Rõ trách nhiệm thực hiện cơ chế đặc thù

08:24 - 07/08/2023

Sáng 6.8, HĐND TP.HCM phối hợp Đài truyền hình TP.HCM tổ chức chương trình Dân hỏi – chính quyền trả lời, với chủ đề “Cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM: Trách nhiệm – Hành động”.

Nghị quyết 98/2023 về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù được Quốc hội thông qua hồi tháng 6.2023 và có hiệu lực từ ngày 1.8. Tại chương trình, nhiều người dân đặt câu hỏi về việc tổ chức Nghị quyết 98 như thế nào để hiệu quả, TP.HCM đã chuẩn bị bộ máy nhân sự ra sao.
Rõ trách nhiệm thực hiện cơ chế đặc thù

TP.HCM sẽ vận dụng cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98 để xóa “treo” cho Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa 31 năm qua

NGỌC DƯƠNG

Bà Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Luật gia Q.Tân Phú, hỏi việc lập Sở An toàn thực phẩm có giúp công tác quản lý an toàn thực phẩm tốt hơn, hay lập thanh tra xây dựng của TP.Thủ Đức có giải quyết được bài toán vi phạm xây dựng. Một số ý kiến khác thì đặt vấn đề TP.HCM sẽ vận dụng các cơ chế mới để giải quyết các dự án treo, quy hoạch treo như thế nào; triển khai các dự án đối tác công tư ra sao…

SẴN SÀNG TÂM THẾ HÀNH ĐỘNG

Trao đổi lại, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định việc nghị quyết ban hành các cơ chế chỉ là bước đầu, và điều quan trọng nhất vẫn là tổ chức để mang lại kết quả. Hiện Thành ủy TP.HCM đã ban hành chỉ thị, HĐND TP.HCM ban hành nghị quyết khung và UBND TP.HCM đã có kế hoạch thực hiện Nghị quyết 98, trong đó phân công, giao nhiệm vụ cho từng sở ngành, địa phương thực hiện các công việc cụ thể.

Ông Phan Văn Mãi đánh giá khối lượng cơ chế nhiều nên UBND TP.HCM chủ động phối hợp HĐND TP.HCM để chuẩn bị song song những công việc có thể triển khai đồng thời, đảm bảo đúng quy trình và chất lượng. Về đội ngũ thực hiện, lãnh đạo TP.HCM cho biết vẫn là bộ máy hiện hữu chứ không thể tuyển thêm bộ máy khác. “Có thể thay đổi chút ít, giống như huấn luyện viên Park Hang-seo vẫn phải dùng những cầu thủ cũ, chỉ có thay đổi chiến lược, chiến thuật thôi”, ông Mãi so sánh.

Người đứng đầu chính quyền TP.HCM nhấn mạnh đến tâm thế, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức phải sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ mới, còn UBND TP.HCM sẽ phân công, giám sát, xử lý, hoán đổi vị trí công tác. Sắp tới, TP.HCM sẽ tiếp tục rà soát, ban hành quy chế nội bộ trong tiếp nhận công việc của các sở, ngành, địa phương. “Thành phố sẽ làm rõ nội dung nào do ai tiếp nhận, thời gian xử lý là bao lâu để người dân, doanh nghiệp cùng giám sát. Không thể có chuyện công việc vào sở này, ngành kia như một hộp đen, không biết bao giờ xong”, ông Mãi khẳng định.

Đồng cảm với tình trạng quá tải công việc của công chức, ông Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM có cơ chế cho phép mời tư vấn hỗ trợ, một phần tản lực ra bên ngoài, cơ chế này nếu vận hành tốt có thể chia sẻ 1/3 khối lượng công việc của hệ thống chính quyền. Đây là đầu ra, lối thoát để giảm tải cho các cơ quan hành chính. Còn đối với vấn đề an toàn thực phẩm, Chủ tịch UBND TP.HCM nhận định đây là vấn đề rất lớn và rất khó. Việc thành lập sở sẽ giúp hoạt động quản lý nề nếp, bài bản hơn, còn bài toán an toàn thực phẩm thì có sự vào cuộc của nhiều cơ quan, công tác truyền thông và cả người dân.

Trả lời câu hỏi của cử tri liệu có giải quyết hết các dự án treo hay không, ông Mãi nói hy vọng sẽ giải quyết được những dự án lớn như Bình Quới – Thanh Đa (Q.Bình Thạnh), Vành đai 2 và một số dự án giao thông khác khởi công đã từ 15 – 20 năm. “Nghị quyết 98 là nghị quyết hành động, kết quả phải được đo lường bằng kết quả cụ thể, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, phát triển thành phố”, ông Mãi nói.

