Đoạn hồi ức trên được Giáo sư Ca Văn Thỉnh nhắc lại trong bài viết mang tên Mùa thu nhớ mãi, đăng trên báo Nhân Dân năm 1982, những ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2.9.
Người con của quê hương Mỏ Cày (Bến Tre) ở tuổi ngoài 20 đã đi hàng nghìn cây số ra Hà Nội học Trường cao đẳng Sư phạm Đông Dương. Đồng môn của anh lúc này là những thanh niên yêu nước và trí tuệ: Cao Xuân Huy, Tôn Quang Phiệt, Đặng Thai Mai… Họ cũng nhanh chóng hòa mình vào các phong trào yêu nước sục sôi khi đó: đòi thả chí sĩ Phan Bội Châu (1925), để tang chí sĩ Phan Châu Trinh (1926), truy điệu chí sĩ Lương Văn Can (1927). Giữa năm 1928, tốt nghiệp trường cao đẳng sư phạm, Ca Văn Thỉnh trở về Bến Tre theo nghề dạy học cho đến năm 1945.
Gắn bó với nghề giáo, ông có điều kiện vừa tham gia phong trào yêu nước vừa truyền thụ tinh thần yêu nước cho học sinh và thanh niên miền Nam. Nhớ lại mùa thu cách mạng trên quê hương mình, ông kể: "Không khí cách mạng trong thanh niên và nhân dân Bến Tre ngày càng sôi động. Tiếng hát yêu nước, lên đường ngày càng to như từng đợt sấm động trên đầu bọn thực dân và tay sai. Giáo, mác, tầm vông vạt nhọn, dao, liềm đã cầm sẵn trên tay. Chỉ một tiếng hô "khởi nghĩa", tất cả sẽ nổ bùng lên trong khí thế bão táp cách mạng".
Từ 2 tháng trước đó, thầy giáo Ca Văn Thỉnh lên Sài Gòn vào giữa tháng 6.1945, gặp mặt thủ lĩnh Thanh niên Tiền phong các tỉnh. Họ đã cùng nhau dự lễ tuyên thệ ở vườn Ông Thượng (công viên Tao Đàn ngày nay). Chủ trì lễ tuyên thệ hôm đó là bác sĩ Phạm Ngọc Thạch.
Phong trào thanh niên ở Nam bộ lúc này rất sôi nổi. Đặng Ngọc Tốt, Huỳnh Văn Tiểng, Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, Nguyễn Thành Nam… là những sinh viên Nam bộ đã từng gây men phong trào yêu nước trong sinh viên Hà Nội, lúc này trở về Nam họ đã mang theo không khí sôi động ấy khuấy động khắp Nam kỳ lục tỉnh.
Ở rạp hát Nam Xuân, tỉnh lỵ Bến Tre, người xem nô nức nhiệt liệt hoan nghênh vở kịch Đêm Lam Sơn - nói lên tinh thần yêu nước của Nguyễn Trãi, Lê Lợi chống nhà Minh. Các ca khúc Lên đàng, Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu, Thanh niên hành khúc… của nhóm sinh viên Huỳnh Mai Lưu (Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước) đã khiến Giáo sư Ca Văn Thỉnh nhớ mãi: "Trong bầu không khí nóng bỏng ấy, máu trong người như sôi lên. Tôi như thể được chắp vào đôi cánh mà thênh thang bay lên, bay lên hòa nhập vào phong trào, vào tiếng hát, vào bước chân từng tiếng hô "một hai, một hai"… Chúng tôi làm việc hăng say, nhiều khi quên ngủ quên ăn, không kể ngày đêm tổng khởi nghĩa! Ba tiếng ấy đủ để chúng tôi thấy người sung sức lại mỗi khi mệt mỏi".
Đi sâu vào nông thôn, vận động thanh niên, nhờ đó, ông được thấy một không khí thay đổi hoàn toàn như trong mơ: Xã xã, ấp ấp, nhà nhà đều mở hội tưng bừng. Ban đêm, nhà không đóng cửa, không trộm cướp, không cờ bạc, không nhậu nhẹt say sưa. Quần chúng từng nhóm đồng thanh hát các bài ca yêu nước và luyện tập quân sự sẵn sàng khởi nghĩa.
Ít người biết Giáo sư Ca Văn Thỉnh (1902 - 1987) còn là người đứng đầu Bộ GD-ĐT trong suốt 6 tháng cuối năm 1946. Chính ông cũng là người đã ký Sắc lệnh thành lập ngành sư phạm, đào tạo giáo viên bậc phổ thông cho cả nước.
Không chỉ là nhà hoạt động chính trị, Giáo sư Ca Văn Thỉnh còn là nhà nghiên cứu văn học và sử học. Ông được xem là người đầu tiên trong nghiên cứu văn hóa Nam bộ và văn học Nam bộ hiện đại. Từ các bài viết đầu tiên trước 1945 trên Nam kỳ tuần báo và Đại Việt tập chí, tiếp đó là các đầu sách xuất bản sau 1954 đến khi ông qua đời: Thơ văn yêu nước Nam bộ nửa cuối thế kỷ XIX (viết chung với Bảo Định Giang, 1962), Nguyễn Thông - Con người và tác phẩm (viết chung với Bảo Định Giang, 1984), Hào khí Đồng Nai (1985)... Những năm gần đây, gia đình còn tập hợp tác phẩm và di cảo của ông để lại, xuất bản Ca Văn Thỉnh tổng tập giới thiệu đến bạn đọc.