển sang người dẫn dắt, tổ chức, định hướng và hỗ trợ để trang bị tối đa kiến thức theo nhu cầu, phát triển năng lực học sinh.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: “Trong thời điểm đổi mới, thử thách nhiều, hoạt động nhiều hơn và chất lượng hoạt động cao hơn, thay đổi nhiều nhưng thu nhập không thay đổi. Do đó, đội ngũ giáo viên sẽ bị áp lực và làm việc nhiều hơn nên giáo viên cần được động viên, hỗ trợ để vượt qua thách thức lớn này”.
Tại buổi làm việc với đoàn công tác, tỉnh An Giang đề xuất Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ và hướng dẫn việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên hiện có cho các địa phương thực hiện để đảm bảo giảng dạy hiệu quả các môn học theo chương trình, sách giáo khoa mới, nhất là các môn tích hợp, các môn mới phát sinh. Đồng thời, tham mưu Chính phủ điều chỉnh Nghị định số 81 ngày 27.8.2021 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo để có cơ sở quy định mức học phí cho năm học 2023 – 2024.