Ngày nay, phong tục đón Trung thu có nhiều thay đổi để phù hợp, thuận tiện hơn với nhịp sống hiện đại. Các chương trình biểu diễn múa lân, rước đèn, trò chơi dân gian và các cuộc thi làm bánh Trung thu được tổ chức rộng rãi tại các điểm vui chơi, thu hút sự tham gia của hàng trăm, hàng nghìn người. Những chiếc đèn lồng, đèn cù, mặt nạ, bánh kẹo, hoa quả v.v. có thể được dễ dàng mua ở bất cứ đâu, không còn là "xa xỉ phẩm" như một thời khó khăn nữa. Dù cách thức tổ chức đêm rằm tháng Tám có thể khác nhau nhưng tinh thần và ý nghĩa của ngày lễ vẫn được nhiều gia đình gìn giữ theo một cách thức mới.
"Mấy năm gần đây, vợ chồng tôi quyết định dành trọn vẹn một ngày nghỉ, đưa con đi tự tay chọn từng chiếc bánh nướng bánh dẻo, từng quả bưởi ,… về bày mâm ngũ quả. Người lớn thì tỉa dưa hấu, trẻ con thì tạo hình con nhím, chó bưởi từ hoa quả. Vừa tất bật chuẩn bị, hai vợ chồng vừa cùng nhau ôn lại ký ức tuổi thơ và kể cho con nghe về ngày Tết thiếu nhi năm xưa" - chị Tuệ Chi (Họa sĩ, 29 tuổi, tại TP.HCM) hào hứng cho hay.
Cùng chung quan điểm "sống chậm" dịp lễ Trung thu, gia đình anh Tuấn Kiệt (chủ garage ô tô, 37 tuổi tại Hà Nội) lại chọn cách khác: cùng con tự tay làm đồ chơi Trung thu. Anh tâm sự: "Nói thật, ra ngoài mua đồ chơi cho con thì nhanh lắm, một giây là xong. Nhưng mà như thế, con trẻ không cảm nhận được ý nghĩa của món đồ và giá trị ngày lễ truyền thống. Dịp Tết Trung thu mấy năm gần đây, mình và mấy gia đình hàng xóm thay đổi "chiến lược": tập trung tại nhà một người, hì hụi cắt cắt, dán dán cả mấy tiếng đồng hồ, cùng con tự tay làm đèn ông sao, nặn tò he, tô màu mặt nạ".
"Có trò chuyện với con thì mới thấy, trẻ con cũng rất tò mò, quan tâm tìm hiểu về phong tục, văn hóa dân tộc, chỉ là các bố mẹ có dành thời gian chia sẻ cùng con hay không thôi" - anh Tuấn Kiệt vui vẻ "tổng kết".
… bắt nguồn từ những lý do giản đơn mà ấm áp
Có thể thấy, Trung thu là dịp lý tưởng để rút ngắn khoảng cách giữa các thế hệ, để cha mẹ và con cái xích lại gần nhau hơn. Trẻ em vừa có cơ hội học hỏi từ người lớn về ý nghĩa của lễ hội, vừa cảm nhận được tình yêu và sự quan tâm từ gia đình. Những khoảnh khắc gia đình quây quần bên nhau, cùng nhau chia sẻ niềm vui và tiếng cười, không chỉ tạo nên kỷ niệm đẹp mà còn gắn kết tình cảm gia đình thêm bền chặt.
Ở khía cạnh ngược lại, thông qua việc tổ chức và tham gia các hoạt động Tết Trung thu cùng con trẻ, người lớn cũng có dịp "sống lại" những ký ức tuổi thơ đầy hoài niệm. Chị Tú Anh (32 tuổi, Kinh doanh thời trang tại Hà Nội) trải lòng: "Lớn lên trong giai đoạn khó khăn, nên dịp phá cỗ đêm trăng năm xưa trong tôi là những hình ảnh giản dị: hàng xóm tụ tập ở một điểm, trẻ con tranh nhau miếng bánh Trung thu, hì hụi làm chó bưởi và oẳn tù tì xem ai nhận quà giỏ thiên nga. Thời ấy, mọi thứ chưa được đủ đầy nhưng chẳng bao giờ thiếu tiếng cười mỗi dịp Tết thiếu nhi này. Càng tiếp xúc nhiều với công nghệ, với guồng quay công việc xã hội hiện đại, tôi lại càng nhớ về một thời đã xa. "Đứa trẻ" trong tôi khao khát được sống lại những khoảnh khắc đó và cũng mong muốn tuổi thơ con mình tràn đầy những ký ức đẹp như vậy".
Câu chuyện của những gia đình như chị Tuệ Chi, anh Tuấn Kiệt, hay chị Tú Anh ở trên không phải là số hiếm. Khảo sát do Kinh Đô Mondelez phối hợp thực hiện cùng Nielsen IQ cũng cho thấy kết quả tương tự: 94% người Việt Nam mong muốn mọi người quan tâm đến ngày Tết Trung thu hơn để gìn giữ những nét văn hóa đẹp của dân tộc Việt.
Có thể thấy, những giá trị truyền thống luôn là cốt lõi của xã hội. Dù cuộc sống hiện đại hối hả cuốn trôi khái niệm thời gian, thì những khoảnh khắc sum vầy mỗi dịp lễ hội như Tết Trung thu, Tết Nguyên đán luôn là nơi nuôi dưỡng tâm hồn trong mỗi người. Tuổi thơ của con trôi qua rất nhanh và dịp Tết thiếu nhi như đêm rằm tháng Tám cũng chỉ mỗi năm có một. Việc dành trọn vẹn một ngày sum vầy dịp này hẳn sẽ giúp các bậc phụ huynh có thêm thời gian, giúp các mầm non tương lai hiểu hơn về nét đẹp, phong tục ngày lễ truyền thống, từ đó tiếp nối và gìn giữ ngày Trung thu tươi đẹp cho thế hệ mai sau.