Trong vai trò diễn giả khách mời, Thủ tướng đã chia sẻ với học sinh, sinh viên (SV) về chủ đề “Giáo dục ĐH và vai trò kiến tạo động lực tăng trưởng nhanh và bền vững cho đất nước trong giai đoạn mới” và giải đáp những câu hỏi trực tiếp tại hội trường.
Hương Nguyên (SV Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) bày tỏ băn khoăn về sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục ĐH, khi các trường tự chủ ĐH. Thủ tướng cho rằng trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng và Nhà nước vẫn có nhiều chính sách ưu tiên cho học sinh vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo; đẩy mạnh xã hội hóa, hợp tác công – tư trong giáo dục để mở rộng, tạo điều kiện cho nhiều đối tượng được tiếp cận giáo dục ĐH; kết hợp Nhà nước và nhân dân trong các dịch vụ giáo dục, đào tạo. Ngoài ra, từng địa phương cũng có những chính sách riêng để hỗ trợ, tạo điều kiện cho SV tiếp cận với giáo dục ĐH. “Không để xảy ra bất bình đẳng khi tiếp cận với giáo dục ĐH”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Trần Thị Kiều Oanh (SV năm 4 Trường ĐH Kinh tế – Luật) băn khoăn về việc nhiều SV xuất sắc không mặn mà với công việc ở khu vực công. Giải đáp thắc mắc này, Thủ tướng cho rằng trong phát triển kinh tế và các mục tiêu phát triển xã hội, không phân biệt khu vực công hay tư. “Tôi quan niệm ở đâu cống hiến được tốt nhất cho xã hội, đất nước thì đều tốt, không phân biệt công hay tư”, Thủ tướng nhấn mạnh. Theo Thủ tướng, khu vực công hay tư đều có những khác biệt nhất định. Khu vực công ổn định theo những chế độ, chính sách đã có nhưng có thể sẽ kém hơn các đơn vị tư nhân về mặt vật chất. Ngược lại, khu vực tư có thu nhập cao hơn nhưng không ổn định. Thủ tướng cho biết Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách thu hút người tài về làm việc cho khu vực công như Nghị định 140 về thu hút nhân tài, SV xuất sắc vào làm việc ở cơ quan Nhà nước với chính sách tiền lương, đãi ngộ tốt nhưng như thế không có nghĩa là phân biệt khu vực tư.
Trong khi đó, học sinh Trần Văn Trường (Trường Phổ thông Năng khiếu) băn khoăn về việc trở về quê làm việc sau khi học và chính sách cân bằng nguồn lực trẻ làm việc ở thành thị và nông thôn. Thủ tướng cho rằng việc đóng góp cho quê hương có thể bằng nhiều cách. Về cũng tốt mà không về cũng không sao, miễn đóng góp công sức, giá trị lao động cho quê hương đất nước. Mỗi người có cách lựa chọn tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể.
ĐÀO TẠO CẦN BÁM SÁT VÀO NHU CẦU PHÁT TRIỂN CỦA ĐẤT NƯỚC
Tại buổi làm việc với cán bộ chủ chốt của ĐH Quốc gia TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu: “Đào tạo là xương sống của trường, là trục chính. ĐH phải đào tạo, đây là công việc chính của trường. Nhưng đào tạo cần bám sát vào nhu cầu phát triển của đất nước, của vùng. Đào tạo đến đâu được sử dụng đến đó, đào tạo trúng và đúng, tập trung vào các ngành cần. Cần căn cứ vào quy hoạch phát triển của đất nước, của ngành, của vùng để có kế hoạch đào tạo phù hợp”. Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng nghiên cứu khoa học cũng là một chức năng của ĐH Quốc gia TP.HCM.
Thủ tướng cũng đề nghị TP.HCM cần sử dụng hiệu quả nguồn lực con người, gồm đội ngũ giảng viên và đội ngũ SV. Ngoài ra, Thủ tướng cũng lưu ý đơn vị đào tạo này về thương mại hóa sản phẩm, quản trị hệ thống đào tạo phù hợp, hiệu quả, tiết kiệm, trọng tâm và trọng điểm; xây dựng cơ chế chính sách hoạt động phù hợp với thể chế.
