“Tôi mê làm thủ công. Hồi dịch Covid-19 có nhiều thời gian rảnh nên bắt đầu tập trung làm nhiều. Đó giờ ai biết nhà thì lại mua vài chiếc, còn không thì làm để chơi. Không ngờ mấy hôm nay được các bạn chia sẻ trên mạng nên rất đắt hàng. Tôi hạnh phúc lắm”, ông Tiếng cười nói.
“Học thì ít mà khéo tay thì nhiều”
Công việc chính của vợ chồng ông Tiếng là bán đồ ăn sáng, thời gian còn lại ông sáng chế mô hình để thỏa niềm đam mê.
“Tôi học không nhiều nhưng nhờ trời cho cái tay khéo. Những mô hình này tôi nhìn trên ảnh rồi làm, không có bản vẽ hay đo đạc gì quá cầu kỳ. Ban đầu tôi chỉ định làm để trưng trong nhà cho đẹp mắt, về sau được mọi người ủng hộ nên cũng làm thêm để kiếm chút đỉnh xoay xở trong nhà”, ông Tiếng nói, đôi bàn tay vẫn thoăn thoắt uốn nắn một chiếc vỏ lon bia.
Vì làm đồ thủ công mất nhiều thời gian nên mỗi ngày, ông làm được khoảng 2 chiếc mô hình cỡ nhỏ. Các mẫu phức tạp như máy bay, tàu hỏa, xe tuần lộc với kích thước lớn thì mất khoảng 2 ngày. Đáng ngạc nhiên, ông Tiếng bán sản phẩm với giá rất rẻ, mức khởi điểm chỉ có 80.000 đồng.
Khi tôi hỏi vì sao ông lại bán mô hình với giá thấp trong khi công làm vất vả, ông cười nói: “Mình bán để mọi người cùng trưng bày cho vui. Chủ yếu tôi lấy công làm lời. Vỏ lon thì tôi mua của một người bán ve chai gần nhà, trả họ giá cao hơn một chút để có được vỏ đẹp, còn nguyên vẹn cho dễ làm. Nhiều người nói tôi tăng giá nhưng mình làm vậy coi sao được. Tôi làm vừa là đam mê, vừa có thêm chút chi phí là vui rồi”.
Bà Ngọc Anh (67 tuổi) là vợ ông Tiếng cho hay, ông Tiếng nổi tiếng là người khéo tay từ nhỏ. Bà khoe, căn nhà hai vợ chồng sinh sống nhiều năm qua cũng là một tay ông Tiếng tự thiết kế, lên kế hoạch rồi xây dựng. Ông chăm chút, tô vẽ tỉ mẩn từng ngóc ngách cho ngôi nhà của mình chứ không tốn tiền thuê thợ.
Chỉ tay về phía những mô hình tàu thủy treo trên tường, bà Anh tự hào: “Mấy cái đó cũng là ổng làm hết đó. Ông ấy học thì ít mà khéo tay thì nhiều, ai đến chơi cũng tấm tắc khen. Chồng tôi là người hiền lành, ngày trước làm mô hình nhiều, cả nhà ai cũng khuyên đem đi bán. Vậy mà ông ấy ngại, sợ không ai mua hoặc người ta chê cười. Ba hôm nay được các cô chú gần xa ủng hộ, đặt đơn mấy chục món nên ông vui lắm, cặm cụi làm suốt ngày”.
Làm mô hình là hạnh phúc tuổi già
Khi làm được sản phẩm ưng ý, ông Tiếng thường mang đi bán khu vực gần đường sách TP.HCM, ngay bên hông nhà thờ Đức Bà (Q.1). Tuy nhiên, ông chỉ bán hai ngày cuối tuần vì những ngày khác bận phụ vợ nấu ăn, bán hàng.
Trong gia đình, vợ con đều ủng hộ ông Tiếng theo đuổi đam mê. Bà Ngọc Anh bộc bạch, nhiều lúc thấy chồng ngồi làm liên tục nhiều giờ, cả nhà ai cũng sốt ruột. Nhưng ông ấy luôn bảo, làm mô hình này rất vui chứ không cực nhọc gì.
“Tôi năm nay 70 nhưng may mắn còn khỏe. Chỉ cần ngủ đủ giấc thì tôi sẽ minh mẫn để làm suốt ngày. Mấy nay ngồi làm nhiều cũng không thấy đau lưng, sản phẩm được mọi người đón nhận nên thấy vui vẻ trong người”, người đàn ông nói.
Cuộc sống không mấy dư dả, ông Sáu Tiếng vẫn giữ cho mình tinh thần lạc quan và niềm đam mê không ngừng nghỉ. “Tôi nghĩ, đời người có bao lâu đâu, quan trọng là sống sao cho ý nghĩa. Mỗi ngày làm được điều mình thích, được người khác trân trọng là tôi thấy vui rồi,” ông Tiếng bày tỏ.
Theo chia sẻ của ông, khách hàng trong và ngoài nước đặc biệt yêu thích các mô hình xe gắn máy mini. Vì chúng dễ đóng gói mang đi và trưng bày được ở nhiều nơi. Hiện tại, các mô hình mini ông đã bán hết và đang làm thêm mấy chục mẫu giao cho các khách ở Bình Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng vừa đặt.
Một số mô hình khác do ông Tiếng sáng chế
ẢNH: THÁI THANH
Tay nâng niu mô hình máy bay, ông Tiếng kể, nhiều người hỏi ông có bỏ mối không nhưng ông đều lắc đầu từ chối. Đây là sản phẩm thủ công, làm hoàn toàn bằng sức người chứ không có máy móc hỗ trợ. Mỗi ngày ông chỉ làm được một, hai cái nên không thể bỏ mối số lượng lớn cho người ta.
Chia sẻ về dự định sắp tới, ông nói mình sẽ cố gắng sáng tạo thêm nhiều mô hình khác như nhà ở, biệt thự… Mỗi sản phẩm của ông đều mang tính độc nhất vì không thể nào tìm được hai sản phẩm giống nhau hoàn toàn.
Sáng tạo những mô hình này vừa là cách ông kiếm thêm thu nhập vừa là niềm hạnh phúc tuổi già của ông Tiếng.
“Tôi sẽ làm đến khi nào không còn sức khỏe thì thôi. Tôi già rồi, con cái cũng đã lớn, có công việc và gia đình riêng. Bản thân mình cũng nên tự có những niềm vui riêng để tránh buồn chán rồi sinh bệnh hay quá phụ thuộc vào con cái”, ông Tiếng nói, tay tỉ mẩn dán keo cho chiếc mô hình xe máy đang dần hoàn thiện.