Ước mơ làm phóng viên
Ngay từ những ngày còn bé, tôi đã muốn trở thành một nhà báo.
Tôi sinh ra và lớn lên ở Quảng Trị. Tôi tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, ngành Cử nhân văn. Sau khi tốt nghiệp, đa số bạn bè chọn theo nghề giáo, tôi thì chọn cái nghề "đi" - nghề báo.
Từ nhỏ cho đến lớn, tôi đã yêu thích đi đây đi đó; nghe, nhìn và ngẫm về những điều thú vị ở mỗi vùng đất mới. Từ những câu chuyện đó đã vun đắp tình yêu, sự thích thú và đam mê với nghề báo trong tôi. Đam mê nghề báo và mong muốn được đi nhiều nơi đã trở thành động lực để tôi luôn phấn đấu hết mình trong học tập và nhanh chóng thực hiện ước mơ của mình.
Để làm tốt vai trò của mình, tôi tự đăng ký học nhiều lớp nghiệp vụ đào tạo báo chí và tham gia nhiều hoạt động xã hội để có thể vừa hoàn thành tốt việc học vừa theo đuổi đam mê. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi vào Tây nguyên làm phóng viên Báo Đắk Lắk.
Ngay từ khi bắt tay vào những bài viết đầu tiên, hơn ai hết, tôi hiểu rằng là một phóng viên không thể ngồi một chỗ để lấy tin bài và làm phóng sự mà phải tới tận nơi để tìm hiểu thông tin. Và dù nắng hay mưa, tôi vẫn một mình một ngựa (có những hôm đi lấy tin ở những vùng xa, xe hư phải dắt bộ cả đoạn đường dài) len lỏi các vùng đất trồng đầy cà phê, tiêu... nơi địa hình đồi núi này để tìm kiếm đề tài. Cũng có những cùng đoàn làm việc tận vùng sâu, được gặp gỡ, trò chuyện và thưởng thức những món ăn truyền thống của người dân... Điều đó khiến tôi thêm yêu thích cái nghề "đi" này.
Mỗi khi một bài báo được đăng lên, tôi liền điện thoại về khoe với ba mẹ. Tôi bảo: "Con đã thực hiện được ước mơ vừa đi làm vừa đi du lịch rồi mẹ ạ. Lựa chọn trở thành một phóng viên, một nhà báo con đã gặp rất nhiều người dân vui vẻ và hòa đồng".
Viết tiếp ước mơ sau biến cố
Vào giữa năm 2018, tôi gặp tai nạn giao thông. Được các bác sĩ chẩn đoán chấn thương sọ não. Tôi nằm mê man suốt gần 2 tháng. Khi tỉnh dậy, tôi không thể nói chuyện, không thể đi đứng được. Tôi chỉ mở to đôi mắt và nhìn ba mẹ bên cạnh mình.
Vậy là ước mơ, hoài bão của tôi chấm hết ở tuổi 23 ư?
Sau khi ghép sọ thành công, tôi vẫn tập luyện và bán hàng online. Nhờ bán hàng, tôi tình cờ biết và trao đổi với chị phóng viên Báo Phụ nữ TP.HCM. Tôi viết lại, gửi bài cho Báo Phụ nữ TP.HCM và thật bất ngờ, tôi có bài đăng sau hơn 4 năm ngừng làm báo. Rồi bài báo thứ 2, thứ 3... Mẹ lại giúp tôi đi chụp hình nhân vật, gửi báo biếu.
Tôi ghi trên chiếc điện thoại những câu hỏi, hướng dẫn mẹ cách ghi âm, cách chụp hình, rồi xin phép nhân vật mình muốn viết. Mẹ trở thành "phóng viên bất đắc dĩ" thay con gái. Tôi chỉ ngồi trên chiếc xe lăn soạn các câu hỏi, sau đó gửi qua Facebook Messenger hoặc Zalo đến nhân vật; người được phỏng vấn cũng kiên nhẫn soạn ra câu trả lời giúp tôi. Cả hai trao đổi, thảo luận qua lại bằng những con chữ trên điện thoại.
Nhớ có lần, khi tôi nhập viện ở Bệnh viện huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, nhìn thấy cô vợ nhỏ bé chăm chồng cao to đang đau ốm, tôi xin viết và được cho viết. Khi bài báo được đăng trên Báo Phụ nữ TP.HCM, ít lâu sau, có một mạnh thường quân nhắn tin xin địa chỉ liên lạc của vợ chồng cô ấy để hỗ trợ chút ít. Tôi mừng vì mình vừa làm được việc tốt.
Đôi lúc, cũng có những nhân vật khó tính, họ không muốn hình ảnh của mình xuất hiện trên trang báo. Nhưng vì muốn giúp tôi có thể viết được, họ đã đồng ý. Với tôi, công việc dù khó khăn thì vẫn phải hoàn thành. Mặc dù không có ưu đãi nào cho phóng viên đặc biệt như tôi nhưng bản thân mình vẫn phải chủ động tìm đề tài, tìm những tấm gương không được hoàn hảo như mình nhưng vẫn sống đẹp với gia đình, xã hội.
Còn bao nhiêu khó khăn phía trước nhưng tôi vẫn không nản chí và vẫn muốn dấn thân vào nghề báo, bởi đơn giản với tôi khi đã đam mê thì phải theo đuổi đến cùng.