>> Xe điện khó hy vọng thống trị thị trường toàn cầu?
Nhiên liệu “thần kỳ”
Nhiều quốc gia trên thế giới đã ban hành các quy định, yêu cầu đến năm 2035, tất cả ô tô bán ra phải là xe không phát thải khí C02 (carbon dioxide). Quy định này khiến cho việc bán ô tô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch là không thể. Như vậy, có thể nói từ năm 2035 là thời điểm bắt đầu “khai tử” đối với động cơ đốt trong.
Mặc dù vậy, nhiều nhà sản xuất ô tô vẫn muốn giữ lại động cơ đốt trong. Để đáp ứng được các yêu cầu khắt khe từ Chính phủ, các hãng xe đang nghiên cứu những loại nhiên liệu mới, nhằm giữ cho động cơ đốt trong tồn tại. Trong đó, nhiên liệu điện tử tổng hợp (e-fuel) là giải pháp thu hút sự quan tâm đặc biệt.
Bằng cách sử dụng nguồn CO2 lấy từ không khí, kết hợp với khí hydro được sản xuất từ điện gió, điện mặt trời, thu về methanol và tiếp tục xử lý để tạo ra e-fuel. Nhiên liệu này có tính chất hóa học tương đương xăng thông thường, có thể duy trì sự phát triển của động cơ đốt trong.
Loại xăng điện tử này vẫn chứa CO2, sau đó sẽ thải ra ngoài môi trường trong quá trình đốt cháy nhiên liệu. Nhưng do CO2 được thu hồi từ không khí tự nhiên, nên có thải ra thì cũng là một quá trình tuần hoàn, chứ không sản sinh thêm từ nguồn nhiên liệu hóa thạch.
Hiện Porsche (CHLB Đức) là hãng xe tiên phong khi công bố việc phát triển e-fuel có nguồn gốc tổng hợp từ CO2 trong không khí. Cụ thể, hãng xe Đức đã hợp tác với Công ty Haru Oni tại Chile, nghiên cứu về e-fuel. Sau thời gian phát triển, dự án trên đã đi vào sản xuất. Nhà máy sản xuất e-fuel thương mại đầu tiên được mở ở Chile vào năm 2021, với mục tiêu sản xuất 550 triệu lít e-fuel mỗi năm.
Một số hãng ô tô lớn khác cùng các nhà cung cấp linh kiện như: BMW, Ferrari, Mazda, Bosch, ZF và Mahle… cũng đang bày tỏ sự ủng hộ với e-fuel. BMW đã đầu tư 12,5 triệu USD vào công ty khởi nghiệp e-fuel Prometheus Fuels, để nghiên cứu và phát triển sản phẩm này.
Vấn đề gây chia rẽ
Với mật độ năng lượng vượt trội của e- fuel, so với pin lithium ion trong xe điện, sẽ giúp các nhà sản xuất ô tô, có thể tiếp tục tạo ra những chiếc xe nhẹ, linh hoạt với âm thanh đầy mê hoặc.
Đáng chú ý là Porsche, Ferrari là hai cái tên lớn nhất đẩy e-fuel vào trung tâm của cuộc tranh luận về động cơ đốt trong của Liên minh châu Âu (EU). Cả Porsche và Ferrari đang tìm cách để miễn nhiên liệu điện tử, khỏi quy định của EU về xe không phát thải CO2 vào năm 2035.
Chính phủ Đức cũng đã vào cuộc. Vào đầu tháng 3/2023, Đức đã tuyên bố phản đối luật chấm dứt việc bán ô tô phát thải khí CO2 vào năm 2035 của Liên minh châu Âu (EU). Yêu cầu cho phép bán ô tô mới, có động cơ đốt trong sau thời điểm này, nếu chúng chạy bằng e-fuel.
Vấn đề này đã gây chia rẽ tại EU. Tuy nhiên, có vẻ như Ủy ban châu Âu cũng đang thay đổi, khi tính đến việc phác thảo kế hoạch, cho các nước thành viên bán ô tô mới trang bị động cơ đốt trong sau năm 2035. Với điều kiện phải sử dụng nhiên liệu e-fuel thân thiện môi trường.
Trong xã hội, việc sản xuất và sử dụng e-fuel cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Những người ủng hộ nói rằng, e-fuel là cách thức hữu hiệu để cắt giảm lượng khí thải CO2 của những phương tiện, máy móc, sử dụng động cơ đốt trong, thay vì chuyển đổi sang xe điện. Do đó, e-fuel được cho là một lựa chọn để giảm phát thải khí nhà kính từ vận tải, đặc biệt là vận tải hàng hóa đường dài, đường biển, đường hàng không.
Nhưng những ý kiến phản bác lại có góc nhìn khác, cho thấy sự lãng phí tài nguyên, khi tạo ra nhiên liệu điện tử, cần lượng điện tái tạo cao hơn khoảng 5 lần, so với một chiếc xe chạy hoàn toàn bằng điện. Vì vậy, nó không mang lại hiệu quả kinh tế. Hiện chi phí sản xuất e-fuel vào khoảng 54 USD/lít.
Còn những hãng ô tô muốn níu giữ động cơ đốt trong thì lập luận rằng: động cơ đốt trong đã được phố biến từ lâu và đến nay đã rất phát triển. Sử dụng động cơ đốt trong sẽ hiệu quả kinh tế hơn là thay thế chúng cùng với toàn bộ cơ sở vật chất, hạ tầng đi kèm. Chi phí sẽ giảm nếu các nhà máy sản xuất e-fuel với số lượng lớn.