Sống ở TP.HCM: Xóm chổi đót nghĩa tình, nhớ thời hoàng kim 'đi máy bay'

07:22 - 26/09/2024

Mùi đót khô thoảng trong không khí, những đôi tay thoăn thoắt đan chổi, tiếng búa đập, kéo cước, tiếng người kể chuyện đời, chuyện nghề là những điều quen thuộc ở xóm chổi, nằm sâu trong hẻm 180 Phạm Phú Thứ, Q.6 (TP.HCM).

Đó là xóm chổi “núp hẻm” cuối cùng ở TP.HCM, gọi là xóm vì nơi đây tập trung hơn 10 hộ dân cùng làm nghề đan chổi đót. Xóm chổi không ồn ào, náo nhiệt như phố phường ngoài kia mà bình yên, êm ả tựa một miền quê. 

Theo lời kể, xóm chổi đã tồn tại được hơn nửa thế kỷ. Đa số người ở đây đều có gốc gác ở Đức Phổ (Quảng Ngãi) di cư vào Nam. Xa xứ, họ mang theo nghề đan chổi, nhập cây đót từ Quảng Ngãi hoặc Gia Lai để làm chổi bán buôn mưu sinh và gìn giữ ngón nghề truyền thống của cha ông để lại.

Đã có thời chổi đót “đi máy bay”

Trời chuyển mưa, gió lớn thổi những hạt bụi đót màu vàng lấm tấm bay khắp trời. Bên trong xóm chổi, bà Nguyễn Thị Nở (70 tuổi, quê ở Quảng Ngãi) đang ngồi bệt dưới sàn, xé nhỏ từng nắm đót, cân đo đong đếm rất cẩn thận. “Mua vốn một cân đã 70.000 đồng rồi, phải cân để không lỗ. Nghề này lấy công làm lời thôi à cô”, vừa thấy tôi ngó nghiêng, bà Nở liền ngẩng đầu lên nói.

Người dân quanh khu này hay bảo, bà Nở là người thợ làm chổi nổi tiếng nhất nhì trong xóm. Phần vì bà có thâm niên lâu năm trong nghề, phần vì bà là “gương mặt thân quen” trên các trang báo hay mạng xã hội. Ai đến đây tìm hiểu về xóm chổi đót, cũng mong được gặp bà Nở một lần để hỏi han chuyện nghề.

Sống ở TP.HCM: Xóm chổi đót nghĩa tình, nhớ thời hoàng kim

Bà Nở đã sống và làm nghề ở xóm chổi từ ngày còn nhỏ

ẢNH: THÁI THANH

Theo lời bà, cách đây khoảng 25, 30 năm, chổi đót hầu như là món đồ không thể thiếu của mỗi gia đình. Mùa cao điểm như lễ, tết, chổi không đủ để bán, xóm không đủ nhân công để làm.

“Cô chú biết không, tôi từng này tuổi chưa bao giờ được nhìn thấy chiếc máy bay, vậy mà chổi đót chúng tôi làm ra đã được đi máy bay rồi đấy. Hồi trước, chúng tôi còn nhận được các đơn đặt hàng xuất khẩu chổi ra nước ngoài, nào là Singapore, nào là Mỹ, Indonesia… Thậm chí, có nhiều người sống ở nước ngoài về thăm quê, còn mua cả chổi đót sang làm quà hay sử dụng cho vơi bớt nỗi nhớ quê hương. Ở nước ngoài, tuy có nhiều loại chổi khác nhưng người ta vẫn thích dùng chổi đót vì nó gắn liền với ký ức thời nhỏ”, bà Nở vừa nói, vừa đứng dậy cột một đầu cọng dây kẽm vào vách, đầu còn lại cột vào cán chổi.

Sống ở TP.HCM: Xóm chổi đót nghĩa tình, nhớ thời hoàng kim

Dù đã lớn tuổi nhưng bà Nở vẫn rất nhanh nhạy trong các khâu làm chổi đót

ẢNH: THÁI THANH

Bà Nở co tay, hít một hơi mạnh rồi bắt đầu cuộn tròn bó đót. Tay cuộn, tay chỉnh, chẳng mấy chốc mà cây chổi đã bắt đầu có hình hài. Tuy đã U.70 nhưng lực ở tay bà rất mạnh, chổi “lên phom” rất đẹp, bện chặt để lúc quét không bị rụng đót.

