Các cụ ta có câu: “Nước có quốc pháp, nhà có gia phong” song trong thời kỳ hội nhập quốc tế, công nghệ phát triển, “gia phong” của mỗi gia đình đang đứng trước những thách thức.
Ông Mai Thế Hưng, Giám đốc đối ngoại Công ty CP Tập đoàn Động Lực chia sẻ cùng Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh vấn đề này.
- Theo ông, trong xu hướng phát triển hiện nay, “gia phong” đang phải đối mặt với những thách thức nào?
Việt Nam là quốc gia có truyền thống văn hóa gia đình lâu đời. Người Việt xưa rất nhạy cảm với mọi ứng xử quan hệ. Đó là một thứ gia phong từ gốc rễ, đóng vai trò quan trọng cho sự tồn tại của gia đình người Việt cần được thừa kế và giữ gìn. Tuy nhiên, vào thời kỳ đổi mới và bước vào thời đại kỷ nguyên số thì nền nếp gia phong cũng chuyến biến theo xu thế thời đại, tức là chuyển biến sang gia đình hiện đại.
Lối sống gia đình bắt đầu có sự đảo lộn do ảnh hưởng của lối sống công nghiệp, lối sống đô thị khiến cho sự liên kết của các thành viên trong gia đình trở nên suy giảm và ít gắn bó với nhau. Đó là thách thức để chúng ta duy trì những giá trị tốt đẹp của truyền thống gia đình Việt Nam.
Ví dụ một thách thức dễ dàng nhận thấy đó là lối sống thực dụng kiểu phương Tây đang làm băng hoại đạo đức một số bộ phận gia đình. Khá nhiều nam nữ thanh niên coi “sống thử” là “cái mốt” và coi việc mang thai trước hôn nhân là chuyện hết sức bình thường. Thậm chí nhiều gia đình có con trai đến tuổi lấy vợ còn tạo điều kiện, khuyến khích cho con mình “làm chuyện ấy” để cho “chắc ăn” mới tổ chức lễ cưới (?!)
- Thưa ông, gia phong là sản phẩm của xã hội phương Đông, của Nho giáo, coi trọng gia đình, gia tộc, tuy nhiên nhiều người đánh đồng gia phong là lễ giáo phong kiến (dù lễ giáo phong kiến có ít nhiều tác động đến gia phong). Ông có thể chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này?
Tôi không cho rằng “gia phong” là lễ giáo phong kiến. Gia phong là chuẩn mực, là nếp riêng của mỗi gia đình đặt ra mà ông bà, bố mẹ, con cháu sống chung một gia đình phải cùng tuân thủ qua giao tiếp, ứng xử, ăn nói, đi đứng… Những việc này không khó, không quá gò bó nên mỗi người phải tự ý thức được trước những cử chỉ, hành động và lời nói của mình. Ông bà, bố mẹ là người phải hết sức gương mẫu trong mọi hoàn cảnh để các con cháu noi theo. Tuy nhiên, lễ giáo phong kiến ít nhiều cũng tác động đến gia phong, nhưng không nên tiếp thu tất cả và chỉ áp dụng những giá trị cần thiết…
Tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu: Gương mẫu, yêu thương.
- Cha mẹ, ông bà làm gương tốt cho con, cháu trong cử chỉ, hành động, lời nói; có tình cảm gắn bó gần gũi với con cháu.
- Quan tâm, nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy bảo con cháu khi con cháu còn nhỏ; khi con, cháu không có khả năng tự nuôi sống, chăm sóc bản thân.
- Trao truyền các giá trị truyền thống, kinh nghiệm sống cho con cháu; giáo dục, động viên con cháu thực hiện lối sống văn hóa, ý thức công dân, giữ gìn nền nếp, gia phong.
- Theo ông, những tập tục, thói quen cũ nào trong gia phong không còn phù hợp với sự phát triển của gia đình mới hiện nay?
Theo tôi, những thói quen cũ trong gia phong vẫn đang bị ảnh hưởng bởi lễ giáo phong kiến lạc hậu cần loại bỏ. Ví dụ: Phải xóa bỏ ngay tư tưởng trọng nam khinh nữ, quan niệm khi sinh con phải có con trai “nối dõi tông đường”. Sự tôn thờ lợi ích vật chất vẫn được đề cao, len lỏi vào trong đời sống đạo đức của mỗi gia đình, đã làm hoen ố những quan hệ vốn được coi là thiêng liêng nhất.
Đặc biệt những hủ tục lạc hậu trong việc cưới hỏi, tang lễ vẫn còn tồn tại nhiều không còn phù hợp với cuộc sống hiện tại, cần được loại bỏ. Vì hiện nay nhiều nơi (nhất là vùng dân tộc thiểu số) vẫn có tình trạng thách cưới bằng ruộng đất, trâu bò... Nhà có bố mẹ chết, con gái và con dâu phải lăn đường mới thể hiện sự báo hiếu… Hoặc một việc làm rất nhỏ trong sinh hoạt hàng ngày không nên cứng nhắc khi cấm con cái ăn cơm trước bố mẹ khi công việc trong cuộc sống hiện đại của các con phải chạy đua với thời gian...
- Được biết gia đình ông luôn đề cao gia phong, duy trì được truyền thống tốt đẹp dòng họ, gia phả... Từ kinh nghiệm của gia đình mình, ông có thể chia sẻ cách nào có thể kế thừa gia phong trong gia đình Việt ngày nay?
