Điều đáng nói, hiện có hơn 500 hộ dân của các thôn 3, 4, 5, 6 của xã đã bị cô lập hoàn toàn, nhiều nơi mất điện do đường bị sạt lở nghiêm trọng. Lực lượng chức năng đang huy động phương tiện cơ giới khắc phục thông tuyến, nhưng vẫn chưa thể tiếp cận được khu vực bị cô lập.
Theo ông Cường, ĐH8 là con đường độc đạo dẫn vào xã nên khi bị sạt lở, xe cộ không thể lưu thông, chỉ có thể đi bộ hoặc dùng thuyền di chuyển trên lòng hồ thủy điện sông Tranh 2 để tiếp cận khu vực cô lập. Nhưng lo ngại việc sử dụng thuyền sẽ gặp nguy hiểm khi nước lũ tràn về, nên đã bị cấm.
“Lo ngại nhất là ở nóc Sơ Rơ có khoảng 150 hộ dân (nằm trong khu vực bị cô lập hoàn toàn) đã xuất hiện nhiều điểm bị sạt lở. Bên ngoài chưa tiếp cận được hiện trường nên chính quyền địa phương đã huy động các lực lượng theo phương châm “4 tại chỗ” để hỗ trợ người dân”, ông Cường nói.
Cũng theo ông Cường, thông tin liên lạc với các vùng cô lập vẫn thông suốt, hiện chưa có thiệt hại về người và tài sản. Nhưng để đảm bảo an toàn, địa phương đang tính toán đề xuất cấp trên tạo điều kiện cho lưu thông từ 1 đến 2 chiếc thuyền để cung cấp thức ăn và chở người dân đi khám chữa bệnh. Khi nào tuyến đường khắc phục xong thì dừng lưu thông bằng thuyền.
Tính đến tối 16.11, toàn H.Bắc Trà My xuất hiện hàng chục điểm sạt lở lớn, nhỏ gây ách tắc giao thông.
Để ứng phó với tình hình mưa lớn tiếp diễn, hôm qua 15.11, H.Bắc Trà My đã tuyên truyền, vận động sơ tán 1.100 hộ dân (với hơn 3.700 khẩu) ở khu vực nguy cơ cao và rất cao về sạt lở đất.
Mưa lớn nhiều ngày qua cũng khiến tuyến đường ĐH1 đi xã Trà Dơn, Trà Leng (H.Nam Trà My, Quảng Nam) xuất hiện nhiều điểm sạt lở.
Đáng chú ý, khoảng 30 hộ dân tại làng Ông Lục (thôn 1, xã Trà Leng) đang bị cô lập do cầu bê tông qua 2 dòng suối ở 2 đầu làng đang thi công dang dở. Để ra vào làng Ông Lục, nhiều người dân phải liều mình đi trên những khúc gỗ cũ để băng qua dòng nước lũ, hoặc nhảy trên các tảng đá lớn, rất nguy hiểm.