Xã hội ngày càng hiện đại, sự phát triển của công nghệ đã khiến cuộc sống của những người thợ làm chổi nơi đây rơi vào cảnh bấp bênh, khốn khó hơn trước. Ông Nhân (65 tuổi) đã làm chổi đót ở xóm này được gần 40 năm thổ lộ rằng, giờ đây muốn nhà cửa sạch sẽ, người ta chỉ cần bỏ ra một số tiền là đã mua được máy hút bụi. Máy móc vừa tiện lợi, vừa tiết kiệm sức người nên những đồ thủ công như chổi đót có phần thất thế.

Theo lời ông Nhân, một cây chổi đót hiện nay bán lẻ trên thị trường giá chỉ dao động từ 20.000 đến 50.000 đồng tùy loại.

“Ở đây chúng tôi chuyên bỏ mối sỉ cho các cửa hàng, còn bán lẻ thì mỗi nhà để tầm chục cây trước cửa, ai đi chợ có cần thì ghé mua. Để làm ra được một cây chổi đót phải trải qua rất nhiều công đoạn. Đầu tiên, phải phân loại đót để tước, bông nào tốt thì để sang một bên, những bông xấu thì để dành tằn tiện làm chổi nhỏ bán rẻ. Cứ 20 bó đót nhỏ sẽ làm thành một bó chổi thô. Từ đó mới bắt đầu quấn băng quanh cán chổi, gắn tay cầm, dùng búa đập dẹt các sợi đót rồi cắt gọt (tề chổi) để thành phẩm được đẹp, đều, chắc chắn”, ông Nhân cho biết.

Sống ở TP.HCM: Xóm chổi đót nghĩa tình, nhớ thời hoàng kim

Ông Nhân đang làm công đoạn tề chổi cho gọn, đẹp trước khi mang đi bỏ mối

ẢNH: THÁI THANH

Khi tôi hỏi ông Nhân vì sao thợ ở xóm không nghiên cứu để đưa máy móc vào các công đoạn sản xuất, tiết kiệm sức người và tăng số lượng, tốc độ, ông chỉ xua tay cười.

Một người phụ nữ đang ngồi ở nhà đối diện nghe thấy tôi hỏi, liền với giọng sang nói: “Đặc thù của công việc này là phải làm thủ công, đòi hỏi sự kiên nhẫn và tỉ mỉ của người thợ. Chỉ khi mình dùng tay cảm nhận, mình mới biết được chỗ nào mỏng, chỗ nào dày, chỗ nào cần thêm, chỗ nào cần bớt. Bởi vậy không bao giờ tìm được hai cây chổi giống hệt nhau dù cho là cùng một thợ làm”.

Xóm nhỏ - nơi an cư của nhiều hộ gia đình

Thời gian thoi đưa, xóm chổi nhỏ cũng đã tồn tại giữa lòng TP.HCM hơn nửa thế kỷ. Gắn bó với nhau mấy chục năm, người dân trong xóm xem nhau như một gia đình, cùng lưu giữ nghề truyền thống của cha ông.

Rời quê hương Quảng Ngãi vào Nam sinh sống, lập nghiệp, ông Tuấn (62 tuổi) nói rằng TP.HCM chính là quê hương thứ hai của mình và xóm nhỏ này cũng là nơi an cư của những người xa xứ như ông. “Ở đây gia đình chúng tôi đã sống nhiều thế hệ. Tuy không giàu sang nhưng trong xóm chổi, ai nấy đều yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, là đồng hương nên hiểu và thương nhau dữ lắm”, ông Tuấn bộc bạch.

Sống ở TP.HCM: Xóm chổi đót nghĩa tình, nhớ thời hoàng kim

Những hạt bụi đót bám đầy trên mái tóc, da thịt, quần áo của người thợ làm chổi

ẢNH: THÁI THANH

Nghề làm chổi tuy nhiều vất vả nhưng lại là sợi dây gắn kết người dân trong xóm chổi với nhau. Cùng làm một nghề, cho ra một sản phẩm nhưng ông Tuấn khẳng định, giữa các hộ hầu như không có sự ganh đua, cạnh tranh quá mức. Khách hàng muốn mua chổi của ai là do có duyên với người đó, chứ không phải vì khen chê chất lượng.

“Ở đây, ai cũng làm bằng cái tâm, làm là làm cho trọn vẹn chứ không phải làm cho có. Mỗi ngày, một người cùng lắm làm được 2, 3 cây là hết sức. Ai trẻ khỏe thì ngồi lâu chứ già cả rồi sức khỏe chịu không nổi. Chúng tôi đều hiểu, đây vừa là tình yêu nghề, vừa là kế sinh nhai nên không ai muốn cướp chén cơm của ai hết. Thậm chí nếu ai có đơn hàng nhiều, còn san sẻ cho người không có”, ông Tuấn tâm sự.