Tôi là trưởng của một dòng họ nên rất coi trọng việc hướng về cội nguồn vì thấm nhuần câu nói của ngàn đời xưa “chim có tổ, người có tông” cũng như “cây có cội, nước có nguồn”. Chính vì thế, tôi luôn duy trì việc thờ phụng tổ tiên, giữ gìn phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cha ông, của họ tộc và của gia đình. Bởi vì: “Tổ tiên tích đức ngàn năm thịnh/ Con cháu nhờ ơn vạn đại vinh”. Qua đó, tôi làm sợi dây kết nối các thành viên trong họ xích lại gần nhau để mọi người đều thấy trách nhiệm của mình và luôn hướng về cội nguồn. Mặc dù tôi không có con trai, nhưng luôn chăm lo đến mọi công việc trong họ, thành kính phụng sự tổ tiên và coi đó là việc nghĩa phải làm thường xuyên và lâu dài. Tôi tin rằng, khi mọi người luôn hướng về cội nguồn, nhớ đến công ơn của ông cha thì sẽ làm tròn bổn phận trong việc giữ gìn gia phong của chính gia đình mình.
- Theo ông, làm thế nào để vượt qua định kiến và khẳng định những giá trị cốt lõi tốt đẹp của gia phong trong gia đình, dòng họ mình?
Đơn giản nhất để vượt qua những định kiến thì chúng ta kiên quyết loại bỏ những lễ giáo phong kiến ra khỏi cuộc sống hằng ngày. Từ đó mỗi gia đình phải nâng cao chức năng giáo dục với những hình thức giáo dục trực tiếp và gián tiếp (tùy theo hoàn cảnh) và tránh những lời nói giáo điều, xa thực tế...
Người trụ cột trong gia đình phải luôn chăm lo, quan tâm đến gia đình mình, làm sao để các thành viên trong gia đình biết yêu thương, tôn trọng lẫn nhau, cùng chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống… Bởi gia đình là một tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người.
- Việt Nam hiện có nhiều thế gia vọng tộc mới nổi, nhưng nhiều gia tộc đề cao làm giàu hơn giáo dục gia phong. Theo ông, điều đó có ảnh hưởng đến giá trị chung của cả cộng đồng?
Khi xã hội phát triển thì xuất hiện rất nhiều người giàu, thậm chí là siêu giàu. Ở Việt Nam, tầng lớp người giàu có đang nổi lên với lối sinh hoạt rất thời thượng, tạo sức ảnh hưởng đối với xã hội về cả mặt tích cực cũng như tiêu cực. Không ít người giàu coi trọng việc kiếm tiền hơn việc giáo dục gia phong và ngược lại, họ luôn hướng cho con cái cách làm giàu để nâng cao chất lượng cuộc sống.
Họ lấy tiền bạc làm động lực thúc đẩy cho con cái phấn đấu làm giàu và chính họ bị áp lực nếu con cái họ không đạt được như mong muốn. Họ biết kiếm tiền của người nghèo, nhưng lại không cho phép người nghèo lẫn vào trong họ, không thể gần gũi với họ nên đã vô tình dạy con coi thường người nghèo. Rõ ràng điều đó sẽ ảnh hưởng đến giá trị chung của cộng đồng.
- Liệu một gia đình, dòng họ có thể “làm giàu” cả tiền bạc và giáo dục văn hóa gia phong không thưa ông?
Không thể phủ nhận, có những gia đình giàu có nhưng vẫn chú trọng giáo dục văn hóa gia phong cho con cái. Họ biết cách dạy con cái hiểu về các giá trị cuộc sống như sống trung thực, biết cảm thông và yêu thương đồng loại. Ví dụ như cơn bão số 3 Yagi vừa qua, có rất nhiều gia đình giàu đã có tinh thần “tương thân, tương ái”, sẵn sàng giúp đỡ tiền bạc, của cải và công sức đối với đồng bào lũ lụt. Việc làm ý nghĩa đó là là bài học giá trị nhất về biết yêu thương, là cách giáo dục tốt nhất cho con cái họ thấy lòng quảng đại của cha mẹ để học tập.
Thực tế tôi được biết nhiều nhà giàu dạy con cách ăn nói, giao tiếp ứng xử hàng ngày rất đúng nếp xưa. Ví dụ khi người lớn nói chuyện không được hóng chuyện, nói leo. Khi ăn không được vừa nhai nhồm nhoàm, vừa nói, hoặc gắp thức ăn như “giật cần câu” lên miệng luôn... Những việc làm đó tuy nhỏ nhưng có một giá trị lớn trong văn hóa giao tiếp của cuộc sống hiện đại...
- Trân trọng cảm ơn ông!
Tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà: Hiếu thảo, lễ phép.
- Kính trọng, lễ phép, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; yêu thương, quan tâm, chia sẻ tình cảm, nguyện vọng với cha mẹ và các thành viên trong gia đình.
- Học tập, rèn luyện, giữ gìn nền nếp gia đình, phụ giúp cha mẹ và các thành viên trong gia đình những công việc phù hợp với độ tuổi, giới tính.
- Thăm hỏi, chăm sóc động viên, nuôi dưỡng cha mẹ, ông bà khi cha mẹ, ông bà ốm đau, già yếu, gặp khó khăn trong cuộc sống.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Đang gửi...