Ở VN, nhạc phim cũng là một phần được các đạo diễn, nhạc sĩ quan tâm đầu tư với các tên tuổi như: nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc trong các phim truyện nhựa: Bỉ vỏ, Ngõ hẹp, Người đàn bà nghịch cát, Tướng về hưu, Dòng sông hoa trắng... Tại Liên hoan phim VN lần thứ 13 (tháng 12.2002), nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc đã giành hai giải nhạc phim xuất sắc nhất cho phim nhựa Mùa ổi và phim video Nắng chiều. Nhạc sĩ Trọng Đài cũng ghi dấu ấn với các phim Đất và người, Hương đất, Người Hà Nội (ca khúc Chị tôi ông viết cho phim này là một trong các tác phẩm giúp ông giành được Giải thưởng Nhà nước năm 2021)… Ngoài ra, có thể kể đến nhạc sĩ Lư Nhất Vũ với bộ phim truyền hình Đất phương Nam; cố nhạc sĩ Bảo Phúc với Ngôi sao cô đơn, Những nẻo đường phù sa, Dòng sông không trở lại, Gót hồng, Khi đời có em…; nhạc sĩ Đức Trí với Em và Trịnh (viết cùng Trần Hữu Tuấn Bách), Áo lụa Hà Đông… Như lời đạo diễn Lưu Huỳnh (đạo diễn phim Áo lụa Hà Đông) thì: "Âm nhạc với tôi không phải là dụng cụ để tô điểm cho phim mà là hơi thở của phim", theo đó nó không chỉ đơn thuần là nhạc trong phim mà còn như một tác phẩm khí nhạc.
Theo Wikipedia: "Nhạc nền phim (đôi khi được gọi là nhạc phim, nhạc bối cảnh, hay nhạc phụ) là phần âm nhạc nguyên bản được biên soạn riêng để đi kèm với một bộ phim… Các bài hát thường không được coi là một phần của nhạc nền phim, dù cho các bài hát cũng tạo nên một phần của nhạc phim". Chẳng hạn, nhạc phim Áo lụa Hà Đông gồm nhiều tiểu phẩm, chủ đề nhưng đến nay phổ biến nhất là các tiểu phẩm: Áo lụa Hà Đông, Xanh bạc mái đầu, Ngồi tựa mạn thuyền.
Thời gian gần đây trên truyền thông giới thiệu một số ca khúc ăn khách trong các bộ phim như: Ngày chưa giông bão (ca khúc trong phim Người bất tử), Sau lời từ khước (ca khúc trong phim Mai), Có chàng trai viết lên cây (ca khúc trong phim Mắt biếc) - sáng tác của Phan Mạnh Quỳnh; Chắc ai đó sẽ về (phim Chàng trai năm ấy) - sáng tác: Sơn Tùng M-TP; Cô Ba Sài Gòn (ca khúc trong phim Cô Ba Sài Gòn) - sáng tác: Nguyễn Phúc Thiện… và gọi đó là những bản nhạc phim, các nhạc sĩ sáng tác các ca khúc đó là người sáng tác nhạc phim, thậm chí còn vinh danh là "ông hoàng nhạc phim". Điều này gây ngộ nhận cho người nghe, người xem, người biểu diễn và cả cho người sáng tác. Không phủ nhận mức độ ăn khách của các ca khúc trên, tuy nhiên so sánh với những khái niệm về nhạc phim thì những ca khúc phổ thông này hoàn toàn không thể gọi là nhạc phim.
Theo nhạc sĩ Đức Trí, một trong những nhạc sĩ viết nhạc phim đúng nghĩa hiện nay thì ca khúc là một thành tố dễ viết nhất cho âm nhạc của một bộ phim. Thông thường các nhạc sĩ chuyên nghiệp khi đã sáng tác các ca khúc cho phim đều đảm nhiệm luôn phần nhạc nền của phim, tuy nhiên có một số bộ phim chỉ yêu cầu nhạc sĩ sáng tác một vài ca khúc cho phim, phần nhạc nền còn lại sẽ có một chuyên gia chọn lọc trong kho nhạc nền trên mạng (sau khi đã được chấp thuận về quyền tác giả, quyền liên quan) và sắp xếp lại cho phù hợp với từng tình huống, nội dung phim.
Dù ở hình thức nào thì cũng nên phân biệt rõ ràng để có cách gọi chính xác về nhạc phim, ca khúc cho phim, về tác giả viết ca khúc, tác giả viết nhạc nền hoặc chọn nhạc nền cho phim, tránh những ngộ nhận như đã nêu trên.