Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết đây là sự kiện quan trọng trong khuôn khổ hợp tác quốc tế, nhằm thúc đẩy các ngành kinh tế tiềm năng, khai thác phát huy giá trị di sản văn hóa, bảo vệ môi trường và đẩy mạnh chuyển đổi số trong phát triển kinh tế địa phương.
Lợi thế vượt trội của Huế nằm ở sự đa dạng và tính liên kết của các di sản. Quần thể di tích cố đô Huế không chỉ là công trình kiến trúc đơn thuần mà còn là nơi lưu giữ âm nhạc cung đình, thơ văn trên kiến trúc và những bản đúc nổi trên 9 đỉnh đồng (cửu đỉnh), hệ thống thủy đạo, cảnh quan, cây xanh…
Sự giao thoa này tạo ra một trải nghiệm văn hóa tổng thể, khác biệt hoàn toàn so với các di sản đơn lẻ ở những địa phương khác; mở ra cơ hội phát triển các mô hình du lịch trải nghiệm đa chiều, kết hợp giữa tham quan, thưởng thức nghệ thuật và học hỏi lịch sử.
Hơn nữa, sự hiện diện của cả di sản vật thể và phi vật thể tạo điều kiện để Huế phát triển một nền công nghiệp văn hóa và sáng tạo độc đáo.
"Sự kết hợp độc đáo giữa các loại hình di sản tạo ra cơ hội phát triển đan xen giữa du lịch, văn hóa, giáo dục, công nghệ và sáng tạo, không chỉ bảo tồn và phát huy di sản mà còn tạo ra động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội; góp phần xây dựng và phát triển Huế (thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 của Việt Nam) là trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước và khu vực Đông Nam Á, châu Á, trung tâm khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, y tế chuyên sâu, là thành phố di sản, văn hóa đầu tiên của Việt Nam trên nền tảng bảo tồn, phát huy các giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế", ông Hoàng Việt Trung cho biết.
Đề xuất nhiều giải pháp cho kinh tế di sản
Trong bài tham luận tại diễn đàn, tiến sĩ Reigh Young Bum, Chủ tịch Viện Nghiên cứu về kiến trúc và đô thị Hàn Quốc (AURI), nhìn nhận rằng tham khảo từ các thành phố lớn trên thế giới như Paris, New York và London cho thấy giá trị bảo tàng sẽ đem lại năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế của thành phố. Trong đó, riêng London có 250 nhà hát, 25 bảo tàng miễn phí tốt nhất, thu hút 20 triệu khách quốc tế mỗi năm.
"Với cố đô Huế, việc thành lập tổ hợp bảo tàng sẽ mở rộng khả năng sáng tạo của người dân thành phố Huế thông qua các hoạt động lịch sử và văn hóa. Việc mở rộng hệ sinh thái văn hóa có thể mang lại sức sống mới cho du lịch lịch sử của thành phố, thúc đẩy giao lưu giữa các trường học và các nhóm sáng tạo khác nhau trong cộng đồng địa phương thông qua văn hóa và giáo dục nghệ thuật. Đó là một khoản đầu tư có giá trị cho tương lai nhằm tích lũy vốn xã hội trong thành phố, chẳng hạn như tạo ra một không gian mà mọi người có thể làm việc", tiến sĩ Reigh Young Bum khuyến nghị.
Tiến sĩ Reigh Young Bum cũng gợi ý Huế có thể thành lập tổ hợp trung tâm thương mại và bảo tàng lịch sử: "Bảo tàng không đơn giản là không gian trưng bày các bộ sưu tập lịch sử mà còn phục vụ việc trình bày thời gian và lịch sử thông qua không gian, chứa đựng bối cảnh đô thị, nâng cao các giá trị văn hóa gắn kết với cộng đồng địa phương, đồng thời phá bỏ ranh giới giữa văn hóa và du lịch".
Tại diễn đàn, ông Hoàng Việt Trung đề xuất các mô hình để phát triển kinh tế di sản, kinh tế xanh và kinh tế số dựa trên 5 trụ cột, bao gồm: khai thác không gian di sản y học của Thái y viện (với các dịch vụ sức khỏe dành cho du khách, phát triển các sản phẩm cung đình phục vụ sức khỏe, dưỡng sinh và làm đẹp); khai thác hệ thống thủy đạo kinh thành Huế (để phát triển các tour du lịch sinh thái như du thuyền, ẩm thực và tái hiện lịch sử trên sông); khai thác không gian thượng thành (để hình thành các tour du lịch trải nghiệm); tăng cường giáo dục di sản và tổ chức festival văn hóa 4 mùa, các festival chuyên đề như festival võ thuật, festival nhã nhạc, lễ hội cung đình, festival triển lãm, hội chợ văn hóa; triển lãm cây cảnh, phong lan, tổ chức các show trình diễn ánh sáng, 3D mapping, bảo tàng số trên nền di sản…
Cũng từ diễn đàn, có thêm nhiều đề xuất về các mô hình, ý tưởng về kinh tế xanh và kinh tế số tích hợp trong kinh tế di sản để đưa kinh tế của Huế phát triển bền vững trong bối cảnh mới.
Nhân sự kiện này, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cùng Viện Nghiên cứu kiến trúc và đô thị Hàn Quốc đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác thực hiện chương trình nghiên cứu, tư vấn thiết kế tái thiết có chuyên môn cao nhằm phát triển đa dạng mô hình kiến trúc sinh thái lịch sử, công nghiệp văn hóa, dịch vụ du lịch… tại di tích Huế.