Những lễ hội độc đáo: Tết chung của 2 dân tộc tôn vinh mẹ lúa

13:48 - 05/12/2024

Tạ ơn cây lúa cho người dân cuộc sống no đủ, đồng bào Tà Ôi, Pa Kôh ở rẻo cao A Lưới (Thừa Thiên-Huế) mở hội chung Aza (mừng lúa mới) với nhiều nghi thức đặc sắc.

KHI PHỤ NỮ LÀM CHỦ LỄ

Ngày mưa đầu tháng 11, ngồi trầm ngâm nơi bậc cửa nhìn trời, già làng - Nghệ nhân Ưu tú Hồ Văn Hạnh (77 tuổi, trú thôn A Niêng Lê Triêng, xã Trung Sơn, H.A Lưới) bấm đầu ngón tay, lẩm nhẩm rồi tỏ ra sốt ruột: "Lễ hội Aza sẽ bắt đầu vào ngày mùng 6.11 âm lịch và kéo dài đến hết ngày 24 tháng chạp. Năm nay, lễ hội trùng với ngày 6.12 dương lịch nên dễ nhớ. Chỉ còn 1 tháng nữa là đến lễ hội Aza mà trời cứ mưa thế này. Bọn trẻ đi rừng, đi núi kiếm đặc sản về cúng Yàng (trời) cũng cực hơn nhiều…". Già Hạnh kể từ bao đời nay, cứ hễ thóc về nằm trong kho, người Tà Ôi, Pa Kôh sinh sống nơi thung lũng A Lưới lại mở hội để tạ ơn mẹ lúa. Aza là cách gọi chung của 2 dân tộc khi thực hiện các nghi thức mừng lúa mới.

Những lễ hội độc đáo: Tết chung của 2 dân tộc tôn vinh mẹ lúa

Nghi thức cúng mẹ lúa được thực hiện trong tiếng khèn, trống, cồng chiêng…

ẢNH: T.D.T

Có điều thú vị là dù mở hội Aza nhưng người dân cũng phân biệt thành Aza koonh và Aza kăn để chỉ tính chất và quy mô lễ hội. Aza kăn được tổ chức thường niên còn Aza koonh được tổ chức 5 năm/lần và được gọi là tết lớn. Theo già làng Hồ Văn Rái (80 tuổi), dù mở hội lớn hay nhỏ thì các nghi lễ cũng phải đầy đủ để tạ ơn đất trời cho cây lúa trổ "hạt ngọc". "Mỗi người dân Tà Ôi hay Pa Kôh đều biết rằng mình có cuộc sống no ấm là mang ơn "bà chủ" của nông nghiệp - cây lúa. Bởi vậy, lễ vật dâng lên mẹ lúa phải đủ đầy các loại vật 4 chân lẫn 2 chân, như bò, lợn, dê, gà… và đại diện cho các loài cây trồng, như chuối, mía, bắp…", già Rái nói.

Già Hồ Văn Hạnh tiếp lời bên cạnh mẹ lúa (ka coong tro), có cả thảy 8 vị thần che chở cho bản làng, mùa màng cần được dâng lễ một cách tôn nghiêm. Theo già, từ cộng đồng làng bản cho đến các hộ gia đình, người ta sẽ cúng thần buôn (pa nuôn), thần bán (a pan), thần nhà (yàng đung), thần núi (yàng cor), thần linh hồn (yàng cớt), thần nước (yàng p'nô đar), thần vườn (yàng cưm) và thần chăn nuôi (yàng pâr năn). Theo nhà nghiên cứu Trần Nguyễn Khánh Phong, thực hành nghi lễ Aza cổ truyền phản ánh thế giới quan độc đáo của người Tà Ôi. Lễ tết Aza được xem như là nghi lễ lớn nhất trong năm, người Tà Ôi cúng tạ ơn các vị thần linh.

Những lễ hội độc đáo: Tết chung của 2 dân tộc tôn vinh mẹ lúa

Già làng đón khách quý đến với lễ hội Aza koonh

ẢNH: T.D.T

"Nghi lễ tết Aza được tổ chức trong 3 lần cúng, bao gồm: lễ cúng ở rẫy, lễ cúng ở nhà, lễ cúng ở cộng đồng làng. Tất cả các lễ cúng này chỉ diễn ra trong nửa ngày đầu của tết Aza. Luật tục Tà Ôi quy định việc cúng ở rẫy, ở gia đình, hay cúng ở làng thì người chủ lễ vẫn là phụ nữ, đó là vợ của chủ nhà, vợ của chủ họ, vợ của chủ làng", ông Phong cho hay.

