Thông tin từ Tỉnh ủy Kiên Giang cho biết, 10 năm qua, Kiên Giang đã triển khai thực hiện Nghị quyết số 29 một cách kịp thời, bài bản, từ đó mang lại chuyển biến tích cực, đổi mới trong GD-ĐT tại địa phương. Đặc biệt, mỗi năm, tỉnh ưu tiên dành từ 22% đến gần 30% ngân sách chi cho giáo dục, nâng cấp cải thiện phòng học, cơ sở vật chất. Nhờ đó, chất lượng giáo dục của Kiên Giang được nâng lên, nằm trong nhóm chất lượng giáo dục đạt loại khá ở khu vực ĐBSCL.
Mạng lưới cơ sở GD-ĐT được kiện toàn, sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đã giảm 563 điểm lẻ và hơn 1.000 lớp. Hệ thống trường, lớp tiếp tục được đầu tư, nâng cấp, thiết bị giáo dục được tăng cường, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu dạy và học. Đội ngũ nhà giáo ngày càng được chuẩn hóa, chất lượng dạy và học từng bước được nâng lên với tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn theo luật Giáo dục chiếm hơn 93,31%. Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi vào các cấp học, ngành học tăng dần hằng năm.
Quy mô và chất lượng giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp ngày một tăng lên, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Hoạt động nghiên cứu khoa học trong các cơ sở đào tạo được quan tâm nhiều đề tài, mô hình, sáng kiến được triển khai, ứng dụng có hiệu quả. Hợp tác quốc tế trong các trường đại học và cao đẳng được đẩy mạnh, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng ngày càng tốt hơn nguồn nhân lực của tỉnh.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn rất ấn tượng với những kết quả đổi mới giáo dục của tỉnh Kiên Giang, nhất là cách thức triển khai sáng tạo. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt hơn 70% là tỷ lệ ấn tượng, phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi đạt được tỷ lệ rất cao và hiện nay tỉnh đang hướng đến phổ cập giáo dục mầm non 3-4 tuổi. Đây là sự mạnh dạn đổi mới rất quyết liệt của ngành giáo dục địa phương.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong muốn trong giai đoạn này, Kiên Giang cần tập trung chỉ đạo triển khai Chương trình GDPT 2018 để chương trình phát huy được hiệu quả tốt nhất.