Ngày 20.5, trên nhóm H.C.C.B có thành viên L.H.Y đăng tải video quay lại cảnh một phụ nữ không mặc áo mưa, dắt xe lội nước, kèm theo dòng chú thích "dành cho anh em".
Hình ảnh ấy đã thu hút cả ngàn lượt tương tác, bình luận. Thật bất ngờ khi có nhiều thành viên cười khoái trá với những bình luận giễu cợt. Cũng có những ý kiến xúm vào bình phẩm về người phụ nữ đã phải chịu trận cơn mưa lớn bằng hàng loạt câu từ kém duyên.
Ngày 21.5, trên fanpage T.L.G.N cũng đăng hình ảnh một nam học sinh dắt xe đạp trong cơn mưa tầm tã. Áo sơ mi trắng dính chặt vào người. Chỉ vậy thôi nhưng bức ảnh ấy được không ít người săm soi với những bình luận dung tục.
Hai câu chuyện trên chỉ là số ít minh chứng cho câu chuyện có thật đã và đang xảy ra. Đó là nhiều người chụp ảnh người khác bị ướt mưa như trò tiêu khiển.
Lê Thị Hải Vân, sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho biết: "Không hiểu vì sao có những người thích cười trên "nỗi đau" của người khác. "Nỗi đau" ở đây chính là người ấy rơi vào hoàn cảnh ngặt nghèo, quên đem áo mưa hoặc không kịp mặc vào khi trời đổ mưa. Việc bị ướt mưa là điều chẳng ai mong muốn cả. Vậy mà, vẫn bị người khác quay, chụp lén rồi đăng lên mạng. Theo mình, đó là hành động thô thiển, kém duyên".
T.T.H, học sinh lớp 11 Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, Q.Tân Bình, TP.HCM, kể đã từng bị người khác chụp ảnh khi đang di chuyển cùng bạn dưới cơn mưa nặng hạt. "Lần ấy, trời mưa bất chợt, chúng mình không đem theo áo mưa. Cơn mưa diễn ra quá nhanh nên cả hai ướt hết người. Chẳng ngờ rằng có người khác chụp ảnh và đăng trên một nhóm ở Facebook. Việc hình ảnh bị lan truyền, cũng như phải đọc được những bình luận dung tục đã khiến cả hai sốc và stress suốt một thời gian", H. nhớ lại.
Nguyễn Hùng Thanh (28 tuổi), làm việc tại 49 Phạm Ngọc Thạch, Q.3, TP.HCM, nói rằng: "Theo tôi, việc cố tình chụp ảnh, quay lén người khác khi họ đi dưới trời mưa, nhất là những trường hợp bị ướt sũng, là hành động phản cảm. Đừng vì câu like mà có hành động như vậy".
Đỗ Thị An Nhiên, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nói: "Thay vì quay video, chụp ảnh, thì có thể dắt hộ xe cho người khác có phải ý nghĩa hơn không?".
Theo chuyên gia tâm lý Vũ Nhật Thịnh, Trung tâm tư vấn tâm lý An Nam, TP.HCM, rất khó để lý giải vì sao có hiện tượng một số trường hợp lại "mua vui" bằng việc quay, chụp lén người khác trong tình cảnh bị ướt sũng dưới trời mưa. "Tôi cũng đã từng thấy một vài hình ảnh như thế trên mạng xã hội và quả thật rất bất ngờ. Họ đã cố tình canh góc chụp, quay những vị trí nhạy cảm của người khác. Tôi cho rằng những "tác giả" của các hình ảnh, video ấy đã có hành động không thể chấp nhận được", anh Thịnh nói.
Anh Thịnh cũng nói: "Cần dừng lại hành động phản cảm ấy. Nếu cứ tiếp diễn, thì bất kỳ ai, dù nam hay nữ, dù ở lứa tuổi nào cũng có thể trở thành nạn nhân".
Cũng nhân vấn đề này, nhiều ý kiến bên cạnh việc bày tỏ sự phẫn nộ với những người kém duyên, thì cũng rỉ tai nhau trong những ngày trời mưa, trước khi rời khỏi phòng trọ hãy lưu ý một điều là: đừng quên đem theo áo mưa.