Từ nhỏ, ông đã có tinh thần hiếu học và quyết chí học tập. Năm 1936, Kiều Tấn Lập thi đậu Tú tài 2 tại Trường Petrus Ký (Sài Gòn) và sau đó về quê nhà mở trường tư dạy học cho con em của đồng bào nghèo tại địa phương.
Từ tuổi thiếu niên đã chịu ảnh hưởng truyền thống gia giáo, nền nếp của gia đình - là một trong những động lực thôi thúc Kiều Tấp Lập sớm tham gia cách mạng. Người thân của ông còn nhớ vào những năm 1930, ông Kiều Ngọc Lầu bị tình nghi làm Cộng sản; thực dân Pháp đã bắt, đày ông đi nhà tù Bà Rá.
Ông Lầu thường căn dặn vợ - bà Nguyễn Thị Vàng (được Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng) và dạy bảo các con Kiều Tấn Lập, Kiều Công Nghiệp (liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến): "Các con cố gắng học để biết đạo lý ở đời, học trường Tây nhưng đừng làm việc cho Tây". Lời dạy bảo của cha đã ảnh hưởng đến hai anh em Kiều Tấn Lập và Kiều Công Nghiệp dù còn ở tuổi thiếu niên.
Tận mắt chứng kiến cảnh đồng bào bị ức hiếp, đánh đập, sẵn có hiểu biết tiếng Pháp, Kiều Tấn Lập đã phản ứng với lính Tây, bênh vực đồng bào. Vì vậy, có lần ông bị bắt giam mấy ngày. Cách mạng đã chú ý đến hành động bột phát cá nhân của người thanh niên yêu nước này nên bắt liên lạc và giác ngộ vào tổ chức. Năm 23 tuổi (năm 1940), Kiều Tấn Lập tham gia phong trào cách mạng, được tổ chức phân công hoạt động trong phong trào thanh niên, sau này là Thanh niên Tiền phong do bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đứng đầu.
Nhiều nhân chứng cùng thời, là các bậc lão thành cách mạng ở Cần Giuộc, kể lại: Kiều Tấn Lập hăng hái, tích cực đi diễn thuyết ở nhiều nơi nhằm tuyên truyền cho phong trào thanh niên tham gia kháng chiến, vận động đồng bào nổi dậy, khởi nghĩa cướp chính quyền tháng 8.1945. Chúng ta không thể quên nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã viết Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Kiều Tấn Lập cùng những thanh niên thế hệ của ông đã tạo nên một hào khí nghĩa sĩ Cần Giuộc mới ở giữa thế kỷ 20.
Ghi nhận công lao của ông Kiều Tấn Lập, trong điếu văn, thiếu tướng Nguyễn Văn Rốp, Thứ trưởng Bộ Công an, đã khẳng định: "Trên mọi lĩnh vực công tác được giao, đồng chí đều thể hiện sự cố gắng, năng nổ, hoàn thành tốt nhiệm vụ; nên đồng chí được Đảng tiếp tục phân công đảm trách các phần việc như: Phó ủy viên Quốc gia tự vệ cuộc Nam bộ rồi giữ chức vụ Giám đốc Sở Công an Nam bộ và đồng chí đã đắc cử Đại biểu khóa 1 - Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 thuộc địa bàn tỉnh Chợ Lớn (cũ)".
Người thanh niên yêu nước quê hương Cần Giuộc ấy, trong tình hình mới của đất nước, khi giành chính quyền được đã khó mà giữ được chính quyền còn khó hơn, đã đảm nhận một trọng trách của ngành công an. Chỉ chưa đầy một tháng sau ngày cách mạng giành chính quyền, thực dân Pháp quay trở lại nước ta. Tiếng súng Nam bộ kháng chiến vang lên. Không chỉ lo đối phó với giặc ngoài mà còn cả bên trong là các đảng phái đối lập chống đối chính quyền cách mạng non trẻ, thêm vào đó quân phát xít Nhật chưa chịu giải giáp, đầu hàng quân Đồng minh.
Tài liệu Lịch sử Bảo vệ Đội Nam bộ - đơn vị Cảnh sát Võ trang Sở Công an Nam bộ (từ 25/8/1945 đến đầu năm 1955)" đã ghi lại sự kiện: Có 3 tên lính Nhật không đầu hàng quân Đồng minh nên vác súng đi lang thang đến ấp Mỹ Phú (Tân Kiên). Ban Chỉ huy bộ đội Chợ Đệm giao cho chiến sĩ Nguyễn Viên Uẩn (Chín Cọp) có biết tiếng Nhật đến thuyết phục 3 tên Nhật theo ta chống Pháp, nếu kháng cự thì tước súng, ta thu được ba súng trường Nhật, 360 viên đạn và 6 lựu đạn.
Vừa lúc đó, ông Kiều Tấn Lập, Phó giám đốc Quốc gia Tự vệ cuộc, sang thăm bộ đội Chợ Đệm. Ông nói chuyện với 3 người lính này. Họ đã xin lấy họ Kiều của ông Lập để làm tên mới của mình khi trở thành những người lính Việt Minh: Kiều Phi Hùng, Kiều Văn Lang và Kiều Tấn Đạt. (còn tiếp)
"… Qua hồ sơ X13 đang quản lý, thì được đồng chí Phạm Hùng, đồng chí Cao Đăng Chiếm ký xác nhận, ông Kiều Tấn Lập được công nhận liệt sĩ năm 1989, chức vụ Giám đốc Sở Công an Nam bộ". (Huỳnh Minh Phụng: Cục Công tác Chính trị - Tổng cục III - Bộ Nội vụ, nay là Bộ Công an).