Công nghệ AI vẫn sẽ là tâm điểm cuộc chiến Mỹ - Trung

09:41 - 15/04/2024

Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc trên nhiều phương diện: Ngôi vị, thứ bậc; hệ giá trị và mô hình dẫn dắt thế giới; kinh tế, tài chính; công nghệ, an ninh, quân sự. Trong đó, cạnh tranh về công nghệ AI trở thành điểm nổi trội, AI tạo sinh là “chiến địa” mới của cuộc chiến này.

Mỹ luôn coi năng lực công nghệ AI của Trung Quốc là mối đe dọa đối với sức mạnh kinh tế và quân sự của nước này, từ đó sử dụng nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn sự phát triển công nghệ AI của Trung Quốc. Hàng loạt các tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc bị Mỹ đưa vào “danh sách đen”, nhằm ngăn các công ty này mua các linh kiện của Mỹ như chip và phần mềm công nghiệp.

Tháng 10/2022, Mỹ công bố một loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhằm hạn chế khả năng mua và sản xuất chip cao cấp của Trung Quốc, mở rộng phạm vi của nỗ lực làm chậm các tiến bộ quân sự và công nghệ của nước này. Quy định đặt ra giới hạn về năng lực điện toán và khả năng giao tiếp của các con chip mà doanh nghiệp Mỹ có thể bán cho Trung Quốc. Đây là một yếu tố quan trọng đối với chip AI vì trong các siêu máy tính AI có hàng nghìn con chip phối hợp để xử lý một lượng dữ liệu khổng lồ.  

Sau đó 1 năm, ngày 17/10/2023, chính phủ Mỹ công bố một loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới, trong đó siết chặt hơn nữa việc bán cho Trung Quốc các loại chip AI được thiết kế bởi Nvidia và các công ty Mỹ khác, nhằm gia tăng nỗ lực khiến Trung Quốc không thể tiếp cận với các công nghệ tiên tiến của Mỹ. Đây là một phần trong những nỗ lực tiếp theo của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm siết chặt hơn nữa việc xuất khẩu con chip phục vụ cho công nghệ AI.

Quy định mới miễn trừ hầu hết các loại chip sử dụng cho các sản phẩm điện tử tiêu dùng như laptop và smartphone, một số loại chip trong số này cần tới sự cấp phép và báo cáo với giới chức Mỹ để được cung cấp cho đối tác Trung Quốc. Quy định cũng đặt ra giới hạn đối với năng lực điện toán đối với tổ hợp chip đặt trong một kích thước nhất định - nhằm tránh tình trạng “lách” luật của các công ty công nghệ để bán cho Trung Quốc.

Với mục tiêu kìm hãm sự phát triển AI của Bắc Kinh, Washington đưa ra các biện pháp như hạn chế các nhà đầu tư Mỹ đổ tiền vào các công ty AI của Trung Quốc; hạ cấp các sàn giao dịch và cắt nguồn cung cấp chip máy tính chuyên  dụng; hạn chế quyền truy cập của các công ty Trung Quốc vào các dịch vụ điện toán đám mây của Mỹ - vốn có thể cung cấp quyền truy cập gián tiếp vào công nghệ AI.

Mỹ cũng nỗ lực mở rộng “bức tường lửa vĩ đại” ngăn Trung Quốc phát triển AI tới các đồng minh của mình như: Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) những bên trước đây từng tập trung kinh doanh với Trung Quốc. Song song với đó, Mỹ đã tìm cách thúc đẩy công nghệ trong nước của riêng mình, bao gồm công nghệ bán dẫn, với những kế hoạch đầu tư lớn để phát triển ngành công nghiệp chip thông qua Đạo luật Khoa học và Chip.

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc đặt mục tiêu dẫn đầu về AI vào năm 2030, tập trung vào các ứng dụng quân sự, AI là ưu tiên quốc gia hàng đầu của nước này. Trung Quốc nỗ lực kết hợp giữa quân sự và dân sự để tăng cường khả năng AI của mình. Các trung tâm nghiên cứu quy tụ các chuyên gia quân sự và dân sự được thành lập, đồng thời mua công nghệ robot và AI tiên tiến để cung cấp cho quân đội. 

Trung Quốc thúc đẩy sự hỗ trợ và trợ cấp các ngành liên quan đến chip, đẩy nhanh quá trình đạt được sự tự chủ trong các công nghệ và chất bán dẫn nhạy cảm. Tận dụng lợi thế lượng dữ liệu khổng lồ phát sinh hằng ngày từ chính dân số, các công ty và viện nghiên cứu Trung Quốc đã đào tạo và cải thiện các thuật toán AI, ứng dụng trong nhiều lĩnh vực đời sống. Đồng thời, tăng cường quan hệ đối tác và đầu tư vào các quốc gia giàu nguyên liệu đất hiếm, một thành phần quan trọng của chip.

