GIỮA SÂN GA LAM ĐIỀN
Họa sĩ Lương Lu sinh năm 1940, quê xã Nghĩa Phương, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Cha ông vốn là viên chức dưới thời Pháp thuộc, có hai người con trai tên là Lương Lu Y (Louis) và Lương Hăng Ry (Henry). Đặt tên con theo tên của người Pháp như vậy, kể cũng bình thường đối với những nhân viên thuộc địa thời ấy.
Thế rồi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, cha Lương Lu dù từng làm công chức cho chế độ cũ nhưng vẫn được chính quyền Việt Minh trọng dụng. Có lẽ ái ngại cho tên của các con mình trong thời đại mới, người cha bèn bỏ chữ "Y" và chữ "Hăng", để còn lại Lu và Ry. Tên Lương Lu bắt đầu từ đó.
Cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc bằng Hiệp định Genève, tiếp sau đó là cuộc tập kết giữa hai miền. Tại khu vực miền Trung, điểm tập kết của những người theo Việt Minh được tổ chức ở Quy Nhơn. Tại đây, họ sẽ theo chuyến tàu của Ba Lan để di chuyển ra miền Bắc.
Từ Quảng Ngãi vào Quy Nhơn thời ấy, phương tiện thuận lợi nhất là đi xe goòng, tức là dùng toa tàu lửa để di chuyển. Người nào trong diện tập kết sẽ lên toa tàu ấy rồi dùng sức người để đẩy! Địa điểm để lên tàu là ga Lam Điền (thuộc H.Mộ Đức, Quảng Ngãi ngày nay). Lu theo cha đến ga Lam Điền để chuẩn bị vào Quy Nhơn. Mẹ Lương Lu bồng theo em để đưa tiễn chồng con đi tập kết.
Hàng ngàn người chen nhau giữa sân ga hôm ấy, có một cậu bé 14 tuổi, đen nhẻm, tiến lại cạnh mẹ mình và nói: "Con muốn về với mẹ!". Người mẹ vỗ về con: "Con cứ đi với cha, 2 năm nữa là về thôi mà". Đứa con cứ quyến luyến không chịu rời mẹ. Cuối cùng, cậu bé đề nghị: "Nhưng bây giờ mẹ cho con bú một miếng!". Người mẹ vén áo, để lộ cặp vú da teo tóp, rồi ôm đầu đứa con vào lòng, cho nó "bú một miếng" mà không cảm thấy thẹn thùng gì trước cặp mắt của hàng ngàn người hôm ấy. Cậu bé ấy là Lương Lu!
Bốn năm trước (2020), gặp họa sĩ Lương Lu tại H.Vĩnh Thạnh (Bình Định), tôi có hỏi ông: "Nghe ông Cao Duy Thảo kể lại vậy, có đúng như thế không?". Ông già 80 tuổi Lương Lu không xác nhận cũng không đính chính: "Chuyện lâu quá rồi mà. Nhưng mẹ tôi là người phụ nữ thương con vô bờ bến". Nói đoạn ông kể: "Tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Hà Nội, tôi xung phong đi B, vô đánh nhau tận Nam bộ cho đến hết cuộc chiến tranh luôn. May là không chết. Nhưng…". Ông bỏ dở câu nói, mắt đỏ hoe.
Rồi ông thủ thỉ kể mẹ ông nghe người ta nói con mình là bác sĩ (họa sĩ mà bà nghe nhầm - NV) nên hầu như bà dọc ngang khắp các vùng giải phóng trong miền Nam ngày ấy. Bất chấp đạn bom, hễ nghe chỗ nào có bệnh viện là bà tới hỏi xem thằng con "bác sĩ" của bà có ở đó không. Nhưng rồi người mẹ tội nghiệp ấy không bao giờ còn gặp lại đứa con của mình nữa. Bà đã ra đi vĩnh viễn vào năm 1972. Ngày hòa bình, họa sĩ Lương Lu trở về quê thì mẹ ông đã không còn!
NHẬN MẶT CON TRONG BÓNG TỐI
Tốt nghiệp Trường Điện ảnh năm 1966, Cao Duy Thảo xung phong đi B ngay trong năm đó, về công tác tại Tạp chí Văn nghệ Khu 5. Ông hầu như có mặt ở tất cả các chiến trường của hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi nhưng chưa thể đặt chân về Phù Cát (Bình Định) - nơi chôn nhau cắt rốn của ông. Cao Duy Thảo đi tập kết một mình năm 11 tuổi nên suốt thời kỳ học trên đất Bắc, ông coi cha của họa sĩ Lương Lu như cha mình.
