Cách đây khoảng 15 năm, nhiều thôn bản tại H.Nam Đông (Thừa Thiên-Huế) là nơi quần cư của đồng bào Cơ Tu đứng trước nỗi lo nhà gươl theo mô thức cổ xưa sẽ biến mất. Già làng thôn A Xăng (xã Thượng Long, H.Nam Đông) là Ra Pát A Ray cũng lo lắng nay mai, những mái nhà chung của bản làng được làm bằng gỗ, tranh tre, nứa lá… vốn dĩ thân quen với nhiều thế hệ sẽ lùi sâu vào dĩ vãng. Tuổi đã ngoài 70 nhưng đêm nào ông cũng mất ngủ vì cứ nhắm mắt lại là mái gươl lại hiện ra trong đầu. Một hôm đang lim dim, già A Ray bật dậy rồi lấy giấy bút thảo liền mấy nét nhà gươl mà ông luôn ấp ủ sẽ dựng cho chính mình.
"Không bắt đầu dựng gươl, tôi sợ sẽ muộn mất. Con cháu đời sau sẽ không bao giờ biết cha ông ngày xưa đã từng đoàn kết thế nào dưới mái gươl mộc mạc hòa mình vào núi rừng. Tôi ngại làm phiền người khác nên khi bắt tay vào việc chuẩn bị dựng gươl, tôi xác định sẽ tốn nhiều công sức vì không nhờ cậy ai…", già Ra Pát A Ray nhớ lại ngày đầu nảy ra ý tưởng. Già A Ray tiếp lời để có được mái gươl "vuông ở giữa, tròn hai bên" như hiện nay, ròng rã 1 năm trời, già cặm cụi vào rừng tìm vật liệu. Khó nhất là tìm cho đủ tranh để lợp vì gươl đòi hỏi phải có mái khá dày. Để dựng gươl theo kiểu cũ cũng cần rất nhiều gỗ, già A Ray đã đốn hạ nhiều cây lớn do chính ông trồng được từ mấy mươi năm trước.
Khi đã đủ vật liệu, ngày ngày, già Ra Pát A Ray cần mẫn gọt bào, đục đẽo… Với mong muốn gươl do mình dựng nên sẽ là chuẩn mực của gươl kiểu cũ, già phải tốn rất nhiều thời gian để gia công làm sao các mạch gỗ sẽ khớp nối với nhau một cách bền bỉ nhất. "Từ xưa, người Cơ Tu dựng gươl không hề có một cái đinh tán mà chỉ là khớp nối các khung gỗ với nhau. Mái tranh được đan bằng tay và khi lợp chỉ dùng mây, tre để buộc. Gươl do tôi dựng cũng như thế…", già A Ray kể và chia sẻ thêm: "Chuẩn bị rường cột xong xuôi, ngày dựng gươl, tôi có nhờ một số trai làng đến để phụ một tay. Rồi sau đó, lại một mình túc tắc chẻ tre đan phên, lát sàn, lợp mái…".
Nhẩm tính, để hoàn thành căn nhà, từ lúc chuẩn bị cho đến lúc hoàn thiện chi tiết trang trí cuối cùng, già mất đúng 365 ngày.
NƠI TRUYỀN LỬA CHO THẾ HỆ TRẺ
Lúc tôi đến thăm cũng là lúc già làng Ra Pát A Ray vừa tiễn một đoàn nghiên cứu văn hóa bản địa đến điền dã tại xã Thượng Long. Từ căn gươl bước ra trong bộ trang phục truyền thống của người Cơ Tu, già đón tôi với chút ái ngại: "Căn nhà đã hơn 10 mùa lúa rẫy rồi, chừ nó cũng hơi xuống cấp. Tôi cũng già theo gươl nên mấy năm nay chưa sửa sang lại được". Ngồi trong gươl mới thấy hết đôi tay tài hoa của già A Ray khi chứng kiến những rường cột, xà nhà được gọt đẽo hết sức tinh tế. Bên cạnh những nhạc cụ truyền thống, như chiêng, trống… được già treo trên vách còn có nhiều dụng cụ lao động, sinh hoạt bằng tre nứa, như: gùi, hộp đựng đồ, oi đựng cá… "Tất cả do tôi đan cả đấy…", già cười hiền.
Nhà gươl trong đời sống Cơ Tu là nơi sinh hoạt, hội họp, giải quyết các công việc chung của làng. Đây cũng là nơi lưu giữ những vật hiến tế, cúng bái, của cải và là nơi tiến hành các lễ nghi của một ngôi làng. Gươl mang ý nghĩa là "trái tim của làng" nên trở thành nơi thiêng liêng, tập trung ý chí của một ngôi làng, từ đó tạo nên sự cố kết bền chặt cộng đồng người Cơ Tu. Với gươl A Ray, nói như già thì nó không mang nhiều ý nghĩa như thế nhưng cũng mang những giá trị căn bản của một nhà làng. Từ nhiều năm qua, gươl A Ray trở thành địa chỉ giao lưu văn hóa, văn nghệ của đồng bào Cơ Tu thôn A Xăng, là nơi để nhiều người tìm đến tham quan, tìm hiểu kiến trúc cổ. Với riêng già, gươl là nơi để ông tiếp khách, để chơi, để chế tác các loại nhạc cụ và truyền dạy cho thế hệ trẻ cách đánh cồng chiêng, thổi khèn, nghề đan lát…
Bà Nguyễn Thị Hoài Thanh, Phó trưởng phòng Dân tộc H.Nam Đông, khi nói về già làng A Ray đã rất xúc động trước việc già tự dựng gươl và biến căn nhà thành nơi trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào cho thế hệ trẻ. "Là một nghệ nhân đa tài, am hiểu từ kiến trúc, điêu khắc, đan lát cho đến âm nhạc…, già A Ray luôn cố gắng lan tỏa tình yêu di sản văn hóa Cơ Tu đến người dân, nhất là thanh niên. Trong những năm qua, già là người nhiệt tình tham gia biểu diễn văn nghệ tại các lễ hội, sự kiện văn hóa… và trở thành người thầy dạy âm nhạc cho nhiều người. Tháng 9.2023, già A Ray đã đại diện cho H.Nam Đông tham gia Ngày hội văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ 4 tại tỉnh Bình Định", bà Thanh nói.
Ở tuổi gần đất xa trời nhưng già Ra Pát A Ray luôn tâm niệm chừng nào còn sức khỏe ông sẽ còn góp sức mình bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa người Cơ Tu. "Gươl này còn, tôi còn dạy nhạc cho đám trẻ…", già nói như đinh đóng cột. (còn tiếp)