Trung Quốc hạn chế xuất khẩu germanium và gallium - hai nguyên tố hiếm có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc sản xuất linh kiện bán dẫn. Đây là một “vũ khí” đáng gờm được triển khai trong trường hợp cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung leo thang, bởi Trung Quốc gần như nắm thế độc quyền về sản xuất germanium và gallium. Theo dữ liệu của Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), năm 2022, Trung Quốc chiếm 98% sản lượng gallium và 68% sản lượng germanium tinh chế toàn cầu.

Trung Quốc cáo buộc Mỹ vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế thông qua các biện pháp trừng phạt, cho rằng các biện pháp hạn chế mà Mỹ áp đặt đối với ngành công nghiệp chip của Trung Quốc là hành vi “bắt nạt”. Các hạn chế mới mà Mỹ đưa ra là để “phục vụ mục đích chính trị là vi phạm các nguyên tắc kinh tế thị trường và cạnh tranh bình đẳng và xói mòn trật tự kinh tế và thương mại quốc tế”. Cơ quan quản lý Trung Quốc cấm các nhà vận hành “cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng” mua chip từ công ty Micron của Mỹ, tuyên bố rằng các sản phẩm của công ty này đã không vượt qua được đánh giá an ninh mạng của Bắc Kinh.

Hiện tại, sự chú ý của Mỹ trong cuộc chiến công nghệ với Trung Quốc được cho là đã chuyển sang công nghệ AI tạo sinh - thế hệ tiếp theo của công nghệ AI. Đây là một loại AI có khả năng tạo ra nội dung mới dựa trên các gợi ý (prompt). Các mô hình AI tạo sinh áp dụng các kỹ thuật học máy mạng nơ-ron nhân tạo, sau đó tạo ra dữ liệu mới. Các hệ thống AI tạo sinh đáng chú ý như ChatGPT; Bing Chat; Google Bard AI; Stable Diffusion AI, Midjourney, DALL-E...

Thị trường AI tạo sinh của Trung Quốc năm 2023 có giá trị khoảng 14,4 nghìn tỷ NDT (tương đương khoảng 2.000 tỷ USD). Dự báo, đến năm 2035, AI tạo sinh sẽ đóng góp gần 90.000 tỷ NDT (khoảng 12.700 tỷ USD) vào giá trị kinh tế toàn cầu, trong đó riêng Trung Quốc vượt 30.000 tỷ NDT (khoảng 4.200 tỷ USD), chiếm hơn 40%.

Công nghệ AI tạo sinh vừa mang lại lợi ích cho quá trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc, vừa thúc đẩy khả năng của các công ty Trung Quốc trong việc tạo ra những bước đột phá trong lĩnh vực AI. Ông Paul Triolo - người phụ trách chính sách công nghệ tại công ty tư vấn Albright Stonebridge, nhận định: “Washington có thể sẽ triển khai nhiều nỗ lực hơn để nhắm mục tiêu vào sự phát triển của một số loại ứng dụng ở Trung Quốc, và AI tạo sinh có thể rơi vào tầm ngắm trong năm tới”.

Trên thực tế, Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực trong lĩnh vực AI tạo sinh. Các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc từ Baidu, Alibaba đến SenseTime đã công bố kế hoạch và tung ra các thử nghiệm đối thủ cạnh tranh với ChatGPT của Mỹ ngay sau khi nó ra đời, như Ernie của Baidu, Tongyi Qianwen của Alibaba, SenseChat của SenseTime, …

Các chuyên gia cho rằng, việc Mỹ có thể ngăn chặn sự phát triển AI của Trung Quốc hay không, vẫn chưa thể có câu trả lời chắc chắn, nhưng cuộc chiến này đã gây ra nhiều hệ lụy đối với nền kinh tế thế giới, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp và ngành sản xuất bán dẫn.

Việc tăng cường kiểm soát xuất khẩu chip của Mỹ đối với Trung Quốc và sự trả đũa của Bắc Kinh có thể khiến các nỗ lực ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc thời gian gần đây nhằm cải thiện mối quan hệ sẽ gặp nhiều trở ngại. Mặt khác, nếu Trung Quốc cắt hẳn nguồn cung germanium và gallium, thế giới có thể sẽ gặp phải không ít khó khăn. Mặc dù giải pháp thay thế là có, nhưng đòi hỏi số tiền đầu tư rất cao, và có thể phải mất nhiều năm.

 

 

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

LỊCH PHÁT SÓNG TRUYỀN HÌNH

Thanh toán hóa đơn SCTV

Trái Tim Bất Hạnh - SCTV14

Cuộc Chiến Hôn Nhân - SCTV9

Sui Gia Nan Giải - SCTV9

Bà xã cát tường - SCTV9

 

Cáp nét siêu tốc - Cơn lốc quà tặng từ SCTV

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

Kết quả xổ số

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...