Gây khó cho người dân
Phản ánh với PV Thanh Niên, ông Trần Quang (48, ngụ xã Long Hòa, H.Dầu Tiếng) cho biết ông có hơn 10.000 m2 tại ấp Đồng Bà Ba (xã Long Hòa) trồng cao su và chăn nuôi gia cầm là nguồn thu nhập chính để nuôi sống cả gia đình.
Từ năm 2021, gia đình ông Quang nhận được thông báo của cơ quan chức năng, diện tích 3.132,6 m2 đất của gia đình (ở nhiều vị trí khác nhau) thuộc diện giải tỏa để phục vụ xây lắp dự án đường dây 500kV Đức Hòa - Chơn Thành.
"Từ năm 2021, mọi công việc trồng trọt và nuôi gia cầm của gia đình buộc phải dừng lại để bàn giao mặt bằng cho dự án, dù chuồng nuôi gà vừa mới xây dựng xong tốn kém hết hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt, gia đình tôi cũng chưa thể thực hiện các thủ tục cấp sổ đất còn lại (ngoài vị trí giải tỏa) hoặc thế chấp vay vốn ngân hàng để vay vốn làm ăn...", ông Quang nêu lên những khó khăn.
Trong khi đó, từ năm 2021 đến nay, gia đình ông Quang chưa được nhận tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng theo quyết định của UBND H.Dầu Tiếng với số tiền trên 2 tỉ đồng.
"Không vay được tiền, không nhận được tiền bồi thường, khiến gia đình lâm vào hoàn cảnh khó khăn chồng chất", ông Quang nói.
Đi không được, ở cũng không xong...
Ông Nguyễn Văn Bình (52 tuổi, ấp Hố Đá, xã Long Tân, H.Dầu Tiếng) phản ánh, gia đình ông có trên 600 m2 đất (trong đó có 300 m2 đất thổ cư, có căn nhà cấp 4) thì có khoảng 400 m2 đất nằm trong diện giải tỏa.
Theo ông Bình, sau khi đo đạc, cắm mốc giải tỏa thì diện tích chỉ còn lại gần 100 m2, kích thước ngang 3 m và chiều dài (xéo 2 cạnh) từ 30 - 35 m. Với diện tích còn lại và kích thước khó chịu như trên, ông Bình trăn trở, nếu tiếp tục ở lại thì không biết phải xây nhà như thế nào để ở cho phù hợp.
"Trong khi đó việc hỗ trợ, bồi thường cho gia đình tôi chỉ được trên 1,8 tỉ đồng, nếu chuyển đi nơi khác với số tiền này cũng khó để mua đất để sinh sống. Chúng tôi đi cũng không được, ở lại cũng không xong vì hiện tại tiền bồi thường cũng chưa được nhận", ông Bình giãi bày.
Ông Bình kiến nghị các cơ quan chức năng cần xem xét lại việc áp giá đất của khung giá năm 2021 và áp dụng chính sách hỗ trợ tái định cư với gia đình vì với kích thước và diện tích đất còn lại khó có thể ở lại sinh sống lâu dài, ổn định.
Liên quan đến kiến nghị của ông Bình, ông Trần Khắc Quân, Phó chủ tịch UBND H.Dầu Tiếng cho biết sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn kiểm tra, xác minh lại cụ thể. "Trong trường hợp ông Bình không còn đất ở nào khác ngoài diện tích đất bị giải tỏa sẽ được xem xét hưởng chính sách tái định cư", ông Trần Khắc Quân khẳng định.
Vận động người dân "chia sẻ khó khăn"
Dự án đường dây 500kV Đức Hòa - Chơn Thành có quy mô xây dựng mới, tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 104 km, đi qua 4 tỉnh: Long An, Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước. Trong đó, trên địa bàn Bình Dương đi qua 5 xã thuộc H.Dầu Tiếng, gồm: Thanh Tuyền, Thanh An, An Lập, Long Hòa, Long Tân. Dự án do Ban quản lý (BQL) Dự án các công trình điện miền Nam (thuộc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia) trực tiếp điều hành.
Liên quan đến việc chậm trễ giải ngân tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, lãnh đạo UBND H.Dầu Tiếng khẳng định đã 3 lần gửi văn bản cho BQL Dự án các công trình điện miền Nam đề nghị bố trí kinh phí để chi trả tiền cho các hộ dân.
Tuy nhiên, theo văn bản phúc đáp của BQL Dự án các công trình điện miền Nam, do đến nay số tiền chi trả bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án đã vượt tổng mức đầu tư (đã được duyệt) với số tiền rất lớn nên chưa có kinh phí để chi trả.
BQL Dự án các công trình điện miền Nam cam kết khẩn trương trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư để sớm có kinh phí chi trả cho người dân. Đồng thời, đề nghị UBND H.Dầu Tiếng và các xã vận động những hộ dân bị ảnh hưởng cùng chia sẻ khó khăn với ngành điện.