Hôm 26/1, Tổng thống Pháp Macron là khách mời chính tại lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Cộng hòa của Ấn Độ, nhân chuyến thăm hai ngày tới nước này. Đây là lần thứ sáu một nhà lãnh đạo Pháp trở thành khách mời chính trong lễ kỷ niệm Ngày Cộng hòa của Ấn Độ, ngày kỷ niệm Hiến pháp chính thức có hiệu lực.
Chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Pháp Macron lần này là cơ hội để củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược mà Pháp đã xây dựng với Ấn Độ trong nhiều thập kỷ qua. Trong chuyến thăm Ấn Độ lần này, ông Macron có cuộc gặp với các lãnh đạo doanh nghiệp Ấn Độ từ các ngành công nghiệp dược phẩm, ô tô, vũ trụ, năng lượng và hydro.
Trọng tâm của cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo Ấn Độ và Pháp
Chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron với mục đích chính là dự Ngày Cộng hòa của Ấn Độ 26/1 tại thủ đô New Delhi với tư cách khách mời chính. Đây là một cử chỉ, một chuyến viếng thăm mang tính biểu tượng cao vào đúng thời điểm Ấn Độ và Pháp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược.
Chuyến thăm diễn ra sau 1 năm cả Tổng thống Macron và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đều đặn duy trì tiếp xúc ở cấp cao. Lãnh đạo Ấn Độ và Pháp đã gặp gỡ, trao đổi tại Hội nghị COP 28 tại Dubai, tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở New Delhi, tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở Hiroshima, Nhật Bản. Nhà lãnh đạo Ấn Độ cũng đã tham dự lễ diễu binh kỷ niệm Ngày Quốc khánh Pháp với tư cách Khách mời Danh dự hồi tháng 7/2023. Tất cả những thông số đó cho thấy mức độ tiếp xúc của lãnh đạo cấp cao hai nước ở mức nào, cũng như những nội hàm đang ngày càng phát triển của mối quan hệ Ấn – Pháp.
Về mặt thực chất, trong năm 2023, Ấn Độ và Pháp đã đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng nhằm tăng cường hơn nữa chiều sâu của mối quan hệ này. Đó là đạt được Lộ trình Chân trời 2047 và Lộ trình Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Trong đó, Lộ trình Chân trời 2047 tập trung vào 3 trụ cột hợp tác chính: Đối tác vì an ninh và chủ quyền; Đối tác vì hành tinh và Đối tác vì con người. 3 trụ cột này được cho là sẽ giúp giải quyết những vấn đề phát triển căn bản của hai nước cũng như của khu vực và toàn cầu trong tương lai; gắn với an ninh, thịnh vượng, đổi mới công nghệ và sự giao lưu của con người. Ngoài ra, hai nước đã cùng ký 12 biên bản quan trọng về hợp tác số, thanh toán ngân hàng, hàng không dân dụng, không gian, bảo tàng…
Trong chuyến thăm này, nguyên thủ hai bên sẽ có cuộc hội đàm để tìm cách thúc đẩy hợp tác song phương và hoàn thiện các sáng kiến mới theo ba trụ cột của các lộ trình đã đạt được.
Chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Pháp
Chuyến thăm lần này của Tổng Thống Pháp đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp tục củng cố quan hệ đối tác chiến lược Pháp - Ấn Độ. Đây không chỉ đơn thuần là việc đáp lễ sự hiện diện của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Quốc khánh Pháp hồi tháng 7/2023 với tư cách là khách mời danh dự. Sự xuất hiện của ông Macron tại lễ kỷ niệm Ngày Cộng hòa của Ấn Độ lần này là minh chứng cho quan hệ khăng khít giữa 2 quốc gia. Nhất là trong bối cảnh Pháp hiện đang gặp nhiều bất lợi trên trường quốc tế.
Trong vài năm trở lại đây, chính sách hướng tới phát triển quan hệ với các nước châu Phi thế hệ mới của Pháp gặp rất nhiều trắc trở. Chính quyền của Tổng thống Macron đã vấp phải làn sóng bài Pháp ngày càng có xu hướng lan rộng tại những quốc gia thuộc địa cũ của Pháp ở châu Phi.
Hàng loạt cuộc đảo chính đã nổ ra tại châu Phi trong vòng chưa đầy 3 năm trở lại đây: như ở Mali vào tháng 8 năm 2020, ở Burkina Faso vào tháng 1 năm 2022, ở Niger vào tháng 7 năm 2023 và mới đây là Gabon vào những ngày cuối tháng 8. Ngay sau khi lực lượng đảo chính tại các quốc gia này nắm quyền kiểm soát đất nước, đa số các chính quyền quân sự đều yêu cầu Pháp rút quân khỏi lãnh thổ của họ. Các chuyên gia nhận định rằng chính sách tiếp cận châu Phi thế hệ mới của Pháp hiện đang vấp phải nhiều thất bại.
