Những bộ quần áo ánh kim, nhân vật có lúc cử động như người máy hay có vô số dây cắm ở trên đầu liên tiếp xuất hiện trong vở cải lương Cánh cửa khép hờ (Nhà hát Cải lương VN). Không chỉ có vậy, trong vở diễn có những đoạn nghệ sĩ hát, giải thích về một khái niệm vật lý rất khó, như là "vướng víu lượng tử" (mới đây, nghiên cứu về vướng lượng tử đã đoạt giải Nobel 2022).
Khó là vậy, thách thức khái niệm là vậy, nhưng NSND Triệu Trung Kiên đã giải thích bằng một cách rất con người. Trong kịch bản viết chung với tác giả Hoàng Song Việt, cả hai đã giúp người xem hình dung về vướng lượng tử như một hiện tượng có thể sinh ra sức mạnh kỳ lạ. Từ đó, hai tác giả kịch bản cũng đẩy câu chuyện khoa học thành khoa học viễn tưởng trên nền câu hỏi: Liệu ứng dụng khoa học có phải là không có giới hạn? Liệu người con trai thông minh, được sinh ra một cách bất bình thường do can thiệp của khoa học, có mang đến hạnh phúc cho cha mẹ? Liệu cậu con trai ấy có thể trở thành người thành đạt giỏi giang không nếu cứ lạm dụng khoa học và dần dần mang máu lạnh của quỷ... Câu hỏi mà Cánh cửa khép hờ đặt ra trong kịch bản có sức hấp dẫn của đạo đức sinh học, đạo đức khoa học bên cạnh gợi mở niềm tin vào điều thiện.
Trong Cánh cửa khép hờ, có thể thấy tốc độ nhanh của kịch bản. Nhờ đó, cải lương trong Cánh cửa khép hờ không còn giống hình dung truyền thống về thể loại này. Nó có thể có tiết tấu nhanh, cách kể chuyện sôi nổi, với một đề tài hiện đại. Về âm nhạc, cải lương cho thấy sự sẵn sàng kết hợp với rap, với nhảy hiện đại. Về thiết kế và dàn dựng, cải lương cũng có thể hòa hợp với những câu chuyện kể phụ trợ qua màn hình LED. Ở một cảnh diễn thú vị, khi người mẹ mang thai nói chuyện với con mình, hình ảnh một bào thai hồng hào trên màn hình cho thấy sức liên tưởng với tử cung ấm áp của mẹ.
NSND Triệu Trung Kiên, đạo diễn và biên kịch Cánh cửa khép hờ, chia sẻ ông chủ ý không dựng những câu chuyện ủy mị, sướt mướt thường thấy trên sân khấu cải lương. Các nhân vật trong tác phẩm là những nhân vật của tương lai, của thời đại trí tuệ nhân tạo 2045. "Cải lương phải tự thích ứng bằng những cuộc cách tân đúng hướng, đúng với cái tên gọi mà tiền nhân đã khẳng định là đổi mới… Xem ra, cải lương chỉ có hai con đường: đổi mới hay là chết", NSND Triệu Trung Kiên, cũng là Giám đốc Nhà hát Cải lương VN, nói. Với Cánh cửa khép hờ, sự thay đổi này đã có nhiều phần đáng ghi nhận.