Mở mạng là gặp 'bẫy lừa': Chiêu 'đánh' vào tâm lý thương người

14:11 - 21/05/2024

Nhiều kẻ lừa đảo đã mạo danh kêu gọi từ thiện nhằm chiếm đoạt tiền. Không ít người đã dính "bẫy lừa" này vì lòng thương người.

"Bẫy lừa" phổ biến suốt nhiều năm

Theo chuyên gia tâm lý Hồ Thị Nhật Thảo, Trung tâm tư vấn tâm lý Việt Tâm (TP.HCM), không thể phủ nhận những trường hợp cơ nhỡ, neo đơn, khiếm khuyết… trong cuộc sống khi được đăng tải trên mạng xã hội đã đánh thức sự thiện lương của mỗi người. Để rồi sau mỗi bài đăng kêu gọi quyên góp cho người yếu thế đã nhận được sự ủng hộ của dân mạng.

"Thế nhưng, có thực tế nhiều kẻ lừa đảo đã lợi dụng tâm lý, lòng tốt của người khác để trục lợi. Bản thân tôi cũng từng là nạn nhân", chị Thảo cho hay.

Chị Thảo kể lại vào cuối năm 2023, vô tình đọc một bài đăng trên Facebook đầy xúc động về một trường hợp bé gái 7 tuổi đang bị bệnh hiểm nghèo, phải điều trị tại một bệnh viện ở H.Bình Chánh TP.HCM. Kèm theo bài viết là nhiều hình ảnh của bé gái trông rất thương cảm. Phía cuối bài viết có số tài khoản ngân hàng và số điện thoại được cho là của mẹ bé gái.

"Tôi thấy thương nên chuyển 400.000 đồng. Nhưng rồi sau đó cũng lại đọc được bài viết y chang ở một fanpage. Chỉ khác là tài khoản ngân hàng, số điện thoại. Tôi lấy tên bé gái để tìm kiếm, mới vỡ lẽ nhiều người đã mạo danh phụ huynh bé gái để đăng bài kêu gọi quyên góp nhằm trục lợi", chị Thảo kể.

Mở mạng là gặp

Một bài viết có nội dung mạo danh chùa Lâm Quang để kêu gọi từ thiện nhằm trục lợi

CHỤP MÀN HÌNH

Câu chuyện trên không là ngoại lệ, bởi "bẫy lừa" mạo danh kêu gọi từ thiện đã quá phổ biến suốt vài năm qua.

Anh Trương Hoàng Bảo, thành viên diễn đàn chongluadao.vn, cho biết: "Khi thấy bài viết về những trường hợp cần cộng đồng chung tay giúp đỡ được đăng tải trên báo chí, các fanpage… thì kẻ lừa đảo sẽ sao chép lại nội dung lẫn hình ảnh, video. Sau đó, kẻ lừa đảo sẽ đăng lại trên trang cá nhân của họ, chia sẻ đến nhiều nhóm. Họ sẽ không quên tự xưng là bố, mẹ, người thân của người cần giúp đỡ. Và kẻ lừa đảo sẽ kèm số điện thoại, tài khoản ngân hàng của chính họ. Khi ai thấy động lòng xót dạ muốn giúp đỡ các mảnh đời khó khăn ấy sẽ vô tình chuyển khoản cho… kẻ lừa đảo".

Cuối năm 2023, đại diện chùa Lâm Quang, Q.8 (TP.HCM), đã viết bài cảnh báo lên mạng xã hội, phản ánh một số người lợi dụng danh nghĩa của chùa để kêu gọi nhằm trục lợi. Theo đó, những kẻ lừa đảo đã dùng địa chỉ của chùa Lâm Quang, lập Facebook tên "Dưỡng lão chùa Lâm Quang", đồng thời dùng thông tin và những hình ảnh về mái ấm dành cho các cụ già và em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn tại chùa này. Sau đó, chạy quảng cáo để tiếp cận nhiều người, kêu gọi lòng hảo tâm giúp đỡ tiền bạc. Dù mọi thứ đều mạo danh chùa Lâm Quang, nhưng thông tin tiếp nhận sự giúp đỡ thì chuyển về tài khoản của một người khác, không hề liên quan đến chùa này.

Ca sĩ Noo Phước Thịnh cũng từng lên tiếng khi có kẻ lừa đảo đã mạo danh, sử dụng tên anh để kêu gọi từ thiện nhằm trục lợi. Không ít bệnh viện ở TP.HCM cũng từng nhiều lần đăng bài trên website để phản ánh tình trạng nhiều kẻ mạo danh, kêu gọi cộng đồng quyên góp giúp đỡ bệnh nhân không đúng thực tế.

Thời gian qua, đã có không ít trường hợp mạo danh người khác kêu gọi từ thiện để lừa đảo chiếm đoạt tiền và cái kết là vào tù. Trên mạng xã hội Facebook, rất nhiều bài đăng của người dùng có nội dung phản ánh về tình trạng là nạn nhân của "bẫy lừa" này.

