Theo UBND H.Bình Sơn, ngôi nhà bị tổ chức cưỡng chế nói trên là của vợ chồng ông L.V.M và bà Đ.T.K.C. Vào tháng 6.2023, ông M. tiến hành xây dựng nhà trên thửa đất số 29, bản đồ số 19, có diện tích 307 m2. Đây là đất nông nghiệp. Ông M. đã xây nhà trên thửa đất này với số diện tích vi phạm là 146,52 m2.
Phát hiện vụ việc, UBND xã Bình Chánh đã lập biên bản vi phạm hành chính vào ngày 5.7.2023. Sau đó, Chủ tịch UBND xã Bình Chánh đề nghị UBND H.Bình Sơn xử phạt hành chính với ông M. về hành vi tự chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp để xây nhà ở nhưng chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền cho phép.
Ngày 2.8.2023, UBND H.Bình Sơn có quyết định xử phạt hành chính ông M. với tổng số tiền 4 triệu đồng và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi xây dựng nhà.
Đến ngày 9.8.2023, ông M. đã nộp phạt hành chính đầy đủ nhưng không tháo dỡ nhà theo quyết định của UBND H.Bình Sơn. Ngày 2.5.2024, UBND H.Bình Sơn có quyết định cưỡng chế để khôi phục lại đất về tình trạng ban đầu, dự kiến sẽ tiến hành trước ngày 30.7.2024.
Chính quyền H.Bình Sơn, xã Bình Chánh cùng nhiều ban, ngành đến động viên, thuyết phục rất nhiều lần, nhưng gia đình ông M. vẫn không tự nguyện tháo dỡ nhà xây dựng trên đất nông nghiệp. Vì vậy, UBND H.Bình Sơn đã đưa lực lượng đến cưỡng chế vào sáng 29.7.
Khi lực lượng cưỡng chế đến nơi thì gia đình ông M. đã tự tháo gỡ nhà cửa xây dựng vi phạm trên đất nông nghiệp nói trên. Do đó, UBND H.Bình Sơn không cưỡng chế, mà để gia đình tự nguyện tháo dỡ.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Ung Đình Hiền, Phó chủ tịch UBND H.Bình Sơn cho biết, qua tin báo của các xã thì có rất nhiều hộ gia đình xây dựng nhà trên đất nông nghiệp như trường hợp nói trên. Ông Hiền cũng cho rằng để xảy ra tình trạng này, một phần là do cán bộ phụ trách địa chính và người đứng đầu UBND các xã chưa làm tròn trách nhiệm. "Việc xây dựng nhà vi phạm thì phải xử lý kiên quyết trên tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy Bình Sơn, để lập lại kỷ cương về quản lý sử dụng đất trên địa bàn", ông Hiền nói.
Cũng theo lãnh đạo UBND H.Bình Sơn, khi phát hiện vi phạm, việc xử lý phải tuân theo các quy định của pháp luật, nhưng trước mắt là xử lý về mặt "tình cảm". Đó là vận động, thuyết phục nhiều lần, nếu không chấp hành mới tổ chức cưỡng chế.
Theo UBND H.Bình Sơn, 2 năm nay, địa phương đã tiến hành cưỡng chế khoảng 20 trường hợp xây dựng nhà trên đất nông nghiệp và vi phạm khác. Sau ngày 29.7, UBND H.Bình Sơn sẽ xem xét từng trường hợp để tiến hành cưỡng chế các hộ dân xây nhà trên đất nông nghiệp ở các xã: Bình Châu, Bình Trị, Bình Chánh…
Ngoài ra, H.Bình Sơn còn có kế hoạch tiến hành cưỡng chế các nhà dân, đất nông nghiệp nằm trong vùng dự án, công trình ở Khu Kinh tế Dung Quất, để bảo vệ thi công.
Từ đầu năm đến nay, UBND H.Bình Sơn cũng đã chuyển sang Cơ quan CSĐT Công an H.Bình Sơn khởi tố 2 vụ liên quan đến sử dụng đất sai mục đích, chuẩn bị đưa ra xét xử.
Ông Hiền cho biết, việc dùng các biện pháp cương quyết như trên là để tăng cường quản lý việc sử dụng đất, tăng cường công tác quản lý đất đai, để người dân sử dụng đúng mục đích đất của mình, tránh những rắc rối về sau.