Gác bút nghiên, chị Võ Thị Diện sang CHDC Đức theo chương trình hợp tác lao động với Việt Nam. Sau thời gian ngắn học tiếng Đức, nghề may, nội quy lao động…, ngày 15.5.1987, chị sang Berlin, được xếp vào Đội May áo quần nữ. Gần 3 năm sau, nước Đức thống nhất. Một số lao động Việt Nam về nước, nhưng nhiều người cố gắng trụ lại, trong đó có chị. "Em lấy chồng người cùng quê. Anh ấy trước là sĩ quan quân y, qua hợp tác lao động sau em mấy tháng… Bọn em đã có 2 con, sinh tại Đức, một gái sinh năm 1992, một trai sinh năm 2002", chị kể.
Như bao người ở lại khác, anh chị phải làm rất nhiều việc để mưu sinh. Chị mở quầy bán báo, thuốc lá, nước giải khát, quán ăn nhanh… Hai vợ chồng cần cù dìu nhau qua khó nhọc rồi chị xin học nghề làm bánh mì. Nhờ chịu khó, thật thà, chị được ông chủ người Đức truyền nghề và tạo điều kiện mở quán bán bánh ngọt, cà phê sinh sống. Đầu năm 1990, người Việt Nam nhập cư vào Đức, không giấy tờ, chân ướt chân ráo… khá đông. Nhiều người cùng quê được chị tận tình chỉ dẫn, giúp đỡ.
Kinh tế gia đình anh chị dần dần khấm khá. Thời gian như chớp mắt, thấm thoắt đã hơn 36 năm, nếu không cần cù, chịu thương chịu khó thì không dễ gì vợ chồng chị Diện cầm cự được cho đến hôm nay. Chị thầm cảm ơn quê hương thứ hai đã tạo động lực giúp mình vươn lên có cuộc sống đủ đầy. Hơn nữa, còn có điều kiện mở rộng vòng tay yêu thương đến những phận đời kém may mắn, những hoàn cảnh éo le…
Tâm huyết với công tác xã hội, từ thiện
Năm 2017, được bà con ủng hộ, chị kêu gọi, vận động, tổ chức các hoạt động thiện nguyện thông qua mạng xã hội. Trang facebook của chị có hơn 65.000 bạn bè, người theo dõi, hầu hết là nhà hảo tâm, tổ chức từ thiện tại Berlin và vùng lân cận. Chị từng phối hợp kêu gọi giúp đỡ một đồng hương qua đời (không có giấy tờ). Nhiều người hảo tâm đã đóng góp hơn 23.000 euro để tổ chức tang lễ và đưa tro cốt người mất từ Berlin về Quảng Bình.
Chị còn cùng các chị em phật tử làm bánh và nhập bánh các loại để bán thiện nguyện cũng như kêu gọi trong vòng 4 tháng được gần 27.000 euro giúp thêm cho chùa Vạn Phước không may bị cháy. Chị góp thêm tiền túi tổ chức thuê 9 chuyến xe, mỗi xe hơn 70 người, đưa nhiều nhà hảo tâm đến tận chùa, cách Berlin 300 km. Trên các chuyến xe về chùa, các nhà hảo tâm ủng hộ thêm 16.000 euro nữa. "Em tổ chức, huy động có thành lập ban bệ đàng hoàng. Tuyệt đối không hề đụng tới tiền nhằm tránh những phiền toái. Danh sách người hảo tâm đóng góp em đều công khai trên mạng xã hội", chị bộc bạch.
Tháng 2.2022, chiến sự Nga - Ukraine bùng phát. Cùng với một đồng hương Quảng Bình, chị kêu gọi ủng hộ được nhiều áo quần, khăn mũ các loại và tiền mặt hơn 10.000 euro để giúp đỡ bà con người Việt di tản đến Ba Lan rồi sang Đức. Chị cùng bạn bè mang hàng trăm ổ bánh mì kẹp thịt đến Hauptbahnhof (Nhà ga Trung tâm Berlin) trao tận tay bà con…
Thời gian xảy ra dịch Covid-19, chị cùng "Nhóm Chung tay" và một vài tổ chức thiện nguyện may hàng nghìn chiếc khẩu trang tặng người dân cũng như cung cấp thức ăn đến nhiều bệnh viện ở Berlin. Người bệnh và y bác sĩ đã bày tỏ lời cảm ơn đến chị và các nhóm thiện nguyện đồng hành. Đặc biệt là năm 2021, khi 2 bang ở miền Nam nước Đức xảy ra lũ lụt lớn, chị là trưởng ban vận động kêu gọi quyên góp hơn 30.000 euro giúp đỡ những người bị thiên tai.
