Công nghệ EREV mở ra hướng đi mới cho ngành ô tô điện, giúp kéo dài phạm vi hoạt động của xe điện mà vẫn tận dụng được hạ tầng và nền tảng sẵn có.
Hướng đi của ZF phản ánh cách tiếp cận linh hoạt và thực tế trong bối cảnh ngành xe điện đang cạnh tranh ngày càng gay gắt. (Ảnh: ZF)
Trong nhiều thập kỷ qua, ZF là cái tên gắn liền với các giải pháp truyền động cơ khí, đặc biệt là hộp số tự động, thứ gần như là “trái tim thứ hai” của các dòng xe động cơ đốt trong. Tuy nhiên, khi thế giới đang dần chuyển dịch từ xe chạy xăng thuần túy để hướng tới các phương tiện sạch hơn như xe hybrid và xe điện hoàn toàn (BEV), vai trò của hộp số truyền thống cũng giảm sút đáng kể.
Nhận thấy xu thế không thể đảo ngược này, ZF đã bắt đầu tái định hướng chiến lược, tập trung mạnh hơn vào phát triển hệ thống truyền động điện hóa. Một trong những bước đi cụ thể là việc hãng đã huy động đội ngũ kỹ sư tại Trung Quốc để nghiên cứu và phát triển thế hệ hệ thống truyền động mở rộng tầm hoạt động mới, gọi tắt là EREV (Extended Range Electric Vehicle).
Dù nổi tiếng với hộp số, ZF không phải là “tay mơ” trong lĩnh vực xe điện. Hãng từng được giao phát triển hệ truyền động điện hoàn toàn cho mẫu Mercedes-Benz EQC ra mắt năm 2019, một trong những chiếc xe điện đầu tiên của hãng xe Đức. Ngoài ra, ZF cũng đã triển khai hệ thống EREV cho dòng taxi điện tại London trong nhiều năm, qua đó tích lũy nhiều kinh nghiệm thực tiễn quý báu.
Khác với các dòng xe hybrid thông thường, hệ thống EREV sử dụng một động cơ xăng như máy phát điện để sạc pin, trong khi toàn bộ quá trình truyền động đều do động cơ điện thực hiện. Điều này giúp xe giữ được cảm giác lái của xe điện, đồng thời giảm bớt nỗi lo về phạm vi hoạt động, yếu tố vẫn khiến nhiều người tiêu dùng e ngại khi cân nhắc mua xe điện.
ZF giới thiệu hai lựa chọn công nghệ mới: eRE (Electric Range Extender) và eRE+. Trong đó, hệ thống eRE tiêu chuẩn gồm có động cơ điện đặt tại trục xe, tích hợp với bộ biến tần, bánh răng hành tinh và phần mềm điều khiển. Phiên bản eRE+ được bổ sung thêm bộ ly hợp và vi sai, cho phép hoạt động như một hệ dẫn động phụ nếu cần.
Công suất đầu ra của eRE dao động từ 70 đến 110 kW, trong khi eRE+ mạnh hơn, đạt từ 70 đến 150 kW đủ đáp ứng đa dạng phân khúc từ xe đô thị cho đến SUV.
Chia sẻ về định hướng phát triển, ông Dr. Otmar Scharrer, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách R&D mảng Truyền động điện hóa của ZF, nhận định: “Mặc dù phạm vi hoạt động hoàn toàn bằng điện của xe chở khách hiện nay trung bình đã đạt khoảng 500 km, nhưng nỗi lo về quãng đường vẫn ảnh hưởng đến nhiều người tiêu dùng khi chọn xe mới. Sự quan tâm và nhu cầu ngày càng tăng đối với các hệ thống mở rộng tầm hoạt động cho thấy tiềm năng của công nghệ này vẫn chưa được khai thác hết, đặc biệt đối với các nền tảng xe đã được thiết kế cho hệ truyền động chạy pin”.
Theo ZF, hệ thống eRE và eRE+ sẽ chính thức đi vào sản xuất từ năm 2026. Bước đi của ZF cho thấy tư duy thực dụng nhưng thông minh trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của ngành xe điện. Khi các hãng xe đang chạy đua để tung ra mẫu EV mới, nhưng nhiều nền tảng kỹ thuật chưa sẵn sàng, một giải pháp lai như EREV chính là cầu nối hợp lý giữa hiện tại và tương lai. Đặc biệt, với những quốc gia có hạ tầng sạc điện chưa phát triển đồng đều, EREV có thể là giải pháp khả thi hơn BEV trong vài năm tới.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Đang gửi...