Huy là con nhà nông, cha mẹ Huy khi đó đang vất vả nuôi anh trai Huy và em gái học cao đẳng và đại học nên cuộc sống hết sức khó khăn. Thời điểm đó, căn nhà gia đình Huy tuềnh toàng đến tội nghiệp. Mùa đông, những cơn gió mùa tràn về, không ngăn được gió, cha mẹ Huy phải đốt lửa giữa nhà để xua đi cái lạnh thấu da thấu thịt. Cha Huy làm nghề giăng lưới bắt cá ngoài đồng, mẹ Huy làm hàng xáo (mua lúa về xay rồi bán gạo và thu các sản phẩm phụ như tấm, cám... lấy lãi), nhà có hơn một mẫu ruộng, nhưng do cùng lúc phải nuôi hai người con học cao đẳng, đại học nên khi nào cũng thiếu trước hụt sau.
Anh trai Huy, Phan Đăng Cường khi đó mới đậu Trường cao đẳng Kỹ thuật ở Đà Nẵng sau 3 năm quân ngũ. Còn em gái Huy là Phan Thị Mai thì mới thi đậu Đại học Y Vinh. Cả hai anh em nhập học cùng một lúc nên Huy đành phải gác giấc mơ giảng đường lại, chờ cho anh trai và em gái học xong rồi mới tính tiếp chuyện đèn sách.
Huy là học sinh tiên tiến nhiều năm liền. Nhìn bạn bè cùng trang lứa vào đại học còn mình ở nhà phụ cha mẹ nuôi anh và em gái đi học, Huy không khỏi chạnh lòng. Nhưng rồi Huy nghĩ: mình chậm một chút nhưng lại đỡ đần được cha mẹ và giúp được anh và em gái học hành thì dù có hy sinh một thời gian cũng chẳng sao.
Vậy là ngày ngày, Huy cùng cha ra đồng thả lưới giăng câu bán lấy tiền, đêm về lại cùng mẹ sàng sảy những hạt gạo xay chưa được sạch để ngày mai đi nhập cho khách hàng, rồi chăm sóc 12 sào ruộng… Ngày mùa thì càng bận bịu hơn. Tất bật như vậy 2 năm trời, khi anh trai đã học gần xong cao đẳng thì Huy lên đường nhập ngũ.
Những ngày sống trong quân ngũ, Huy luôn dành những đồng phụ cấp ít ỏi của mình gửi về cho cha mẹ. Cứ như thế, khi Huy ra quân thì em gái cũng gần xong đại học.
Về địa phương, Huy được tín nhiệm cử làm thôn đội trưởng. Khi này, anh trai Huy đã học xong và đã lập gia đình. Em gái đang học những năm cuối. Huy lại cùng cha mẹ xây dựng kinh tế gia đình.
Huy bàn với cha mẹ nên mua máy xay xát để vừa nhận xay lúa cho bà con vừa thu mua lúa rồi xay lại bán cho các đại lý gạo ở quê và nhập cho thành phố.
Được cha mẹ đồng ý, với số tiền nhận được sau khi ra quân cộng thêm vay mượn, Huy đã mua một máy xay lúa gạo và đặt máy ngay tại nhà. Nhà Huy cách nhà lưu niệm Phan Đăng Lưu chỉ 50 mét. Con đường trước nhà Huy là cũng là đường làng. Tuy nằm trong làng nhưng nhờ chăm chỉ chịu khó và trách nhiệm với khách hàng nên máy xay luôn đông khách. Sau mấy năm làm máy xay gạo, Huy đã giúp cha mẹ xây được một ngôi nhà khang trang thay cho căn nhà xập xệ trước đó.
Nhận xét về Phan Đăng Huy, ông Phan Xuân Bốn, Bí thư chi bộ xóm Phan Đăng Lưu, nói: "Không chỉ siêng năng chịu khó, làm ăn chăm chỉ, Huy còn là một thôn đội trưởng gương mẫu, rất được chi lãnh đạo và bà con lối xóm tin yêu".
Sau 3 năm làm thôn đội trưởng, Phan Đăng Huy được đi học và được cất nhắc làm Phó chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự xã đội Hoa Thành. Anh Chu Văn Hà, nguyên Phó chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự xã đội Hoa Thành nói: "Khi về hưu, lãnh đạo xã Hoa Thành và huyện đội Yên Thành có đề nghị tôi tìm một người thay thế xứng đáng, tôi đã nghĩ ngay đến anh Phan Đăng Huy. Anh không chỉ là người cháu họ ngoan của nhà cách mạng Phan Đăng Lưu mà còn là một thôn đội trưởng có uy tín".
Sau hơn 5 năm là Phó chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự xã đội Hoa Thành, anh Phan Đăng Huy đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của lãnh đạo các cấp.
Hiện nay, hằng ngày, ngoài công việc ở xã đội Hoa Thành, anh Phan Đăng Huy luôn có mặt ở những nơi mà bà con lối xóm cần. Khi thì anh tham gia công việc đoàn thể như tiếp sức mùa thi, hội thi nghi thức đội, hiến máu tình nguyện; lúc thì anh tham gia phong trào văn nghệ thể thao của làng xã… Theo anh Chu Văn Thanh, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự xã đội Hoa Thành: "Anh Phan Đăng Huy là một đảng viên trẻ luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao. Anh còn là một người con có hiếu, có trách nhiệm với gia đình. Anh luôn sống chan hòa gần gũi với đồng nghiệp và luôn biết quan tâm đến người khác".