Đời vua Lê Hiển Tông, vua Lê bị các chúa Trịnh lộng hành, áp chế ra mặt. Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc diệt tan chúa Trịnh, vua bèn gả con gái là Ngọc Hân cho ông. Những tưởng mối duyên này sẽ kết chặt những con người lại với nhau vì quê hương đất nước, nhưng không ngờ đã nảy sinh những mâu thuẫn, cạm bẫy để người ta hiểu rằng hai chữ "hòa hợp" không dễ dàng chút nào.
Đầu tiên là sự nghi ngờ của sĩ phu và quan lại Bắc Hà, không tin rằng Nguyễn Huệ diệt Trịnh phò Lê là thật tâm, có thể sẽ xuất hiện một "Chúa Trịnh mới". Cho nên người ta đã đầu độc Nguyễn Huệ ngay trong đêm tân hôn. May mà Nguyễn Huệ thoát được nhờ tấm lòng của ông đã chinh phục một người của triều đình.
Đến lượt Ngọc Hân bị nghi ngờ. Thái Đức hoàng đế Nguyễn Nhạc không tin công chúa trung thành với thể chế Tây Sơn. Lúc này vua Lê Hiển Tông đã mất, Lê Chiêu Thống lên ngôi, đã sang cầu viện ngoại bang, cho nên nhà Thanh nhân cơ hội đó đã giả mạo bức mật thư vu cho Ngọc Hân cấu kết với nhà Thanh, âm mưu lật đổ Tây Sơn để giữ quyền lực cho nhà Lê. May mà Nguyễn Huệ đã bình tĩnh xử lý và giải oan cho vợ.
Nhưng hành trình để đôi bên hiểu nhau, tin nhau không hề đơn giản. Những con người của hoàng triều nhà Lê và những con người áo vải Tây Sơn đâu dễ mà ngày một ngày hai xích lại gần nhau. Chính Nguyễn Huệ và Ngọc Hân là gạch nối giữa hai thể chế, chính tấm lòng sáng trong, trung nghĩa của họ đã hóa giải được những mâu thuẫn nội bộ, tìm được tiếng nói chung cho mọi người để cùng nắm tay chống giặc. Quân Thanh bị phá tan trong thời gian rất ngắn, không chỉ chứng minh được tài năng của Nguyễn Huệ mà còn chứng minh được lòng người dân đã biết neo lại một điểm tựa rất lớn, chính là Tổ quốc.
GIAN NAN MỚI ĐƯỢC RA MẮT
Giữa lòng TP.HCM vừa được giải phóng chưa bao lâu, còn ngổn ngang bao mối nhân tâm, bao lo âu cũ - mới, bao phập phồng vì chiến tranh biên giới còn chưa tan khói súng, thì vở cải lương này có vẻ như… nhạy cảm. Sở Văn hóa - Thông tin không duyệt. Anh em nghệ sĩ đoàn Văn Công buồn lo vì bao công sức tập tuồng kỹ lưỡng. Chỉ có Lê Duy Hạnh âm thầm đi tìm hướng giải quyết. Ông đã "dũng cảm" viết kịch bản, cất tiếng nói liên kết xưa - nay, nhấn mạnh hai chữ "hòa giải", ông không chịu bó tay cho nỗi lòng của mình chìm vào quên lãng. Ông và anh em nghệ sĩ chờ chuyến vào Nam công tác của Tổng Bí thư Lê Duẩn, mời Tổng Bí thư đến xem vở cải lương này, trong một buổi diễn chỉ có một số cán bộ cao cấp là khán giả. Nghệ sĩ vừa diễn vừa run, không biết số phận tác phẩm sẽ ra sao. Không ngờ, Tổng Bí thư xem xong đã khen ngợi vở diễn. Thế là Tâm sự Ngọc Hân chính thức mở màn bán vé. Vở diễn đã kết nối lòng người, góp phần tích cực hòa hợp xã hội.
Khán giả Sài Gòn từng mê nghệ sĩ Mỹ Châu từ trước 1975, nay càng mê thêm bởi bà vào vai Ngọc Hân rất đẹp, rất sang trọng chuẩn mực. Nhiều ngày phải diễn luôn 2 suất liên tiếp, Mỹ Châu đuối sức và sụt cân, nhưng bà kiên quyết không rời sân khấu. Đặc biệt, trong lớp diễn bị bức mật thư vu oan, Ngọc Hân rất đau khổ và bật khóc, thì Mỹ Châu luôn luôn khóc thật, không cần đến sự hỗ trợ của nước mắt nhân tạo. Diễn hàng trăm hàng ngàn suất thì nghệ sĩ dễ bị chai lì xúc cảm, nhưng Mỹ Châu vẫn diễn chân thật, nuôi được cảm xúc một cách đáng nể.
Bên cạnh đó, anh kép trẻ Tuấn Thanh lại có thêm dấu son là nhân vật Nguyễn Huệ. Tuấn Thanh có ngoại hình nam tính, giọng ca trầm ấm, vừa ngọt ngào nhưng cũng vừa uy dũng, cứ vào vai tướng là quyến rũ vô cùng. Ông vào nghề sau Mỹ Châu, nên khi lên sàn tập, ông cũng chịu khó lắng nghe Mỹ Châu hướng dẫn một chút để hai người diễn ăn ý với nhau. Thật sự là một đôi đào kép tuyệt vời. (còn tiếp)
Viết sử không phải chỉ kể chuyện xưa, mà còn đối chiếu, soi rọi chuyện nay, rút ra bài học gì bổ ích. Chiến công của Quang Trung phá tan quân Thanh chính là chiến công của thu phục lòng người, cùng đoàn kết giữ giang sơn chung, bỏ qua những nghi kỵ nhỏ nhen.
Soạn giả Lê Duy Hạnh