Như trường hợp bà L.T.Đ ở Quảng Xương (Thanh Hóa) bị kẻ gian mạo danh là cán bộ công an gọi điện đe dọa bà "đang liên quan một vụ án buôn bán ma túy". Người này yêu cầu bà Đ. không được nói với bất kỳ ai, đồng thời yêu cầu bà chuyển 80 triệu đồng vào một tài khoản "để phục vụ điều tra". Ngày 10.7, tại quầy giao dịch, nhân viên NH nhận thấy bà Đ. bất an, lo lắng nên đã trao đổi, phối hợp cùng cơ quan công an thuyết phục cho khách hàng hiểu đây là thủ đoạn lừa đảo, từ đó ngăn chặn kịp thời việc chuyển tiền.
Không chỉ cảnh báo thủ đoạn dọa nạt, lừa đảo chuyển tiền, nhiều NH thời gian qua cũng báo động tình trạng mạo danh cán bộ tuyển dụng của NH mời ứng viên phỏng vấn, tham gia nhóm trực tuyến để lừa đảo, chiếm đoạt tiền.
Các NH đồng loạt khuyến cáo người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, không chuyển tiền và cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại. Khi có nghi ngờ về hành vi lừa đảo, người dân cần phối hợp với các cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.
Chỉ khuyến cáo là chưa đủ
Nhận xét về trường hợp bị đe dọa phải chuyển tiền "phục vụ điều tra", bạn đọc (BĐ) Len Nguyen đặt câu hỏi: "Không hiểu có nỗi sợ hãi nào nên mới dễ bị lừa, chứ từ trước đến giờ, có khi nào công an làm việc qua điện thoại và yêu cầu chuyển khoản đâu?". Trả lời câu hỏi này, nhiều BĐ lưu ý đến tình huống nạn lừa đảo chuyển tiền đang "chuyển hướng về các nạn nhân là người lớn tuổi, ít có điều kiện tiếp cận thông tin".
BĐ Minh Nghĩa lại cho rằng: "Giờ không phải là lúc đặt câu hỏi vì sao người dân lại dễ lọt vào bẫy lừa như vậy, vì rơi vào tình huống cụ thể mới biết không phải ai cũng đủ bình tĩnh để suy xét. Tốt nhất là có thêm nhiều biện pháp để bảo vệ người dân". BĐ Phu Thai phân tích: "Các thông tin khuyến cáo là cần thiết, nhưng chưa đủ. Bộ Công an nên tiếp tục tăng cường điều tra, xử lý thật nặng những chủ tài khoản có liên quan đến lừa đảo, để răn đe".
Từ những ý kiến trên, BĐ Đồng Xoài hoan nghênh các nhân viên giao dịch tại NH chủ động tìm hiểu, tư vấn… khi thấy khách hàng có dấu hiệu bất an, lo lắng khi rút, chuyển tiền: "Không có làm gì thì sợ chi đe dọa. Cần bình tĩnh và cần thiết có sự tư vấn từ người khác khi xảy ra vụ việc. Sự tư vấn cần thiết này trước hết đến từ quầy rút tiền NH. Rất ủng hộ".
Thêm biện pháp ngăn ngừa
Từ 1.7, các NH có quyền phong tỏa tài khoản trong trường hợp liên quan đến gian lận, lừa đảo cũng như các tài khoản không chính chủ. Đa số BĐ đánh giá đây là một trong những biện pháp cần thiết nhằm giảm thiểu rủi ro về nhầm lẫn và lừa đảo trong giao dịch tài chính.
BĐ Vietroad hy vọng quy định mới sẽ áp dụng suôn sẻ vì "muốn chứng minh một tài khoản NH lừa đảo chỉ có công an hoặc tòa án có quyền". Chính vì vậy, khâu phối hợp giữa các đơn vị chức năng là rất cần thiết. BĐ Trường Lưu nêu ý kiến: "Chẳng phải ngẫu nhiên mà các NH khi phát hiện dấu hiệu một vụ lừa đảo chuyển tiền đều phối hợp với cơ quan công an địa phương để thuyết phục, trấn an nạn nhân". Tán thành, BĐ Thủy nhận xét: "Tốt nhất là ngăn ngừa sớm, không để xảy ra các vụ lừa đảo chuyển tiền, giúp người dân tránh cảnh tiền mất, bực mang".
Rất bất cập nếu khách đang bị lừa đảo nhưng NH không có biện pháp chặn việc rút tiền, mà lại yêu cầu báo công an nơi gần nhất để làm đơn khiếu nại. Lúc làm đơn xong chắc tài khoản không còn gì.
Duc Nguyen
Mọi người nên đăng ký dịch vụ chặn cuộc gọi từ số lạ, số ngoài danh bạ cho những người thân lớn tuổi không nắm được thông tin cảnh báo, không hiểu được các thủ đoạn lừa đảo.
Tiger Hung
Tất cả các SIM điện thoại và tài khoản NH đều xác nhận chính chủ là sẽ hết lừa đảo chuyển tiền.
Thanh Toyama