Sống ở TP.HCM: Xóm chổi đót nghĩa tình, nhớ thời hoàng kim

Để làm ra một chiếc chổi thành phẩm phải trải qua rất nhiều công đoạn

ẢNH: THÁI THANH

Giữa lúc trò chuyện với ông Tuấn, trời bỗng đổ cơn mưa. Ngay lập tức, mọi người gác lại công chuyện mình đang làm, chạy ùa ra sân thu gom những bó đót đang phơi. Sau khi phụ ông Tuấn thu gom đồ đạc, tôi chạy vội đến một quán nước đầu đường để trú mưa. Chị Hoa (38 tuổi), chủ quán nước nói với tôi, chị bán ở đây từ hồi con gái, thấy tình làng nghĩa xóm ở xóm chổi rất bền chặt.

“Ngày xưa, số hộ làm chổi nhiều lắm, cả con đường này lúc nào cũng nhuộm vàng màu bụi đót. Cứ mỗi mùa tết là nghe đan chổi, gõ búa suốt đêm. Giờ thì ế nhiều rồi, thu nhập giảm sút, nhiều người phải bỏ nghề đi làm cái khác mới đủ nuôi con ăn học. Cũng có nhà vừa giữ nghề làm chổi vừa bán thêm xe nước mía hay hủ tiếu, bún bò để có thêm thu nhập”, chị Hoa nói.

Vì tính đặc thù của công việc, người thợ làm chổi cũng chịu nhiều ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Bụi đót lúc nào cũng bay đầy trong không khí, bám lên tóc, da thịt, quần áo. Nhìn móng tay ngả vàng và những vết chai chồng chéo trong lòng bàn tay của những người thợ cũng phần nào đoán được họ đã gắn bó với nghề bao nhiêu năm tháng.

Sống ở TP.HCM: Xóm chổi đót nghĩa tình, nhớ thời hoàng kim

Xóm chổi là nơi an cư, lập nghiệp của nhiều người con xa quê

ẢNH: THÁI THANH

Chốc lát thì trời tạnh mưa, tôi quay lại chỗ ông Tuấn. Dù đã quá giờ cơm trưa, người đàn ông vẫn miệt mài tách những bó đót để kịp cho vợ bện chiều nay. Sống ở xóm chổi lâu năm, ông Tuấn yêu thương và trân quý nơi này nhiều. Ông tâm tư, sau này mình không còn thì ai tiếp nối nghề làm chổi nhưng nghĩ đến những vất vả, nhọc nhằn mình trải qua, ông nhất quyết không truyền nghề cho con.

“Cả đời vợ chồng tôi khổ được rồi, mong con cái sau này được đi làm công ty, ngồi máy lạnh cho sướng. Tụi trẻ bây giờ cũng giỏi giang và nhiều ước mơ, hiếm có ai mà chịu ngồi một chỗ bện chổi suốt ngày”, ông Tuấn cười đôn hậu.

Xóm chổi là nơi an cư của rất nhiều người con xa quê. TP.HCM đất chật người đông, tìm được cho mình một nơi bình yên, sống đời nhẹ nhàng cũng không phải chuyện dễ dàng. Tôi đã tưởng tượng đến một ngày, xóm chổi đót cuối cùng ở TP.HCM sẽ chỉ còn là một hình ảnh đẹp trong ký ức của thị dân. Có lẽ, người dân ở đây cũng đã từng một lần nghĩ đến điều đó…

“Cuộc sống mà, tre già thì măng mới mọc được chứ. Có thể sau này không còn những người làm chổi đót thủ công như chúng tôi nhưng sẽ có những máy móc hiện đại, tiên tiến hơn để làm. Chúng tôi không có gì là hối tiếc cả vì mình đã dành cả đời để làm rồi”, ông Tuấn nói một câu chắc nịch, tay vẫn thoăn thoắt tước bông đót.

 

 

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

LỊCH PHÁT SÓNG TRUYỀN HÌNH

Thanh toán hóa đơn SCTV

Trái Tim Bất Hạnh - SCTV14

Không khoan nhượng - SCTV9 độc quyền và đồng thời với TVB

Công công xuất cung - SCTV9

Không gian lạ - SCTV9

 

Cáp nét siêu tốc - Cơn lốc quà tặng từ SCTV

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

Kết quả xổ số

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...