Hướng về quê nhà, chị kêu gọi hỗ trợ tiền gửi về nhờ Nhóm Từ thiện Từ Tâm ở Đồng Hới, Quảng Bình, trao quà cho bà con bị thiệt hại vì lũ lụt. Trong thời gian đầu dịch Covid-19 hoành hành, chị cùng bạn bè tổ chức vận động, quyên góp, gửi gần 6.000 euro giúp bà con ở Bắc Giang, Bắc Ninh; Nhờ Nhóm Từ thiện Từ Tâm đóng hàng gồm gạo, mì gói, rau củ quả vận chuyển vào cho bà con vùng dịch ở Q.Bình Tân, TP.HCM thông qua Ủy ban MTTQ Việt Nam quận… Ngoài ra, chị vẫn thường xuyên gửi tiền túi hỗ trợ việc nấu cháo giúp bệnh nhân nghèo điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới. Tuy công việc bán bánh, cà phê ở quán bận rộn nhưng chị vẫn dành thời gian mang cháo đến cho người bệnh ở bệnh viện hoặc nhà dưỡng lão ở Berlin như một thói quen… "Cháo nấu gồm các loại củ, quả, rau tổng hợp, gần như là một liều thuốc dinh dưỡng, phục hồi sức khỏe. Cháo nấu loãng, tránh thịt đỏ, hầu hết là rau, củ, quả dành cho người bệnh ung thư. Bệnh nhẹ ăn một loại cháo khác…", chị chia sẻ.
Chị hiện là Chủ tịch Hội Đồng hương Phú Hải, Đồng Hới, Quảng Bình. Hội từng được Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tặng Giấy khen về thành tích phòng, chống dịch Covid-19 và ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt… Khi được hỏi về tấm lòng theo đuổi công việc thiện nguyện, chị cười dung dị: "Làm thiện nguyện, "Em xin chọn lối này" vì là việc mình yêu thích!".
Những kỷ niệm khó quên
Trong 7 năm làm từ thiện cũng như sinh hoạt trong một số hội đoàn ở Berlin, chị Diện có nhiều kỷ niệm khó quên. Khi dịch Covid-19 bùng phát, lúc ấy chưa có vắc xin tiêm ngừa, chị vẫn đến trạm cách ly chăm sóc cho 7 phụ nữ Việt đang mang thai. Họ nhiễm Covid-19 trong cảnh thiếu vắng người thân, không có giấy tờ hợp pháp, không biết tiếng Đức... "Sức khỏe suy yếu vì ho, thở không nổi và không ai dám lại gần. Ai đã từng làm mẹ mới thấu hiểu hoàn cảnh này, anh ạ!", chị xúc động kể.
Tuy chưa được tiêm phòng dịch nhưng chị đeo khẩu trang, mặc đồ bảo hộ y tế, mang theo thuốc xông, đến động viên 7 bà bầu... Hết dịch chị vẫn tiếp tục giúp đỡ gạo cho họ vượt qua khó khăn. "Cô Diện và một số cô chú khác đã giúp đỡ, động viên chúng cháu hết sức nhiệt tình. Chị em chúng cháu xin gửi lời biết ơn đến cô!", bạn B.T.B.P thay mặt nhóm 7 bà bầu, bày tỏ. Còn bà Đ.T.N (63 tuổi) không giấu được xúc động, chia sẻ: "Phải nói là bạn Võ Diện có tấm lòng nhân ái đáng quý, luôn nghĩ đến những người nghèo khó, neo đơn. Bạn ấy đã truyền động lực cho tôi vượt qua bệnh tật để cùng tham gia làm từ thiện".
Chị Diện cũng là một trong 47 kiều bào đến từ 22 quốc gia được ra thăm quân dân Trường Sa từ ngày 17 - 23.4.2023 trong chuyến đi do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức. "Đến tận Nhà giàn DK1 mới thấy thương các chiến sĩ nơi đảo xa, ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền đất nước", chị rưng rưng nói…
Tôi có cảm giác hoạt động thiện nguyện của chị hội tụ từ nét đẹp của những người thân. Chẳng hạn kỹ năng tổ chức của bố (nguyên Trưởng phòng LĐ-TB-XH TP.Đồng Hới, Quảng Bình), lòng nhân hậu của mẹ và được bồi đắp thêm tình yêu thương người bệnh của chồng, vốn từng khoác áo blouse trắng.