Thủ tướng cũng cho rằng giáo dục đào tạo nói chung, giáo dục ĐH nói riêng có vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển, góp phần nâng cao dân trí, đặc biệt là cung cấp nguồn nhân lực có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội.
Theo Thủ tướng, ngày nay, cùng với chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp lần thứ 4, giáo dục ĐH đang thay đổi và phát triển đa dạng. Đặc biệt, công nghệ thông tin (bao gồm trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo và trực tuyến hóa) được tích hợp vào quá trình dạy và học, tạo môi trường tương tác và hấp dẫn hơn, phát triển tư duy sáng tạo, tăng khả năng làm việc độc lập của người học. Do đó, giáo dục ĐH ngày càng thúc đẩy tư duy sáng tạo, trang bị kỹ năng, tăng tính chủ động, tạo môi trường học tập tương tác; truyền đạt kiến thức, phát triển tư duy sáng tạo và kỹ năng như tư duy phản biện, giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, tạo lập môi trường chủ động, tăng cường tương tác trong quá trình giảng dạy – học tập; hướng tới đào tạo những công dân toàn cầu.
Thủ tướng cho rằng bối cảnh và sự phát triển của giáo dục ĐH trên thế giới mang lại nhiều thời cơ, vận hội nhưng cũng tạo ra không ít khó khăn, thách thức mới đối với giáo dục ĐH VN. Để đạt được mục tiêu phát triển bên cạnh các động lực tăng trưởng truyền thống, đòi hỏi chúng ta phải kiến tạo động lực tăng trưởng mới nhanh và bền vững. Trong quá trình kiến tạo đó, ĐH đóng một vai trò quan trọng ở cả hai nhiệm vụ chủ yếu là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng mục tiêu, yêu cầu phát triển đất nước và nghiên cứu khoa học, đổi mới, sáng tạo nhằm tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới.
Những kiến nghị của ĐH Quốc gia TP.HCM với Chính phủ
Báo cáo trong buổi làm việc, PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia (ĐHQG) TP.HCM, đã nêu những kiến nghị với Chính phủ.
Thứ nhất, kiến nghị Thủ tướng xem xét sớm phê duyệt Đề án “Phát triển ĐHQG TP.HCM thuộc nhóm cơ sở giáo dục hàng đầu châu Á” sau khi đơn vị đã tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương. Đề án này thuộc Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết 24, với tầm nhìn trở thành hệ thống ĐH nghiên cứu trong tốp đầu châu Á, nơi hội tụ của nhân tài và lan tỏa tri thức, văn hóa VN; kiến tạo động lực tăng trưởng mới, không gian phát triển mới, nhanh và bền vững cho vùng Đông Nam bộ. Nhiệm vụ trọng tâm là phát triển các chương trình đào tạo, nghiên cứu và khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, công nghệ sinh học, chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo thuộc nhóm đầu châu Á; phát triển ĐHQG TP.HCM trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, kết nối với các trung tâm của khu vực và thế giới.
Bên cạnh đó, ông Quân kiến nghị Thủ tướng đồng ý chủ trương giao ĐHQG TP.HCM xây dựng và thực hiện Đề án thu hút, giữ chân và phát triển các nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học đầu ngành; các chương trình đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo thuộc nhóm hàng đầu châu Á; chương trình phát triển ĐHQG TP.HCM thành Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, kết nối với vùng và khu vực châu Á.
Giám đốc ĐHQG TP.HCM cũng kiến nghị Thủ tướng giao Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính, Bộ KH-CN hướng dẫn, thẩm định về số lượng, phương thức và ngân sách đặt hàng đào tạo, đặt hàng nghiên cứu; ngân sách đầu tư hệ thống phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo và nghiên cứu, nhất là các ngành trọng điểm như: công nghệ bán dẫn, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo và các ngành khoa học cơ bản khác. Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng giao Bộ GD-ĐT sớm trình hồ sơ để Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thành lập Trường ĐH Khoa học sức khỏe – là trường ĐH thành viên thứ 8 của ĐHQG TP.HCM.