Tranh cãi lối chơi của HAGL: Xấu hay đẹp?

10:46 - 19/11/2024

Lối chơi của CLB HAGL trong trận gặp CLB Công an Hà Nội (CLB CAHN) dù bị đánh giá là phản bóng đá, nhưng quan trọng, đội bóng của HLV Lê Quang Trãi có 3 điểm.

HAGL không cần đẹp

Tranh cãi về chuyện nên "đá đẹp nhưng thua" hay "đá xấu nhưng thắng" là đề tài tranh cãi muôn thuở với bóng đá thế giới, không riêng V-League. Bóng đá là môn thể thao, hấp dẫn bởi tồn tại hàm lượng tính giải trí, nhưng khác với các loại hình giải trí khác, bóng đá có tranh đấu, va chạm, thắng thua và thành tích.

Các CLB được đầu tư hàng trăm tỉ đồng và vận hành với hàng chục con người để tìm kiếm mục tiêu duy nhất: chiến thắng. Bóng đá không có thắng thua, chẳng khác nào gánh xiếc biểu diễn.

HAGL hiểu điều này hơn ai hết. Năm 2015, lứa Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn được đôn lên V-League với mục tiêu không chỉ thắng, mà còn phải đá đẹp, thể hiện thứ bóng đá trong trẻo như ở sân chơi U.19 năm nào. HAGL từng treo giò nội bộ một cầu thủ bởi lỗi vào bóng thô bạo, hay một gương mặt U.19 cũng từng bị "thải" khỏi đội trẻ vì pha phạm lỗi triệt hạ.

Tranh cãi lối chơi của HAGL: Xấu hay đẹp?

HAGL thắng cựu vương CLB CAHN

ẢNH: MINH TRẦN

Tuy nhiên, HAGL đã tốn 5 năm để nhận ra giữa lối chơi đẹp mắt và chiến thắng, đội bóng này chỉ được chọn một. 9 năm qua, chỉ có mùa giải 2021, HAGL đua tranh sòng phẳng được ở ngôi đầu. Đó cũng là mùa đầu tiên HLV Kiatisak Senamuang ngồi "ghế nóng" ở Pleiku. Lối chơi phòng ngự phản công hợp lý đã đưa thầy trò Kiatisak lên đỉnh bảng sau 11 vòng, trước khi giải bị... hủy vì dịch bệnh.

Ngôi đầu của HAGL ở V-League 2021 cũng giống ngôi á quân của Hải Phòng (2022), Bình Định (2023 - 2024) hay hạng ba của CLB Sài Gòn (2020) ở chỗ: đây chỉ là hiện tượng nhất thời. Mùa 2022, HAGL đứng hạng 6, dù lực lượng giữ nguyên. Từ mùa 2023 trở đi, khi lứa chủ lực của Học viện HAGL JMG ra đi, đội chủ sân Pleiku càng lún sâu.

Về con người, HAGL có lẽ chỉ ngang Quảng Nam, Đà Nẵng hay Hà Tĩnh. Đội bóng của giám đốc kỹ thuật (GĐKT) Vũ Tiến Thành và HLV Lê Quang Trãi không có ngôi sao, lại mất thêm Nguyễn Quốc Việt và Đinh Thanh Bình cho CLB Ninh Bình. Ngoại binh chỉ ở mức đủ dùng.

Nếu đá đẹp, HAGL có thể đứng nhì bảng, giành 12 điểm sau 7 vòng (khởi đầu tốt thứ hai trong 10 năm qua)? Nếu chơi ngây thơ như thuở Công Phượng, Xuân Trường mới lên V-League, đội bóng phố núi giờ đang ở đâu?

Tranh cãi lối chơi của HAGL: Xấu hay đẹp?

HAGL chơi thực dụng

ẢNH: MINH TRẦN

Cực đoan hay không?

HLV Alexandre Polking đã dùng những từ ngữ nặng nề nhất để chỉ trích lối chơi của HAGL, và nói rằng lối chơi ấy không có lợi cho bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, cần lưu ý 3 điểm.

Thứ nhất, HAGL từng có giai đoạn rực cháy cho bóng đá nước nhà. Ngọn cờ đầu đào tạo trẻ, chính sách trẻ hóa, lối chơi đẹp... mà đội bóng của bầu Đức thể hiện đã góp công vào giai đoạn đỉnh cao 2018 - 2022 của đội tuyển Việt Nam. Ngay cả khi tụt dốc, HAGL vẫn là một trong những đội bóng được yêu mến nhất.

Dù vậy, những điều trên sẽ vô nghĩa, nếu HAGL chẳng có chỗ đứng ở V-League. Đội bóng phố núi phải học cách tồn tại, trước khi nghĩ đến điều lớn lao hơn.

Bối cảnh HAGL rất khác CLB CAHN. Giữa một đội bóng muốn vung tiền mua ai cũng được, với một đội bóng chảy máu lực lượng từ mùa này sang mùa khác, mọi so sánh đều khập khiễng.

Tranh cãi lối chơi của HAGL: Xấu hay đẹp?

HLV Polking chỉ trích HAGL

ẢNH: MINH TRẦN

Thứ hai, HLV Polking không sai khi tôn thờ bóng đá đẹp. Nhưng đừng quên, mùa 2021, ông Polking từng đẩy CLB TP.HCM rơi vào khủng hoảng, cũng bởi triết lý kiểm soát và chơi bóng ngắn. Đội bóng của chiến lược gia người Đức dù có đội hình không tệ, nhưng lại chơi hớ hênh, thủng lưới nhiều thứ hai giải và chỉ hơn nhóm xuống hạng 1 điểm.

Một đội bóng trung bình sẽ đi về đâu nếu không biết lượng sức mình, HLV Polking hiểu rõ nhất.

Sau cùng, HAGL đã thay đổi tư duy. Mùa trước, HLV Nguyễn Đức Thắng của Thể Công Viettel từng khẳng định "nên đặt cho HAGL một cái tên khác", bởi đội bóng này không còn như xưa.

Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên HAGL đổi tên sân vận động Pleiku thành "đấu trường Pleiku". Ở trong đấu trường, chỉ có chiến đấu để tồn tại.

HAGL sẵn sàng đá rắn, đổ bê tông, nằm sân với tổng thời gian lên tới 27 phút để giữ lại 3 điểm. Nếu cầm tới 3 ngoại binh hàng hiệu cùng dàn tuyển thủ quốc gia, dứt điểm tới 30 lần mà không ghi được bàn, nên tự trách mình, trước khi trách người.

HAGL đá như vậy, có thể không tốt cho bóng đá Việt Nam. Nhưng thầy trò ông Lê Quang Trãi không... nghĩ xa như thế. 3 điểm, trụ hạng sớm là những gì đội bóng phố núi cần.

Với lực lượng như vậy, HAGL đứng nhì bảng đã là đáng khen. Vì một trận đấu "xấu xí" mà phủ nhận nỗ lực từ đầu giải của Minh Vương cùng đồng đội là không công bằng.

 
 

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

LỊCH PHÁT SÓNG TRUYỀN HÌNH

Thanh toán hóa đơn SCTV

Thâm cung nội chiến - SCTV9

Hắc sắc nguyệt quang - SCTV9 độc quyền và đồng thời với TVB

Ông chủ trường đua - SCTV9

Xứng danh tài nữ 4 - SCTV9 lần đầu tiên phát sóng tại Việt Nam

 

Cáp nét siêu tốc - Cơn lốc quà tặng từ SCTV

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

Nguồn: Vietcombank

Kết quả xổ số

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...