Trước khi có xe điện, việc xe ngập nước là một vấn đề lớn đối với các chủ xe sử dụng động cơ xăng hoặc dầu truyền thống. Lý do bởi động cơ đốt trong dễ bị nước lọt vào qua cổ hút gió phía dưới nắp ca-pô dẫn tới việc hỏng máy móc, làm giảm giá trị của xe. Đối với xe hybrid (xe xăng lai điện), vấn đề này càng nghiêm trọng hơn khi có cả động cơ xăng và điện cùng hoạt động.
Ngoài ra, cấu tạo ô tô động cơ đốt trong sử dụng nhiều chi tiết cơ khí truyền động như xi-lanh, hộp số, vi sai,... kết hợp chặt chẽ với các chất làm mát, bôi trơn chuyên dụng, không thể lẫn với bất kỳ loại chất lỏng nào khác. Nếu như bị nước lọt vào sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng hoạt động của toàn bộ xe.
Trong khi đó, xe điện chỉ dùng mô-tơ và tập hợp thành một khối, sử dụng ít chất lỏng hơn và không có hệ thống truyền động hay hộp số phức tạp. Với cấu tạo đơn giản hơn xe sử dụng xăng, dầu, xe điện còn có khối pin được bảo vệ kín khi xe đi qua vùng nước ngập sâu. Do đó, những rủi ro khi xe chạy đường ngập nước hầu như được hạn chế đến mức tối thiểu.
Xe điện khá an toàn khi đi qua vùng nước ngập sâu, hầu hết đều được trang bị tiêu chuẩn bảo vệ chống nước theo tiêu chuẩn IP65 hoặc IP67 (chống lại bụi bẩn theo tiêu chuẩn bảo vệ quốc tế), tùy thuộc vào loại xe.
Các tiêu chuẩn quốc tế này thể hiện sự bảo vệ khỏi hai yếu tố: bụi và nước. Con số càng lớn, khả năng chống bụi và nước càng cao. Xe điện hiện đại thường có tiêu chuẩn IP67, cho phép xe ngâm ở mức nước cao tới 1 mét trong tối đa 30 phút mà không bị xâm nhập.
Khối pin bên trong xe được thiết kế nghiêm ngặt, trang bị nhiều lớp bảo vệ, tự cách điện với phần còn lại của xe, chống rò rỉ điện gần như tuyệt đối. Vì vậy, giật điện không phải là nguy cơ hàng đầu khi xe điện đi dưới nước ngập. Trên thực tế, chúng ta cũng chưa từng biết đến sự cố nào liên quan đến việc giật điện khi sử dụng ô tô điện.
Hậu quả chờ đợi ở tương lai
Nhà sản xuất ô tô điện thường nhấn mạnh các tiêu chuẩn IP65 hay IP67 cũng chỉ là "kháng nước" chứ không phải chống nước hoàn toàn. Các trường hợp xe hư hỏng do lội nước sẽ không được bảo hành và xe điện vẫn còn nhiều chi tiết kỹ thuật cần được bảo vệ khỏi nước.
Xe điện sẽ không cho thấy các dấu hiệu hư hỏng ngay lập tức sau khi lội nước như xe xăng nên tạo ra tâm lý chủ quan cho người sử dụng. Những hậu quả sẽ xuất hiện một cách từ từ thầm lặng. Các hư hỏng thường thấy sau một khoảng thời gian đến từ các chi tiết điện, điện tử và cơ khí bị ngấm nước và ẩm mốc.
Xe điện cũng có nhiều chi tiết rất nhỏ mà nước có thể xâm nhập vào các linh kiện điện tử của xe, gây hư hại và chập mạch, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình vận hành của xe. Thêm vào đó, nước có thể làm ướt các điện cực của pin và gây hiện tượng mất điện. Nếu ngâm nước quá lâu, pin cũng có thể bị thấm nước, gây hư hại nghiêm trọng và làm giảm tuổi thọ của pin. Sửa chữa khó khăn và chi phí mua mới đắt đỏ sẽ khiến bạn phải hối hận.
Ngoài ra, khi xe bị ngâm nước quá lâu trong điều kiện nhiều chất bẩn có thể gây nên tình trạng rỉ sét các chi tiết kim loại của xe cũng như pin và động cơ, làm chiếc xe xuống mã nhanh, mất giá hơn về sau. Nếu nghiêm trọng hơn, xe điện ngâm nước có thể ảnh hưởng đến động cơ. Mặc dù động cơ xe điện thường được đóng rất kín nhưng nếu lội nước hoặc ngập nước đủ lâu thì nó cũng sẽ bị ngấm. Nước vào sẽ làm tăng nguy cơ phá hỏng nhiều chi tiết động cơ như hệ truyền động, và hệ thống làm mát, trực tiếp làm hư hỏng hệ dẫn động cũng như giảm hiệu suất, độ bền của xe.
Xe điện khi lội nước sẽ không hư ngay lập tức nhưng nó cũng sẽ dần xuống cấp về sau và gây mất an toàn trong lúc sử dụng khi liên quan đến các hệ thống điện điện áp cao trên xe. Nếu xe của bạn bị ngập nước sâu và lâu, hãy tắt nguồn và gọi điện cho đại lý hoặc các trung tâm bảo trì để kiểm tra và sửa chữa, nếu không những vấn đề về lâu về dài rất có thể xảy ra khiến bạn phải hối hận.