"Sau cơn bão Yagi, Hải Phòng bị tàn phá nặng nề nên chỉ một vài quán nước mở cửa. Mình ghé một quán trên phố Lê Lợi để sạc pin điện thoại, laptop", Dũng nói.
Dũng hiện là admin của trang Hải Phòng Của Tôi. Đây là một fanpage lớn được người dân Hải Phòng theo dõi các thông tin tại địa phương. Mùa mưa bão, trang này được quan tâm nhiều hơn cả. Vì thế, Chí Dũng phải liên tục cập nhật thông tin của địa phương lên mạng xã hội để mọi người nắm về tình hình bão lũ.
Khi ghé quán này, anh bạn cũng tranh thủ chụp thêm vài bức hình ghi lại cảnh người dân ngồi chầu chực để… sạc pin điện thoại. "Khi đi tới đây, mọi người cần mang theo ổ nối để có thể sạc được nhiều thiết bị. Quán cà phê không thu thêm tiền sạc pin, khách chỉ cần mua nước thôi", Dũng kể.
Chàng admin bộc bạch rằng bạn thấy nhiều người không gọi nước. Thế nhưng quán vẫn mặc kệ. Họ tạo hết điều kiện cho người dân sử dụng điện thoại liên lạc với người thân.
Theo Dũng, lý do người dân nô nức đến các quán cà phê sạc pin khá đơn giản. Trước đó 1 hôm, sau cơn bão, mọi người thường ghé các trung tâm thương mại để tìm chỗ sạc. Tuy nhiên, khách ghé nơi đây rất đông mà ổ điện có giới hạn, không đáp ứng được nhu cầu của mọi người.
Chiều 8.9, Dũng cũng "cắm cọc" tại trung tâm thương mại từ 16 giờ - 19 giờ chỉ để sạc điện thoại, laptop, iPad. Anh choáng váng khi thấy một hàng dài người đang ngồi đợi, từ các hàng quán, khu vực công cộng. Lối vào nhà vệ sinh có ổ điện vẫn có rất nhiều người ngồi.
Dũng cho biết sau cơn bão mọi người đều rơi vào tình trạng mất điện giống bạn nên họ tranh thủ ghé đến đây để sạc. Điện thoại ai cũng cạn kiệt pin nên việc chờ đợi rất lâu. Dũng phải rất kiên nhẫn để chờ tới lượt. Anh còn mang theo ổ cắm rời để sạc một lúc nhiều máy. Khi sạc xong, Dũng còn chia sẻ ổ cắm còn dư cho người khác sử dụng.
Mano Phom, sinh viên Trường ĐH Hải Phòng, cho biết cô gái từng chứng kiến cảnh chỗ ở bị cúp điện nhiều lần nhưng việc chạy ra quán cà phê để sạc pin điện thoại là lần đầu tiên. Cô gái người Lào sống ở ký túc xá và cũng lâm vào tình trạng mất điện giống người dân Hải Phòng. Cô bạn và bạn bè bèn tới một quán cà phê để ngồi chờ sạc pin.
"Giá nước ở đây tầm 50.000 - 80.000 đồng nhưng mình thấy khá xứng đáng. Mình ở đây tầm 2-3 giờ rồi, vừa mát mẻ, vừa có điện. Ở quán này cũng có rất nhiều bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên giống mình, tới đây sạc pin điện thoại", cô nói.
Còn Nguyễn Ngọc My (22 tuổi, ngụ ở đường Lê Lợi, Q.Ngô Quyền, TP.Hải Phòng), cho biết cô thuê khách sạn từ hôm 8.9 đến nay chỉ để… sạc pin điện thoại. "Ở đây người ta có máy phát, mình còn có phòng riêng nên đành chấp nhận tốn thêm chút tiền để đáp ứng cho công việc", cô gái bán hàng online chia sẻ.
Bão Yagi đổ bộ vào Hải Phòng đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của người dân. Cơn bão kéo theo hàng loạt sự cố như mất điện, mất nước, mất sóng điện thoại, khiến việc liên lạc trở nên vô cùng khó khăn. Nhiều người không thể gọi điện thoại hay truy cập internet để thông báo tình hình cho người thân, buộc phải tìm đến các địa điểm có máy phát điện và kết nối wifi để duy trì liên lạc và các hoạt động cơ bản.
Theo ghi nhận từ Báo Thanh Niên, tính đến 18 giờ ngày 8.8, hơn 50% TP. Hải Phòng đã được khôi phục điện. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa thực sự làm dịu tình hình khi đến 16 giờ ngày 9.9, tỷ lệ điện khôi phục mới tăng lên 80%. Điều này có nghĩa là vẫn còn 20% dân cư phải sống trong tình trạng thiếu điện, gây ra nhiều bất tiện trong sinh hoạt và công việc.
Việc cạn kiệt pin điện thoại là một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất. Nhiều sinh viên chia sẻ rằng việc mất điện không chỉ làm gián đoạn học tập và làm việc từ xa mà còn ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hàng ngày. Họ không thể sử dụng các thiết bị gia dụng như bếp điện để nấu ăn, không thể thanh toán trực tuyến và càng khó khăn hơn trong việc duy trì liên lạc với người thân trong điều kiện thời tiết bất thường. Thay vào đó, họ phải xếp hàng, chầu chực tại quán cà phê chỉ để sạc pin điện thoại.
"Mọi thứ sẽ sớm được phục hồi. Mọi người hãy cố lên", Chí Dũng nhắn gửi.