>> Ô tô Trung Quốc tràn vào Việt Nam, ồn ào ra mắt, chật vật bán hàng
Rẻ quá bị chê
Thông tin từ đại lý ô tô MG cho biết, mẫu xe MG7 2024, thuộc phân khúc sedan hạng D sắp ra mắt thị trường Việt Nam. Giá bán dự kiến hơn 700 triệu đồng. Về Việt Nam MG 7 sẽ cạnh tranh với các đối thủ như: Toyota Camry, Kia K5, Mazda6 và Honda Accord.
Chiếc sedan này có 2 phiên bản, sử dụng động cơ xăng tăng áp, được trang bị hệ thống buồng lái thông minh, hỗ trợ lái thông minh cao cấp, cùng hệ thống âm thanh BOSE Premium 9 loa. Với giá bán dự kiến hơn 700 triệu đồng, là mức giá thấp nhất phân khúc.
MG là thương hiệu ô tô thuộc sở hữu của Tập đoàn Công nghiệp ô tô Thượng Hải, Trung Quốc (SAIC). Hãng xe này vào Việt Nam từ năm 2020, đến nay xe MG đã phủ khắp các phân khúc như SUV hạng B, hạng C; sedan hạng B, hạng C; sắp tới là sedan hạng D… Giá bán các mẫu xe MG thường thấp nhất phân khúc, thậm chí thấp hơn cả những xe ở phân khúc dưới.
Chẳng hạn mẫu New MG 5 thuộc phân khúc sedan hạng C nhưng có giá bán từ 399-499 triệu đồng, chỉ tương đương với 1 chiếc xe thuộc phân khúc hạng A. Hay mẫu MG HS, hiện có giá bán từ 629- 679 triệu đồng, tương đương với giá các mẫu SUV hạng B như: Hyundai Creta, Kia Setos…
Tuy có giá rẻ nhất phân khúc, thậm chí “hạ mình” từ phân khúc xe hạng C xuống cạnh tranh với hạng A, hạng B nhưng doanh số bán không cao. Với vẻ ngoài hào nhoáng, trang bị khá nhiều công nghệ, trong khi giá lại rẻ, càng khiến người tiêu dùng Việt Nam e ngại. Người tiêu dùng Việt Nam thường nói: “của rẻ là của ôi”, với ô tô Trung Quốc có giá rẻ, đồng nghĩa với chất lượng không tốt, nhanh xuống cấp. Không những thế, những mẫu xe này ra mắt chưa lâu đã vội vàng giảm giá, càng rẻ càng ế ẩm. Nhiều người tiêu dùng Việt Nam cho biết, họ sẵn sàng mua xe đã qua sử dụng thương hiệu Nhật Bản hay Hàn Quốc yên tâm hơn mua xe mới giá rẻ của Trung Quốc.
Đắt quá chẳng ai mua
Ngược lại thời gian gần đây có một số thương hiệu xe Trung Quốc vào Việt Nam định giá bán rất cao, cao nhất phân khúc, cao hơn cả xe Nhật Bản, Hàn Quốc. Điển hình là thương hiệu Lynk & Co. Đây là thương hiệu thuộc tập đoàn ô tô Geely.
Lynk & Co gia nhập thị trường Việt Nam với 3 mẫu xe gầm cao, bao gồm 01, 05 và 09. Trong đó Lynk & Co 01 thuộc SUV hạng C, giá 999 triệu đồng; Lynk & Co 05 thuộc dòng SUV- Coupe hạng C có giá bán 1,6 tỷ đồng và Lynk & Co 09 thuộc phân khúc SUV hạng D, có giá bán 2,2 tỷ đồng.
Lynk & Co 01 được xếp cùng nhóm với những cái tên quen thuộc như Mazda CX-5, Ford Territory hay Kia Sportage nhưng có giá bán cao hơn các mẫu xe này. Còn Lynk & Co 09 “chung mâm” với Ford Explorer, Hyundai Palisade hay Volkswagen Teramont. Mẫu xe này có giá bán thấp hơn Ford Explorer và Volkswagen Teramont nhưng lại cao hơn hẳn so với Hyundai Palisade chỉ từ 1,469 tỷ đồng.
Đặt câu hỏi với một số khách hàng, có sẵn sàng chi tiền tỷ để mua ô tô Trung Quốc không, đều nhận được cái lắc đầu, thậm chí là nói thẳng: “không muốn làm chuột bạch”. Cho dù những mẫu ô tô Trung Quốc này có thiết kế ngoại hình đẹp, nội thất nịnh người dùng bằng loạt công nghệ hiện đại và sử dụng động cơ thân thiện môi trường. Nhưng thương hiệu Trung Quốc có giá bán đắt đỏ càng khó thuyết phục người tiêu dùng Việt Nam.
Trong khi với số tiền 1 tỷ đồng, hoàn toàn có thể lựa chọn mua một chiếc xe SUV hạng C của các thương hiệu Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ. Với số tiền 2,2 tỷ đồng có thể mua được cả xe sang như BMW, Audi… những thương hiệu xe sang đẳng cấp thế giới.
Bán rẻ bị chê, còn bán ngang giá hoặc đắt hơn các thương hiệu của Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… thì người tiêu dùng không lựa chọn xe Trung Quốc.
Đã có thương hiệu xe Trung Quốc ban đầu vào Việt Nam định giá bán cao nhưng sau đó phải vội vàng đại hạ giá. Haval H6 HEV thuộc phân khúc SUV hạng C, ra mắt thị trường Việt Nam đầu tháng 8/2023, với giá bán niêm yết 1,096 tỷ đồng. Định giá cao bán không nổi, đã liên tục giảm hiện chỉ còn 850 triệu đồng, nhưng như vậy lại càng làm người tiêu dùng mất niềm tin.
Đến nay tất cả các thương hiệu ô tô Trung Quốc không công bố doanh số bán hàng hàng tháng, hàng năm. Trong khi các hãng xe của Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… vẫn công bố đều đặn. Hỏi những doanh nghiệp và đại lý bán xe Trung Quốc, không bao giờ được cung cấp con số bán hàng cụ thể. Có phải do doanh số bán quá èo uột, nên mới giấu kỹ không dám minh bạch?