Trước khi giúp đỡ cần kiểm chứng thông tin

Thông tin trên website Công an tỉnh Đắk Nông, ngày 14.5 vừa qua, Cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh này đã khởi tố vụ án, bị can và bắt tạm giam đối tượng Vy Bảo Châu (26 tuổi, ngụ tại xã Thanh Sơn, H.Định Quán, tỉnh Đồng Nai) để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đối tượng này đã mạo danh tài khoản của những người kêu gọi từ thiện để lừa đảo, chiếm đoạt trên 400 triệu đồng từ các nhà hảo tâm tại tỉnh Đắk Nông và nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Khai tại cơ quan công an, Vy Bảo Châu cho biết đã lập nhiều tài khoản Facebook giả mạo, lấy hình đại diện và đặt tên giống với tài khoản Facebook của người kêu gọi từ thiện. Tiếp đó, đối tượng vào phần bình luận của bài viết đã đăng thông báo số tài khoản ngân hàng đăng trên bài viết bị lỗi, đề nghị các nhà hảo tâm đóng góp, ủng hộ tiền qua số tài khoản mới do đối tượng cung cấp. Tin tưởng đó là tài khoản ngân hàng của người đã đăng bài, nhiều người đã chuyển tiền giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn vào tài do Vy Bảo Châu cung cấp.

Mở mạng là gặp

Đối tượng Vy Bảo Châu bị bắt để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi "giăng bẫy lừa" mạo danh kêu gọi từ thiện

CÔNG AN TỈNH ĐẮK NÔNG

Như Thanh Niên đã đưa tin, vào chiều 18.4, Công an Đà Nẵng cũng đã bắt giữ nghi phạm tên Lê Đình Hải (26 tuổi),  ngụ ở Q.Bình Tân, TP.HCM, vì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền từ thiện. Nghi phạm này đã tạo các tài khoản Facebook mạo danh người khác để đăng tải các bài viết với nội dung kêu gọi quyên góp tiền từ thiện giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản với hàng tỉ đồng.

Anh Trương Hoàng Bảo, thành viên diễn đàn chongluadao.vn, cho rằng để tránh được "bẫy lừa" này, mỗi người cần nêu cao tinh thần cảnh giác. Khi muốn ủng hộ cho người khó khăn, cần dành thời gian kiểm chứng kỹ các thông tin mà những bài viết đăng tải kêu gọi ủng hộ từ thiện trên mạng xã hội. Có thể liên hệ với chính quyền địa phương, bệnh viện nơi nạn nhân, người bệnh điều trị để kiểm chứng thông tin. Ngoài ra, nên lựa chọn các quỹ, chương trình từ thiện do Nhà nước, đoàn thể, quỹ xã hội, quỹ từ thiện được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đứng ra tổ chức, hoặc những bài viết trên các báo chính thống. Nếu nghi ngờ về hoạt động lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản, nên tố giác tội phạm đến cơ quan công an.

"3 không, 2 phải"

Chia sẻ với phóng viên Thanh Niên, đại diện Công an tỉnh Đồng Nai khuyến cáo để không bị lừa đảo trên không gian mạng, cần thực hiện "3 không, 2 phải".

"3 không" là: Không cài đặt hoặc truy cập vào các đường dẫn, các ứng dụng không rõ nguồn gốc tạo cơ hội cho kẻ gian lấy trộm thông tin, chiếm đoạt tài sản; Không cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ, đặc biệt là các thông tin tài khoản ngân hàng, mật khẩu đăng nhập, mã OTP, tài khoản mạng xã hội; Không chuyển khoản cho bất kỳ ai khi chưa xác định chính xác thông tin.

"2 phải" là: Phải thường xuyên cảnh giác, chủ động bảo mật các thông tin cá nhân (thông tin CCCD, thông tin tài khoản ngân hàng, thông tin tài khoản mạng xã hội,...); Phải tố giác với cơ quan pháp luật khi có các thông tin nghi ngờ (cuộc gọi, tin nhắn hoặc các nội dung nghi ngờ là hoạt động lừa đảo) để được hướng dẫn xử lý.

Với các nhân viên ngân hàng, khi có người dân đến giao dịch và mở mới tài khoản cần kiểm tra thông tin, giấy tờ tùy thân của khách hàng xem có trùng khớp với người mở tài khoản hay không. Nếu phát hiện nghi vấn, nhân viên ngân hàng cần báo với cơ quan công an gần nhất để kịp thời xử lý.

Ngân hàng cũng cần nhắc nhở người dân tuyệt đối không mở tài khoản để bán hoặc cho người khác thuê, mượn.

 
 

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

LỊCH PHÁT SÓNG TRUYỀN HÌNH

Thanh toán hóa đơn SCTV

Thâm cung nội chiến - SCTV9

Hắc sắc nguyệt quang - SCTV9 độc quyền và đồng thời với TVB

Ông chủ trường đua - SCTV9

Xứng danh tài nữ 4 - SCTV9 lần đầu tiên phát sóng tại Việt Nam

 

Cáp nét siêu tốc - Cơn lốc quà tặng từ SCTV

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

Nguồn: Vietcombank

Kết quả xổ số

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...