XỨNG DANH DI SẢN QUỐC GIA

Già Quỳnh Quyên (80 tuổi, trú tại thôn A Năm, xã Hồng Vân), người có công lao to lớn trong việc đưa lễ hội Aza koonh thành di sản phi vật thể quốc gia, cho biết giống như các lễ hội Ariêu car, Ariêu ping…, lễ hội Aza cũng có phần hội sôi động, đậm đà bản sắc của đồng bào vùng cao A Lưới. Làng cũng mời khách là những làng bạn đến chơi và biểu diễn hát múa. Điểm khác biệt là khi thực hiện các nghi thức cúng tế thần linh, cồng chiêng vẫn được đánh lên vang vọng khắp núi rừng biểu thị sự mừng vui. "Ngày xưa, trai làng còn dùng những ống nứa để nướng lên cho căng phồng. Đến giờ cúng, họ mang ra đập, tiếng nổ đanh nghe vui tai lắm. Còn người già thì hú vang "ơi… ơi… ới" để báo hiệu lễ hội đến rồi", già Hạnh tiếp lời.

Những lễ hội độc đáo: Tết chung của 2 dân tộc tôn vinh mẹ lúa

Mâm cỗ dâng lên mẹ lúa và các thần linh có nhiều nông sản do người dân trồng được

ẢNH: T.D.T

Từ công trình Đặc khảo về tết Aza cổ truyền của người Tà Ôi ở Việt Nam của nhà nghiên cứu Trần Nguyễn Khánh Phong, cho thấy lễ hội Aza qua phần hội thật sự đặc sắc với những hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao... Đặc biệt, khi đoàn khách mời cùng hòa chung niềm vui với dân làng trong những điệu Cà lơi truyền thống. Theo già Hồ Văn Hạnh, trong những ngày diễn ra lễ hội, những người tham gia đều sửa soạn cho mình trở nên đẹp nhất với những bộ trang phục được làm từ zèng - loại thổ cẩm truyền thống ở A Lưới (được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2017). Họ say sưa hát múa các làn điệu như ba bói, cha chấp, xiềng… Còn đám trai làng thì thi thố các trò chơi leo cột cao, đi chống chân lên trời, bắn nỏ… Bên cạnh các nghi thức độc đáo, kho tàng di sản phi vật thể đã được thực hành. Lễ hội Aza cũng là dịp để đồng bào Tà Ôi, Pa Kôh tự hào giới thiệu những món ăn, thức uống độc lạ của mình.

Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng VH-TT H.A Lưới, cho hay Aza là lễ hội lớn nhất nhì tại đại ngàn Trường Sơn. Ngoài nghi thức tạ ơn thần linh phù trợ cho nông nghiệp, Aza khi được tổ chức còn là dịp để đồng bào bàn nhau làm ăn, thêm nghĩa thêm tình giữa các bản làng.

Hoàn thiện hồ sơ cho lễ hội của người Cơ Tu

Ngày 7.11 vừa qua, UBND H.Nam Đông (Thừa Thiên-Huế) phối hợp với Phân viện Văn hóa nghệ thuật VN tại Huế tổ chức tọa đàm góp ý kiến hoàn chỉnh hồ sơ, lý lịch để đưa lễ hội mừng lúa mới (bhuôih cha haro tơme) của dân tộc Cơ Tu vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Từ nhiều đời qua, lễ hội mừng lúa mới ở quy mô cộng đồng đã trở thành ngày hội với sự tham gia của toàn dân Cơ Tu tại H.Nam Đông với nhiều nghi thức, hoạt động văn hóa, văn nghệ… hết sức đặc sắc.

 
 

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

LỊCH PHÁT SÓNG TRUYỀN HÌNH

Thanh toán hóa đơn SCTV

Công công xuất cung - SCTV9

Không gian lạ - SCTV9

 

Thâm cung nội chiến - SCTV9

Không khoan nhượng - SCTV9 độc quyền và đồng thời với TVB

Cáp nét siêu tốc - Cơn lốc quà tặng từ SCTV

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

Kết quả xổ số

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...