Kể từ ngày đặt chân về miền Nam năm 1966, một nỗi khát khao luôn thường trực trong lòng Cao Duy Thảo là mong có ngày được gặp lại mẹ. Năm 1972, từ cánh rừng Trà My, Quảng Nam, ông băng qua phía tây Quảng Ngãi để về An Lão rồi Hoài Ân, cuối cùng là đến căn cứ Núi Bà - nơi các cơ quan đầu não của tỉnh Bình Định đang đặt ở đó. Hiểu được mong ước của đứa con sau nhiều năm xa cách mẹ, lãnh đạo tỉnh Bình Định bấy giờ đã bố trí một anh giao liên dẫn đường cho nhà báo Cao Duy Thảo để gặp mẹ.
Cao Duy Thảo quê xã Cát Tiến, Phù Cát (Bình Định) nên từ căn cứ Núi Bà về nhà ông không xa nhưng đường đi vô cùng khó khăn và nguy hiểm vì đồn bót lính bảo an giăng mắc khắp nơi. Cơ sở ở Cát Tiến báo cho Cao Duy Thảo biết là mẹ ông đã vào Quy Nhơn chứ không còn ở quê nữa. Thế là, cơ sở lại nhắn tin cho bà về Cát Tiến để gặp con.
Về thăm mẹ đúng mùa mưa, việc đi lại càng khó. Người ta bố trí cho mẹ ông từ Quy Nhơn lên ở nhà một cơ sở giữa cánh đồng mênh mông nước. Để đặt chân tới ngôi nhà ấy là cả một gian truân. Vì đi trong đêm, lại bí mật nên phải lội làm sao để lính bảo an trong đồn gần đó không nghe tiếng khỏa nước. Phần thì sợ địch trong đồn nghe tiếng bì bõm, phần sốt ruột muốn gặp mẹ sớm, ông đi trong tâm trạng bời bời.
Cuối cùng rồi Cao Duy Thảo và người cán bộ cơ sở cũng đặt được chân lên thềm ngôi nhà. Trước khi quay ra phía ngõ để canh chừng, anh cán bộ cơ sở chỉ vào một căn buồng tối om rồi dặn dò như một mệnh lệnh: "Thứ nhất là không được đốt đèn, thứ hai là không được… khóc, thứ ba là phải thật nhanh, cuộc gặp chỉ được phép trong vòng 10 phút vì còn phải lội nước trở về kẻo trời sáng mất!".
Cuộc gặp giữa hai mẹ con diễn ra chóng vánh. Không ai dám khóc thành tiếng nhưng nước mắt cứ trào ra. "Chưa bao giờ tôi thèm được khóc một trận cho bõ bèn như đêm hôm đó", Cao Duy Thảo nhớ lại.
Hai mẹ con "nhận mặt" nhau trong bóng tối. Người mẹ sờ lên cổ, lên đầu, xoa lên mặt rồi vuốt khắp người đứa con trai sau 18 năm xa cách nhưng lại không thấy mặt mũi con như thế nào! Đứa con cũng vậy, không biết mẹ mình già đi ra sao sau ngần ấy năm xa cách.
Đó là cuộc gặp rất đặc biệt, vì ngoài không gian, thời gian như đã nói, còn có một lý do nữa là Cao Duy Thảo đi tập kết năm ông mới 11 tuổi nhưng chỉ đi một mình. Vì vậy, được nhìn tận mặt đứa con trai ra sao, cao lớn thế nào, là nỗi canh cánh bên lòng người mẹ. Nhưng vì phải giữ tuyệt đối bí mật nên họ phải chấp hành trong hoàn cảnh ngặt nghèo như vậy.
10 phút đã trôi vèo. Anh cán bộ cơ sở bước vào nhắc: "Đến giờ đi rồi anh ơi!". Người mẹ buông đứa con trai ngót 30 tuổi đầu ra khỏi tay mình. Rồi bà lục trong túi áo lấy ra mấy chỉ vàng, dúi vào tay con: "Con mang theo số vàng này để nhỡ khi gặp khó khăn thì xử lý". Người con trai nói với mẹ trong nước mắt: "Thôi mẹ cầm về chứ con rày đây mai đó, biết sống chết thế nào, mà có giữ vàng cũng không biết dùng nó vào việc gì".
Cuộc gặp ấy đã ám ảnh nhà văn Cao Duy Thảo để ông đưa vào những truyện ngắn của ông với nhiều chi tiết vô cùng xúc động. Truyện ngắn Thời gian là một ví dụ.
Sau này, Cao Duy Thảo may mắn hơn họa sĩ Lương Lu khi ông còn kịp gặp lại mẹ trong rừng cờ hoa giữa đất Quy Nhơn ngày hòa bình.