Mặt tích cực của truyền thông số mang lại cho người dùng có thể truy cập, tìm kiếm và tiếp cận nguồn thông tin khổng lồ một cách dễ dàng và nhanh chóng. Song theo các chuyên gia trong lĩnh vực an ninh, hoạt động này cũng tiềm ẩn các hành vi tuyên truyền xuyên tạc, chống phá trên không gian mạng.
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã mang lại những thay đổi to lớn, không chỉ về mặt công nghệ mà còn về cách thức con người tương tác và giao tiếp. Tuy nhiên, cùng với những lợi ích mà truyền thông số mang lại, cũng xuất hiện nhiều thách thức về văn hóa, đạo đức và an ninh. Tại nước ta, cùng với sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin - truyền thông, hoạt động của người dân trên mạng xã hội ngày càng phổ biến và gia tăng nhanh chóng về số lượng người dùng.
Nội dung truyền thông số được tạo ra và phân phối trên nhiều nền tảng khác nhau, trong đó nổi bật hơn cả là trên các mạng xã hội, như Facebook, Instagram, Twitter, TikTok, YouTube... Điều này cũng đặt ra nhiều thách thức và yêu cầu cấp bách đối với công tác quản lý nội dung truyền thông số, đặc biệt là vấn đề đảm bảo các giá trị văn hóa, đạo đức và quy định pháp lý.
Trung tướng, PGS.TS Phan Xuân Tuy, Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân nhìn nhận, một trong những điểm sáng của thời đại số là khả năng lan tỏa nhanh chóng và rộng rãi thông tin, nhưng đồng thời, cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh và trật tự xã hội. Do đó, kiểm soát và định hướng nội dung truyền thông số là một nhiệm vụ cấp thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững của xã hội.
“Rất lớn những người tham gia sử dụng mạng Internet và có sử dụng điện thoại thông minh trực tiếp họ đã và đang tham gia quá trình truyền thông số và chịu sự tương tác nhiều mặt tích cực và tiêu cực từ truyền thông số. Trong đó có những nội dung được cố ý tạo ra để chống phá Đảng và Nhà nước trước nhân dân, cố tạo ra, để trục lợi nhưng cũng có những nội dung vô tình mà lan tỏa những nội dung không tích cực không lành mạnh” - PGS.TS Phan Xuân Tuy nói.
Để đối phó với những thách thức từ truyền thông số, cần có các chính sách và biện pháp nghiêm ngặt để quản lý và kiểm soát nội dung trên mạng xã hội là rất cần thiết. Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền về sử dụng mạng xã hội một cách có trách nhiệm, và khuyến khích người dân tham gia vào việc xây dựng một không gian mạng lành mạnh. Cần xây dựng văn hóa đạo đức số, tạo dựng một môi trường truyền thông lành mạnh và bền vững, góp phần xây dựng xã hội phát triển toàn diện.
PGS.TS Trần Thanh Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng: “Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật về sử dụng Internet, sử dụng mạng xã hội, đảm bảo môi trường pháp lý bình đẳng, minh bạch, răn đe và xử lý cá nhân, tổ chức đưa tin xấu độc trên mạng xã hội. Phối hợp với các chủ thể quản lý các trang mạng xã hội ở nước ngoài trong đấu tranh, xử lý gỡ bỏ kịp thời những thông tin có nội dung xấu độc. Hoàn thiện bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai thực hiện đồng bộ trong cộng đồng”.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...