Ngoài ra, Pháp cũng không đạt được tiến triển gì đáng nói tại khu vực Nam Thái Bình Dương. Mặc dù trong năm vừa qua, Tổng thống Macron đã tiến hành một loạt các chuyến công du đến các vùng và quốc gia thuộc khu vực này như New Caledonia (thuộc Pháp) hay Vanuatu cũng như Papua New Guinea, nhưng nhìn chung Pháp vẫn vấp phải sự bài xích của người dân tại các vùng thuộc địa cũ của mình. Chưa kể đến Pháp còn phải cạnh tranh với các cường quốc khác như Mỹ, Trung Quốc…
Pháp cũng đã đánh mất cơ hội thân cận với các quốc gia Đông Âu khi “không lắng nghe” họ. Thế nên, chính quyền của ông Macron đã nhanh chóng chuyển trọng tâm các mối quan hệ ngoại giao sang khu vực Ấn Độ Dương với hạch tâm là Ấn Độ. Nhờ quốc gia 1,4 tỷ dân này, Pháp hy vọng sẽ có thể tiếp cận các đồng minh của Ấn Độ trong khu vực như Sri Lanka hay Bangladesh.
Trong chuyến thăm Ấn Độ lần này, Pháp đặt mục tiêu đẩy mạnh hợp tác về công nghiệp quốc phòng với New Delhi. Ấn Độ đã mua 36 chiến đấu cơ hiện đại Rafale của Pháp và đang đàm phán để mua thêm 26 chiếc khác. Về kinh tế, Pháp kỳ vọng nhiều vào hợp đồng cung cấp 6 lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới EPR cho Ấn Độ. Về giáo dục, Pháp mong muốn hợp tác với Ấn Độ để có thể đẩy mạnh đào tạo đại học và sau đại học. Một trong những ưu tiên khác của Pháp là có thể tiếp cận thị trường ô tô cũng như dược phẩm trị giá nhiều tỉ đô la Mỹ của Ấn Độ.
Tuy nhiên, mục tiêu của phái đoàn Pháp không chỉ dừng lại ở những ký kết về hợp tác. Pháp và Ấn Độ hiện đang có nhiều sự đồng thuận về quan điểm chính trị. Ấn Độ đặt mục tiêu trở thành một quốc gia phát triển vào dịp kỷ niệm 100 năm độc lập vào năm 2047 cũng như có thể vượt qua sức ảnh hưởng của các nước phương Tây trên trường quốc tế. Tương tự như vậy, Pháp cũng muốn tái khẳng định lại vị trí và thoát khỏi tầm ảnh hưởng ngày càng lan rộng của các cường quốc như Mỹ hay Trung Quốc. Đối mặt với hai cường quốc này, New Delhi và Paris cần đối tác và đang kêu gọi cải cách quản trị toàn cầu.
Lợi ích của sự hợp tác giữa Pháp và Ấn Độ
Với thảo thuận và tầm nhìn mới đạt được trong năm 2023, Ấn Độ và Pháp đang hướng tới mục tiêu vào năm 2047, khi Ấn Độ kỷ niệm 100 năm độc lập và quan hệ song phương Ấn – Pháp tròn 50 năm nâng cấp lên tầm Đối tác Chiến lược. Một điều không ngạc nhiên khi mà hợp tác quân sự, quốc phòng và các hợp đồng mua bán vũ khí tiếp tục nằm ở trọng tâm của mối quan hệ song phương.
Pháp là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ 2 cho Ấn Độ, sau Nga. Và với triển vọng cuộc xung đột Nga- Ukraine còn kéo dài, hợp tác quốc phòng Ấn Pháp sẽ còn mở rộng. Hai bên đang triển khai thỏa thuận mua thêm 26 chiếc máy bay chiến đấu Rafale phục vụ cho Hải quân Ấn Độ cùng với 3 chiếc tàu ngầm Scorpene. Hai bên cũng đang triển khai đàm phán hợp tác cùng phát triển động cơ cho máy bay chiến đấu.
Trong bối cảnh hiện tại, Pháp nổi lên như một đối tác quan trọng trong sáng kiến “Sản xuất tại Ấn Độ” nhằm mục đích nội địa hóa sản xuất quốc phòng của đất nước Nam Á. Sự hợp tác an ninh vượt ra ngoài các thỏa thuận vũ khí khi hai nước cùng tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung thường xuyên và trao đổi thể chế.
Đối với Pháp, những thỏa thuận này mang lại lợi ích kinh doanh lớn, nhưng cũng giúp họ tìm được một đối tác đồng quan điểm trong các vấn đề an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Với 1,5 triệu công dân Pháp sống trong khu vực, Pháp là cường quốc châu Âu tích cực nhất tại Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương. Sự liên kết chiến lược giữa Pháp và Ấn Độ cũng đã tạo điều kiện cho các thỏa thuận ba bên với các quốc gia có cùng chí hướng như Australia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Ngoài ra, điều cũng ràng buộc hai nước là việc họ theo đuổi “quyền tự chủ chiến lược” trong chính sách đối ngoại của mình - một khái niệm mà Ấn Độ đã thực hiện kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Và cũng là một định hướng nước Pháp dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Macron, đã nhiệt tình khuyến khích tại Liên minh Châu Âu.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...