LẬP DANH MỤC KÊU GỌI ĐẦU TƯ

Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức, cho biết Thanh tra Xây dựng được thành lập trên cơ sở sáp nhập Đội thanh tra địa bàn của Thanh tra Sở Xây dựng và Đội quản lý trật tự đô thị TP.Thủ Đức. Việc sáp nhập này sẽ tránh trùng lắp, thực hiện hiệu quả quản lý trật tự đô thị xây dựng trên địa bàn. Ông Tùng cũng cho biết đang rà soát, kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư tập trung 4 nhóm: y tế, giáo dục, thể dục thể thao và văn hóa xã hội. Đồng thời, phối hợp các sở ngành triển khai các dự án giao thông theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao) và BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) trên đường hiện hữu.

Liên quan đến mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm nói mô hình TOD được các nước làm từ khá lâu, TP.HCM đặt ra nhiều năm trước nhưng đến nay mới được Quốc hội cho cơ chế thí điểm làm trước cả nước. Dù vậy, mô hình này chỉ hiệu quả khi gắn đô thị với hạ tầng đường sắt đô thị và các trục giao thông chính, các phương tiện giao thông sức chở lớn và đầu mối giao thông.

Sở GTVT đã phối hợp Sở QH-KT và các địa phương rà soát các nút giao, vùng phụ cận nhà ga tuyến đường sắt đô thị để khoanh vùng khu vực dự kiến. Như dự án Vành đai 3 đã xác định được khoảng 500 ha ở H.Bình Chánh và 400 ha ở H.Hóc Môn, hiện trạng là đất công và nông nghiệp. Nêu lợi ích của người dân khi thực hiện mô hình TOD, ông Lâm cho biết giá trị đất sẽ gia tăng, người dân hưởng lợi về tiếp cận giao thông và các dịch vụ tiện ích đô thị. Người dân có đất bị ảnh hưởng cũng được thực hiện quy hoạch sớm hơn, chính sách bồi thường sẽ tốt hơn.

Về lĩnh vực tài chính, ông Lê Duy Minh, Giám đốc Sở Tài chính, cho biết khoản bố trí 2 – 4% dự toán ngân sách cho các quận giúp địa phương chủ động hơn trong việc sử dụng ngân sách cho các nhiệm vụ phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế – xã hội. Các quận phải chi đúng chế độ, định mức, tiêu chuẩn đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

Đối với việc thu phí và lệ phí, ông Minh khẳng định bất kỳ khoản phí hay lệ phí phát sinh nào đều phải lấy ý kiến người dân, sau đó Ủy ban MTTQ VN TP.HCM phản biện, đánh giá tác động đến đời sống và an sinh xã hội.

Trong phần kết luận, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ khẳng định HĐND và UBND TP.HCM sẽ tăng cường trách nhiệm và hành động khi ban hành chính sách thuộc nhiệm vụ, thẩm quyền để khi triển khai không bị lợi dụng, trục lợi, đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra công vụ.

Mở rộng cửa cho nhà ở xã hội

Trả lời câu hỏi về việc vận dụng Nghị quyết 98 để thúc đẩy nhà ở xã hội, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Huỳnh Thanh Khiết cho biết các dự án nhà ở xã hội thường kéo dài do nhà nước kiểm soát giá, tỷ suất lợi nhuận và đối tượng mua nhà. Trong giai đoạn 2020 – 2025 TP.HCM chỉ bố trí ngân sách khoảng 3.800 tỉ đồng để phát triển nhà ở xã hội nên số lượng sẽ hạn chế.

Nhưng với nhiều cơ chế mới từ Nghị quyết 98, thủ tục xây dựng nhà ở xã hội sẽ được rút ngắn, tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp tham gia. Cụ thể, việc thực hiện đồng thời nhiệm vụ quy hoạch chi tiết và lập đồ án quy hoạch chi tiết sẽ rút ngắn so với quy trình thông thường từ 6 – 12 tháng. Nhà đầu tư cũng có thể bố trí nhà ở xã hội bằng một dự án khác ngoài dự án nhà ở thương mại để tránh sự phân tán, không tổng hòa về mặt kiến trúc.

Ông Khiết cũng cho biết sẽ tiếp tục trình UBND TP.HCM tăng vốn Quỹ phát triển nhà ở và mở rộng đối tượng vay vốn để người thu nhập thấp dễ tiếp cận vốn vay. Hiện Quỹ phát triển nhà ở cho người làm công ăn lương vay tối đa 900 triệu đồng, lãi suất 4,7%/năm. Ngoài ra, người dân cũng có thể vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội để mua nhà ở xã hội với số vốn không quá 700 triệu đồng, lãi suất 4,8%/năm.

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

LỊCH PHÁT SÓNG TRUYỀN HÌNH

Thanh toán hóa đơn SCTV

Trái Tim Bất Hạnh - SCTV14

Cuộc Chiến Hôn Nhân - SCTV9

Sui Gia Nan Giải - SCTV9

Bà xã cát tường - SCTV9

 

Cáp nét siêu tốc - Cơn lốc quà tặng từ SCTV

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

Kết quả xổ số

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...